Nhà máy đánh thức vùng quê
- Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Quy Mông huyện Trấn Yên (Yên Bái) là một xã vùng 3, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, xã có 12 thôn, 4985 khẩu gồm 5 dân tộc anh em chung sống. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp.
|
Toàn xã có 1301 ha đất lâm nghiệp, song trong những năm qua bà con trong xã mới trồng được trên 100 ha rừng kinh tế. Diện tích đất đồi còn khá nhiều nhưng phần lớn là để hoang hoặc trồng những loại cây giá trị kinh tế thấp.
Lý giải về việc bà con chưa mặn mà trồng rừng kinh tế, ông Nguyễn Thành Dân - Phó chủ tịch UBND xã nói: "Xã đã có nhiều cuộc vận động nhân dân trồng rừng kinh tế nhưng kết quả đạt được không như mong muốn. Toàn xã có 12 thôn thì chỉ có thôn 11 và thôn 12 là bà con trồng và sống bằng nghề rừng với diện tích gần 100 ha. Vẫn biết trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đầu ra cho sản phẩm không ổn định, sản phẩm làm ra chủ yếu do các tư thương đến mua, giá thấp không đủ chi phí cho trồng, có thời điểm giá 1m3 gỗ bồ đề chỉ 150-200 ngàn đồng. Từ những yếu tố đó, dẫn đến chưa thu hút được nhiều người người dân tham gia trồng rừng".
Việc xuất hiện Nhà máy chế biến gỗ Quy Mông thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình đặt tại thôn 11 của xã sẽ là động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Nhà máy chế biến gỗ Quy Mông với hai dây chuyền sản xuất ván dán và ván dăm. Đây là những sản phẩm chủ yếu sử dụng nguyên liệu là gỗ rừng trồng.
Nhà máy có công suất 3 ngàn m3 sản phẩm/ năm theo tính toán hàng năm nó sẽ tiêu thụ khoảng hơn 6 ngàn m3 nguyên liệu gỗ rừng trồng. Như vậy, vấn đề đầu ra cho nguyên liệu gỗ rừng trồng không còn lo ngại, bởi Nhà máy sẽ tiêu thụ một lượng lớn nguyên liệu gỗ rừng trồng cho nhân dân không chỉ riêng xã Quy Mông mà cho các vùng lân cận như; Kiên Thành, Hoàng Thắng, Xuân Ái… Đây sẽ là một trong những động lực thu hút người dân tham gia trồng rừng sản xuất để chủ động cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy, nâng cao giá trị cho người trồng rừng, góp phần thúc đẩy kinh tế rừng phát triển.
Trong những ngày này, Nhà máy đang đi vào sản xuất thử, với hai loại sản phẩm chủ yếu là ván dán và ván dăm. Sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước. Hầu hết sản phẩm xuất khẩu sang các nước Đài Loan và Trung Quốc... không chỉ thúc đẩy trồng rừng mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động con em các dân tộc Quy Mông và một số xã lân cận.
Ông Phạm Công Khanh - Tổng quản lý Nhà máy cho biết: “Tới đây, Nhà máy tiếp tục lặp đặt thêm dây chuyền xẻ dọc gỗ và tiếp nhận thêm hàng chục lao động trong địa phương, khi đã đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo công ăn việc làm cho 120 lao động trong xã với mức lương 1-1,2 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy tổ chức thu mua nguyên liệu theo chất lượng từng loại gỗ với giá cả thoả thuận, người dân có thể bán trực tiếp hoặc thông qua các tổ thu mua. Hiện tại Nhà máy đang thu mua gỗ rừng trồng gồm: keo, bạch đàn, bồ đề ở mức bình quân 650 ngàn đồng/m3, phương thức thanh toán nhanh gọn". Nhà máy đã được xây dựng, thu hút và giải quyết việc làm cho không nhỏ người lao động địa phương mà còn là một động lực phát triển kinh tế đồi rừng mà trong một tương lai không xa nó sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, để có chiến lược phát triển lâu dài ngoài diện tích rừng tự trồng trong nhân dân, Nhà máy cần phối hợp với bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu. Đến nay đã có hàng trăm hộ dân trong xã nhận đất trồng rừng. Hàng trăm ha đất đồi rừng kia rồi sẽ được phủ xanh trong nay mai bằng những loại cây nguyên liệu. Sản xuất lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến đã mang đến cho người dân Quy Mông niềm tin và hy vọng mới ở tương lai.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Từ ngày 1-7, Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực. Đây chính là hành lang pháp lý để ngành thuế thực hiện đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Việc triển khai Luật Quản lý thuế được hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cũng như quản lý thuế.
YBĐT - Trong những năm trở lại đây, trước nhu cầu về chăn nuôi thuỷ sản từ vùng thấp đến vùng cao có chiều hướng tăng nhanh, điển hình là các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ...
YBĐT - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001- 2010”, kinh tế tập thể ở huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được nhiều việc làm mới cho lao động ở vùng nông thôn trong huyện có thu nhập ổn định, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng vùng nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
YBĐT - Dự án Nhà máy Luyện gang thép, một công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Yên Bái đang đươc gấp rút triển khai xây dựng.