Trạm Tấu: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn manh mún
- Cập nhật: Thứ hai, 25/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái kinh tế chậm phát triển, thu nhập của người dân chủ yếu là từ sản xuất nông - lâm nghiệp, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, đất sản xuất nông nghiệp ít, đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn nên tỷ lệ đói nghèo vẫn chiếm trên 57%.
(Ảnh: Lê Phiên)
|
Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) ngoài quốc doanh đã được huyện xác định là một nhiệm vụ quan trọng, trong cơ cấu kinh tế của huyện. Thực tế cho thấy, CN – TTCN ngoài quốc doanh đã có những bước phát triển, huy động động lực trong nhân dân tham gia phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, sản xuất ra khối lượng hàng hóa đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng trong nhân dân và đóng góp một phần vào ngân sách của huyện.
Tuy nhiên, sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện vẫn còn manh mún và nhỏ lẻ, tốc độ phát triển chậm và chưa hình thành được ngành nghề mũi nhọn. Hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có 3 hợp tác xã và 207 hộ kinh doanh cá thể thu hút trên 400 lao động tham gia, trong đó có 2 hợp tác xã sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, 1 hợp tác xã sản xuất gạch thủ công, 190 hộ kinh doanh chế biến lương thực, đồ uống, 5 cơ sở dệt may, 9 cơ sở kinh doanh sản phẩm đồ gỗ, 4 cơ sở kinh doanh khai thác khoáng sản và 2 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ kim loại.
Năm 2007, giá trị sản xuất CN – TTCN trên địa bàn huyện đạt trên 2 tỷ đồng, trong đó chế biến lương thực, đồ uống là trên 1,1 tỷ đồng; chế biến các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa là 425 triệu đồng; sản phẩm mộc dân dụng gần 260 triệu đồng; sản phẩm từ kim loại đạt giá trị trên 200 triệu đồng, còn lại là các sản phẩm dệt may và khai thác khoáng sản. So với năm 2006, giá trị sản xuất CN – TTCN chỉ tăng hơn 100 triệu đồng, có 2 hợp tác xã bị giải thể, còn các ngành nghề khác sản xuất không mấy hiệu quả.
Nguyên nhân sản xuất CN – TTCN huyện Trạm Tấu chậm phát triển là do công tác hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh và xây dựng cơ chế chính sách phát triển của địa phương còn nhiều hạn chế. Do đó, chưa vận động được nhân dân tham gia sản xuất, vốn nhàn rỗi trong nhân dân huy động vào sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh không đáng kể.
Có một thực tế, là người có tiền lại thiếu kiến thức kinh doanh nên chỉ gửi tiết kiệm, người có khả năng kinh doanh lại thiếu vốn. Chẳng hạn như Hợp tác xã Hương Thắng ở khu II – thị trấn Trạm Tấu của ông Đào Anh Tuấn, bước vào sản xuất từ năm 1993 nhưng do thiếu vốn nên đến năm 2002 ông Tuấn mới thành lập được hợp tác xã mộc dân dụng. Tháng 10 năm 2007, ông Tuấn đã chuyển đổi hợp tác xã thành hợp tác xã Hương Thắng, vốn đầu tư hơn 365 triệu đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác nhau để đảm bảo đủ việc làm cho người lao động.
Hiện tại hợp tác xã của ông có 16 người, trong đó có 2 lao động trực tiếp sản xuất nhưng đa phần chỉ làm việc theo thời vụ, thu nhập của người lao động khi có đủ việc làm là trên 2 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã chỉ có 4 người là lao động địa phương, chủ yếu là các công việc đơn giản như đánh ráp, khuân vác, còn những phần việc đòi hỏi kỹ thuật cao thì phải thuê thợ từ các làng nghề mộc dưới xuôi. Ông Tuấn cũng muốn tạo việc làm cho lao động địa phương nhưng đúng là “lực bất tòng tâm”.
Bên cạnh vấn đề chất lượng lao động thì việc thiếu tài nguyên, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất cũng là một khó khăn lớn cho phát triển sản xuất CN – TTCN trên địa bàn. Huyện Trạm Tấu có một mỏ chì ở xã Xà Hồ và một mỏ khoáng sản ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù (nhưng đang trong thời gian khai thác thử nghiệm nên cũng chưa biết đó là tài nguyên gì). Việc khai thác phát triển thủy điện nhỏ, chủ yếu đang trong giai đoạn thăm dò đầu tư. Đối với các cơ sở sản xuất đồ mộc thì lại khó khăn về nguồn nguyên liệu do đã đóng cửa rừng, không có khả năng mua đồ gỗ tận thu.
Trong những năm tới, huyện Trạm Tấu có kế hoạch đẩy mạnh phát triển sản xuất CN – TTCN ngoài quốc doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình sản xuất để chuyển đổi mạnh từ một nền sản xuất nhỏ tự phát manh mún, gia công sang nền công nghiệp sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh; tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Huyện Trạm Tấu phấn đấu mỗi năm giá trị sản xuất CN – TTCN tăng từ 3 – 5% và ngay trong năm 2008 giá trị sản xuất CN – TTCN đạt 2 tỷ 550 triệu đồng. Những mục tiêu ấy có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Để đạt được mục tiêu đó, huyện Trạm Tấu rất cần có sự giúp đỡ của các cấp các ngành về chủ trương và các giải pháp tích cực, thiết thực thì sản xuất CN – TTCN trên địa bàn huyện mới có những bước phát triển, tạo tiền đề vững chắc đưa huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Mạnh Cường
Các tin khác
Phương án tăng giá xăng thêm 10% và giá dầu 30% đang được Liên bộ Tài chính – Công Thương cân nhắc. Nếu được duyệt, giá mới có thể áp dụng ngay trong ngày 24/2 hoặc chậm nhất là ngày 25/2.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị vừa chính thức công bố danh sách 485 doanh nghiệp (DN) được người tiêu dùng bình chọn danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao 2008” và công bố kết quả cuộc điều tra lần đầu tiên về dịch vụ với 43 DN được người tiêu dùng tín nhiệm “Dịch vụ được hài lòng nhất”.
Gặp mặt lãnh đạo các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước chiều 22/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư, sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt, góp phần bảo đảm mức tăng trưởng GDP trên 8,5% trong năm 2008.
Ngày 22-2, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thông báo bổ sung giá cước mới trên các đường bay nội địa. Theo đó, bên cạnh các mức giá hiện tại đang áp dụng, từ 1-3-2008, Vietnam Airlines sẽ đưa vào áp dụng thêm mức giá mới (L).