Đổi thay ở xã vùng cao An Phú
- Cập nhật: Thứ hai, 10/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - An Phú là xã phía nam huyện Lục Yên Yên Bái), cách trung tâm huyện 23km. Xã có 4500 nhân khẩu, 942 hộ, 85% dân tộc Tày, 100% dân làm nông nghiệp. Trước khi có con đường 9+1, việc giao lưu với bên ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bước vào những năm đầu đổi mới, An Phú hầu như không tiếp nhận được bầu không khí đổi mới như ở những nơi khác.
Bà con dân tộc Tày ở An Phú tham gia làm đường giao thông.
|
Tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu nên bình quân lương thực chỉ đạt hơn 200kg/người/năm. Do vậy, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng của xã thiếu thốn và thêm vào đó những năm 1998-1999 nạn đào đãi đá quý từ khắp nơi tràn xuống An Phú, kéo theo nạn cờ bạc, ma túy, trộm cắp... An Phú từ một làng quê thanh bình trở thành điểm nóng đầy bức xúc. Lúc này bà con trong xã cũng kéo theo phong trào bỏ làm ruộng, vườn đi đào, đãi đá quí, nên tình hình càng phức tạp hơn. Cán bộ, đảng viên như ngồi trên đống lửa, mất ăn, mất ngủ để giữ yên trật tự, nhưng tình hình bước đầu chưa chuyển biến được bao nhiêu. Sau này có sự hỗ trợ của các ngành chức năng của tỉnh, huyện nên lãnh đạo xã đã có thêm nhiều giải pháp hữu hiệu, đưa ra nhiều nghị quyết sát với tình hình thực tế, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, từng đảng viên. Nhờ có sự hỗ trợ của cấp trên và nghị quyết đúng đắn của Đảng bộ, nên đến đầu năm 2000, nạn đào đá quí và tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi ra khỏi địa bàn và tình hình dần trở lại bình thường.
Thử thách đầu tiên của cán bộ và nhân dân An Phú là làm con đường 9+1. Hàng ngày xã huy động hàng nghìn lao động ra mặt đường san đất, đập đá, chuyển đá, rải đá mặt đường để Nhà nước hỗ trợ một phần lu lèn làm thành con đường đá dăm dài hơn 8km thông thương với bên ngoài. Con đường căn bản hoàn thành năm 2001, cũng là thời điểm có nguồn vốn 135 của Chính phủ và vốn giảm nghèo WB đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã.
Trải qua 3-4 năm phấn đấu bằng một quyết tâm cao, một loạt các công trình hạ tầng cơ sở được đưa vào sử dụng như: trụ sở Ủy ban xã, trạm y tế, trường học, điểm bưu điện, nơi họp chợ, phai đập, kênh mương nội đồng... được xây dựng vĩnh cửu. Điện lưới quốc gia giúp cho 98% hộ dân được dùng điện, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn (một phần Nhà nước hỗ trợ đài thu thanh), 65% hộ dân có xe máy.
Cuộc cách mạng về chuyển đổi giống lúa mới, về làm vụ đông xuân... luôn vượt mức kế hoạch cả diện tích lẫn sản lượng. Hàng năm lượng hàng hóa, lúa, ngô, lạc, đỗ tương, gia súc... xuất bán thu về cho địa phương hàng trăm triệu đồng. Xã An Phú giàu thêm nhờ phát triển dịch vụ với 120 hộ kinh doanh hàng hóa, trong đó có 30 nhà hàng lớn thu nhập hàng năm khoảng 300 triệu đồng lãi. Ngành thủy sản phát triển nhanh nhờ đầu tư phương tiện đánh bắt, cộng với hệ thống ao cá gia đình đã tạo ra thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Các đồng chí lãnh đạo xã cho biết: Số hộ khá giàu 15%, hộ trung bình 63%, hộ nghèo theo tiêu chí mới 20%, bình quân lương thực 484 kg/người/năm. Bình quân thu nhập 5,2 triệu/người/năm. Như vậy thu nhập bình quân ở xã An Phú cao hơn nhiều xã trong vùng. Bên cạnh đó, Chương trình 134 xây dựng các tiểu dự án về cầu cống, giếng nước, nhà văn hóa... đã góp phần đem lại cho An Phú một diện mạo nông thôn mới.
Những quan tâm giúp đỡ đặc biệt của Đảng, Nhà nước với vùng cao về đầu tư vốn, miễn thuế, miễn học phí, cấp thuốc chữa bệnh, cấp sách báo, cấp giống cây trồng v.v... đã giúp cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân một cách rõ ràng. Đồng bào rất phấn khởi, tin tưởng ở đường lối, chính sách và sự lãnh đạo của Đảng, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó mọi phong trào thi đua ở cơ sở được toàn dân ủng hộ, tham gia. 5 năm liền An Phú không có người sinh con thứ 3; 10/13 làng được công nhận đạt danh hiệu làng văn hóa, 80% hộ đạt gia đình văn hóa; phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT duy trì thường xuyên, y tế và giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực... Đảng bộ 130 đảng viên đã nỗ lực phấn đấu tích cực, gương mẫu đi đầu trong đổi mới để liên tục 6 năm liền giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh; chính quyền vững mạnh toàn diện.
Xuân Khánh - Thu Hương
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là một trong 11 tỉnh trên cả nước đã và đang sản xuất thành công giống cây trồng bằng công nghệ mô-hom để phục vụ cho trồng rừng.
YBĐT - Tháng 8/2007, chỉ số giá tiêu dùng trong toàn tỉnh Yên Bái tăng 1,22% so với tháng trước và tăng 8,26% so cùng kỳ 2006. Khu vực nông thôn và địa bàn vùng cao tăng tới 1,29%, ở thành thị tăng 1,08%.
YBĐT - Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái) đã chủ động bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp, nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện về tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc khó khăn.
YBĐT - Mặc dù trong những tháng đầu năm 2007, nạn "chè vàng" đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhưng do có nhiều biện pháp tổ chức sản xuất kinh doanh, gắn lợi ích của doanh nghiệp với bà con nông dân làm chè nên Công ty cổ phần Chè Liên Sơn vẫn đảm bảo có đủ nguyên liệu sản xuất bình.