Văn Chấn: Tín hiệu khả quan từ mô hình trồng rừng kinh tế
- Cập nhật: Thứ tư, 20/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trồng rừng kinh tế để bảo vệ môi trường, tạo thu nhập cao, xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, điều đó đã được khẳng định ở nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, đối với bà con nông dân vùng Mường Lò thì không phải ai cũng biết và hiểu tường tận về trồng rừng kinh tế.
|
Trước thực trạng đó, đầu năm 2006, Chi cục Lâm nghiệp phối hợp cùng huyện Văn Chấn xây dựng mô hình thử nghiệm tại xã Sơn Thịnh về trồng rừng kinh tế, nhằm thông qua mô hình để chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc bảo vệ rừng đến với nông dân. Mô hình được thực hiện trên diện tích 10 ha, nằm trên địa bàn thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. Tham gia thực hiện có 18 hộ dân, trồng bằng giống bạch đàn mô, keo lai, keo hạt nhập nội.
Trước khi triển khai các phần việc ngoài thực địa, Chi cục Lâm nghiệp đã mở hội nghị và các lớp tập huấn kỹ thuật, giới thiệu thông tin cơ bản liên quan đến mô hình và kỹ thuật chăm sóc các loài cây tiến bộ cho các hộ tham gia dự án và các hộ dân trong vùng có nhu cầu về trồng rừng. Trong quá trình trồng và chăm sóc, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm và có sự giám sát chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật. Các biện pháp kỹ thuật được thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế, rừng trồng được chăm sóc 3 lần/năm: lần 1 thực hiện vào tháng 3, tháng 4; lần 2 vào tháng 7 và tháng 8; lần 3 thực hiện vào tháng 10 và tháng 11, chủ yếu phát thực bì dây leo cây bụi cạnh tranh với cây trồng chính, chặt chồi, rẫy cỏ xung quanh gốc, tiếp tục bón phân NPK với liều lượng 0,2 kg/gốc.
Bên cạnh đó, Chi cục Lâm nghiệp còn cấp phát tờ rơi, khuyến cáo nhân dân trồng rừng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng… Qua theo dõi, đến nay cho những kết quả rất khả quan, mặc dù trong quá trình trồng bà con trồng trên nhiều lô đất khác nhau như: trồng ở chân đồi, đỉnh đồi, trồng ở sườn đồi nơi đất trống và trồng ở nơi đất canh tác lâu năm, trồng xen sắn, chè và nhìn chung cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Sau 19 tháng kể từ khi trồng về giống bạch đàn mô: đường kính gốc đạt 6,4 cm, chiều cao đạt 4,8 m; keo nhập nội đường kính gốc đạt 5,2 cm, chiều cao đạt 4,1m; keo lai đường kính gốc 5,3 cm chiều cao đạt 6,1m (cá biệt có những cây đường kính gốc đạt 8,5cm, chiều cao đạt 6,1m và với năm thứ nhất đường kính gốc tăng 4 lần, chiều cao tăng gấp 3,3 lần. Với đà phát triển như hiện nay, chỉ 5 năm là cho thu hoạch và năng suất đạt không dưới 120m3/ha, doanh thu đạt 70-80 triệu đồng.
Qua thực tế theo dõi cho thấy vùng Mường Lò hoàn toàn có thể trồng tốt rừng kinh tế bằng giống keo lai, keo giống nhập nội và cây bạch đàn mô. Qua mô hình này, người dân đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của trồng rừng, cũng như nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và phát triển các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; thấy được hiệu quả của việc thâm canh rừng trồng và thời vụ trồng.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, theo những người dân thực hiện mô hình, các cán bộ kỹ thuật theo dõi đều có chung ý kiến rằng, việc trồng rừng vùng Mường Lò gặp không ít khó khăn do đặc thù tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới và ôn đới, ảnh hưởng gió mùa Tây nam dẫn đến khô hanh và chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau; mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, do vậy thời vụ trồng rừng phải trồng vào mùa mưa, bón phân vào vụ hè thu. Trước khi trồng bà con cần xử lý thực bì dọn sống, mặt khác đất ở khu vực này đã qua canh tác nông nghiệp nhiều năm nên có rất nhiều mối, dế phá hoại cây non.
Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp khẳng định: "Vùng Mường Lò nói riêng và cả các huyện, thị phía Tây đều trồng và phát triển rừng kinh tế bằng giống cây lâm nghiệp mới cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, bà con khi trồng phải áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả mới thực sự cao. Trong quá trình trồng để cây sinh trưởng tốt, bà con không nên trồng xen cây nông nghiệp vào diện tích rừng, nếu có trồng sắn, ngô thì phải trồng với mật độ thưa".
Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập giúp dân xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống bằng nghề rừng, ngoài nỗ lực của nông dân, sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền cơ sở thì tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho trồng rừng, xây dựng thêm các điểm mô hình để nhân dân thấy và làm theo. Có như vậy thì chương trình trồng rừng kinh tế miền Tây mới đạt kế hoạch cũng như hiệu quả đã đề ra.
Thanh Phúc
Các tin khác
Cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động vốn VND của các ngân hàng thương mại từ sau tết đến nay đang đẩy lãi suất đồng nội tệ trên thị trường liên ngân hàng lên tới 43%.
Vào lúc 10 giờ 30 phút sáng nay 20/2, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết ở mức 17,65- 17,75 triệu đồng/lượng, tăng từ 140.000đ – 180.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa của ngày hôm qua.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thanh Sơn cho biết thiệt hại của ngành chăn nuôi trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài lần này ước tính lên tới 190 tỷ đồng.
Giá nhiều thực phẩm tại các chợ có xu hướng giảm trở lại gần bằng giá trước tết. Giảm mạnh nhất là thịt heo, giảm 28.000-30.000 đồng/kg, hiện giá thịt heo trở về mức 50.000-52.000 đồng/kg, nạc thăn 50.000-56.000 đồng/kg, ba rọi 49.000-50.000 đồng/kg.