Giải pháp nào cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng năm 2007 - 2008?
- Cập nhật: Thứ tư, 21/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Để công tác PCCCR ở tỉnh Yên Bái hiệu quả, bền vững cần thực hiện tốt phương châm chỉ đạo là: "Phòng là chính - cứu chữa kịp thời", không để cháy lan và chủ động tổ chức huy động lực lượng theo phương án "4 tại chỗ".
Diện tích rừng ở xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải được bảo vệ tốt. (Ảnh Trường Phong)
|
Công tác phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được quan tâm đúng mức, song hàng năm vẫn có hàng chục, hàng trăm ha rừng bị cháy. Riêng năm 2006-2007 đã xảy ra 30 vụ cháy làm thiệt hại trên 702 ha rừng và không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.
Nguyên nhân để xảy ra nhiều vụ cháy rừng trong những năm qua nhất là từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2007 được ngành chức năng đưa ra là do diễn biến thời tiết phức tạp, có nhiều đợt nắng nóng kéo dài cùng với gió lào thổi mạnh và sự thiếu ý thức của một số người dân khi làm nương rẫy... Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân nữa là chúng ta vẫn chưa xã hội hoá công tác PCCCR; chính quyền cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt; công tác giao khoán bảo vệ rừng chưa rõ ràng, tình trạng người dân phát nương trồng thảo quả ở Mù Cang Chải vẫn chưa được chấm dứt; việc xử lý các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ rừng, Luật PCCCR không nghiêm...
Nguy hại hơn, hiện nay ở vùng cao đôi khi lại xuất hiện việc đốt rừng của nhau do mâu thuẫn cá nhân. Một vấn đề không thể không nói tới là khi xảy ra cháy rừng, việc chữa cháy rất yếu, lực lượng nòng cốt của cơ sở thiếu và yếu lại không thạo tiếng, tập quán địa phương; phương tiện chữa cháy thô sơ (dao, cuốc, cành cây, can nhựa); việc xây dựng phương án PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ" kém; phương án chữa cháy rừng không cụ thể ở từng khu vực, từng loại rừng.
Vấn đề lương thực cho người dân vùng cao luôn là bức xúc lớn, sản xuất nương rẫy còn tồn tại, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn cũng gây áp lực lớn đến rừng. Một thực tế nữa là sự phân chia, chi trả tiền công khoán bảo vệ rừng trồng ở các lâm trường không đồng đều, trong cùng một thôn bản người được nhiều, người được ít... phát sinh mâu thuẫn. Có không ít chủ rừng còn chủ quan, thiếu trách nhiệm PCCCR trên diện tích mình được giao khoán bảo vệ. Việc đầu tư kinh phí của chủ rừng cho các công trình phòng cháy rừng hầu như không có.
Để công tác PCCCR hiệu quả, bền vững cần phải giải quyết tốt những tồn tại đã nêu trên. Phương châm chỉ đạo là: "Phòng là chính - cứu chữa kịp thời", không để cháy lan và chủ động tổ chức huy động lực lượng theo phương án "4 tại chỗ".
Việc quy hoạch sản xuất nương rẫy là khâu quan trọng trong công tác PCCCR hiện nay. Bởi qua thực tế từ nhiều năm nay có trên 90% số vụ cháy rừng là do đốt nương gây cháy lan, do vậy khi vào mùa làm nương rẫy. Chính quyền cơ sở, kiểm lâm địa bàn cần tăng cường kiểm tra giám sát chủ yếu ở hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu; chỉ cho phép người dân làm nương rẫy trên diện tích đã được quy hoạch và phát dọn thực bì sống, không được đốt; tuyệt đối không được quy hoạch và nghiêm cấm làm nương rẫy ở những nơi gần rừng trồng của các dự án, hộ gia đình, rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn. |
Trước mắt kiện toàn các ban chỉ huy PCCCR và xây dựng quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các huyện, thị xã, thành phố cần xác định rõ các vùng trọng điểm cháy rừng ở từng địa phương nhất là ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Lực lượng kiểm lâm phải là nòng cốt tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền, tổ chức ký cam kết tới từng hộ dân.
Trong tháng cao điểm cháy rừng (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau) lực lượng kiểm lâm phối hợp cùng công an, quân đội tăng cường lực lượng về giúp cơ sở kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc phá rừng làm nương rẫy. Nhất thiết phải quản lý và quy hoạch nương rẫy gắn với việc PCCCR ở các thôn bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ rừng thuộc các thành phần kinh tế phải chịu trách nhiệm PCCCR trên diện tích rừng mình sở hữu. Rừng trồng tập trung từ 1 ha trở lên phải có biện pháp PCCCR như làm đường ranh cản lửa, phải thiết kế thi công các công trình PCCCR. Tất cả các hộ sản xuất nương rẫy phải nắm vững những quy định về đốt nương như: có đường ranh cản lửa rộng từ 10-15m, phải đốt từng đống nhỏ, đốt lúc gió nhẹ vào buổi chiều tối hoặc buổi sáng... Những trường hợp gây cháy rừng, cố tình đốt rừng phải được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh. Nơi nào để xảy ra cháy rừng do chủ quan, lơ là thì lãnh đạo địa phương đó cũng phải bị xử lý thích đáng.
Mùa khô hanh 2007-2008 đã đến, các huyện thị, lực lượng kiểm lâm cần vào cuộc quyết liệt hơn và giải quyết tốt các vấn đề còn tồn tại mới hy vọng lửa rừng bị đẩy lùi.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Hai mươi mốt tuổi, cô gái bản Pá Khết Lò Thị Tuyên, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lập gia đình. Sáu năm sau, vợ chồng và hai đứa con chị ra ở riêng với 1.800 mét vuông ruộng nước và 2 gian nhà tranh tre. Những lúc mùa màng thất bát, cái ăn cái mặc không đủ, Lò Thị Tuyên trăn trở không biết làm cách nào để cuộc sống ổn định, bớt kham khổ.
YBĐT - Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001- 2010, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã phát triển nhanh, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.
YBĐT - Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm tài chính, ngành thuế Yên Bái đang bước vào chặng thi đua nước rút, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách năm 2007.
YBĐT - Tỉnh Yên Bái đã xây dựng đề án xuất khẩu chè giai đoạn 2006 - 2010 trong đó có mục tiêu phải đạt 8000 tấn chè khô trong năm 2007 nhưng đến hết tháng 10, toàn tỉnh mới xuất khẩu được 473 tấn.