Hơn 15.000 tỷ đồng đầu tư cho chợ
- Cập nhật: Thứ năm, 14/2/2008 | 12:00:00 AM
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Xã hội sẽ tạo nguồn vốn chủ yếu để đầu tư phát triển mạng lưới chợ. Ảnh MQ
|
Bộ Công Thương cho biết, tổng hợp yêu cầu vốn đầu tư xây dựng mạng lưới các loại chợ toàn quốc được quy hoạch đến năm 2020 là 15.267 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007 - 2010 là 7.259 tỷ, còn giai đoạn 2011 - 2110 là 6.982 tỷ và giai đoạn 2016 - 2020 là 1.025 tỷ đồng.
Theo quy hoạch đến năm 2010, sẽ xây dựng mạng lưới chợ toàn diện, bao gồm chợ dân sinh hoạt động phân phối theo mô hình chuỗi; chợ bán buôn hàng nông sản với đầy đủ các chức năng, cơ chế hình thành giá hợp lý khoa học và thực hiện chế độ bán đấu giá là chính; chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp ở các trung tâm kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành mạng lưới lưu thông hàng hoá thông suốt, việc quản lý đi vào nề nếp, cấu trúc hợp lý và trang thiết bị đầy đủ.
Trong mạng lưới chợ thực hiện được các nguyên tắc “thị trường hình thành giá cả, Nhà nước điều tiết thị trường"...
Cơ cấu nguồn vốn bao gồm vốn hỗ trợ đầu tư từ Ngân sách Nhà nước theo Quyết định 210/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 và theo Danh mục các dự án kết cấu hạ tầng thương mại thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ được Chính phủ phê duyệt; cộng với phần vốn vay, vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và vốn huy động khác trong xã hội sẽ là nguồn vốn chủ yếu để đầu tư phát triển mạng lưới chợ toàn quốc.
Đối với mạng lưới chợ đầu mối nông sản, dự tính vốn đầu tư khoảng 7.837 tỷ đồng để phát triển 157 chợ đầu mối nông sản, trong đó có 77 chợ đầu mối nông sản đa ngành, 30 chợ đầu mối rau quả, 12 chợ đầu mối lúa gạo và 38 chợ đầu mối thuỷ sản. Hệ thống này sẽ từng bước được xây dựng và thống nhất để hình thành thị trường hàng nông sản lớn, thống nhất trên toàn quốc, đồng thời kết nối với thị trường nông sản quốc tế.
Cơ cấu và phương thức giao dịch trên thị trường hàng nông sản sẽ được xây dựng cho phù hợp với đặc trưng của từng khu vực và đặc trưng của chủng loại sản phẩm.
Đối với mạng lưới chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ hạng I ở các trung tâm thương mại của tỉnh, thành phố, dự tính vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây mới khoảng 5.634 tỷ đồng để phát triển 319 chợ, trong đó 56 chợ giữ nguyên và 110 chợ cần nâng cấp, cải tạo và 153 chợ xây mới.
Mỗi chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ hạng I được phát triển như hạt nhân để hình thành các khu trung tâm thương mại của tỉnh, vừa có vai trò phát luồng hàng hoá đến các chợ bán lẻ tổng hợp trên địa bàn, vừa là các trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp của tỉnh.
Các chợ dân sinh ở thành thị sẽ bị hạn chế xây mới, cải tạo các chợ nhỏ không đủ tiêu chuẩn sang các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, một số chợ sẽ được nâng cấp thành các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm ở các khu vực dân cư. Chợ dân sinh ở nông thôn, miền núi vẫn được coi là kênh lưu thông hàng hoá chủ yếu trong thời kỳ từ nay đến năm 2020.
Riêng mạng lưới chợ biên giới sẽ được phát triển tới con số 490 chợ trên địa bàn của 25 tỉnh biên giới, với 167 chợ nâng cấp và 323 chợ xây mới. Trong đó phát triển 397 chợ biên giới, 35 chợ cửa khẩu và 58 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Dự tính vốn đầu tư khoảng 1.796 tỷ đồng.
Tại các chợ biên giới sẽ thực hiện các biện pháp hình thành thói quen giao lưu hàng hoá qua chợ của người dân miền núi, biên giới và thu hút người đến tham gia hoạt động chợ.
(Theo Vneconomy)
Các tin khác
Một cơ chế "khẩn cấp" để bình ổn thị trường mỗi khi có biến động mạnh về quan hệ cung-cầu do thiên tai, dịch bệnh, khó khăn nguồn cung trong các dịp lễ Tết, hoặc trong những tình huống mất cân đối cục bộ đang được Bộ Công Thương nghiên cứu để ban hành.
Tin từ Cục hàng không Việt Nam cho biết, từ ngày 10/4, hãng hàng không giá rẻ Cebu Pacific (Philippin) sẽ mở đường bay tới Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, ước trong tháng 1-2008, các doanh nghiệp đã nhập 190.000 tấn phôi thép và 620.000 tấn thép các loại, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các biện pháp phát triển toàn diện ngành ôtô trong nước.