Bộ trưởng bộ tài chính Vũ Văn Ninh: Không thả nổi hoàn toàn giá xăng
- Cập nhật: Thứ năm, 28/2/2008 | 12:00:00 AM
Trước tình trạng các mặt hàng tiêu dùng tăng giá chóng mặt sau khi xăng dầu tăng giá, sáng 27-2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời báo chí bên hành lang phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
|
Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc thả nổi giá xăng có thể chưa thích hợp trong điều kiện thị trường Việt Nam chưa hoàn hảo, vì điều đó dẫn tới hậu quả không kiểm soát được sự tăng giá của các mặt hàng khác?
- Đằng sau việc điều chỉnh giá xăng là cả thay đổi cơ chế quản lý đối với xăng dầu. Sau này liên bộ sẽ tính toán một mức hợp lý, hình thành một mặt bằng giá hợp lý từ giá đầu vào, đầu ra, rồi xác định chi phí hợp lý, xác định lãi phù hợp rồi đưa ra mức giá trần. Mức trần này chính là cái Nhà nước quản lý và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ đăng ký, nếu vượt trên mức trần thì Nhà nước sẽ "thổi còi". Quản lý ở chỗ đó chứ không phải Nhà nước thả nổi hoàn toàn.
Thực tế cho thấy ngay sau khi xăng dầu tăng giá thì nhiều mặt hàng cũng tăng theo?
- Thật ra cơ chế của chúng ta chưa đồng bộ. Chúng ta phải có một cơ chế là làm sao không điều chỉnh giá giật cục, phải điều chỉnh trong lộ trình đã định. Ví dụ một quí dự kiến điều chỉnh một lần, sáu tháng điều chỉnh một lần. Chúng ta cũng phải có cơ chế để doanh nghiệp trích quĩ dự phòng rủi ro. Như vậy bản thân người kinh doanh xăng dầu, người sử dụng xăng dầu mới chủ động được. Cơ chế đó sẽ phải sửa trong thời gian tới.
Như vậy việc cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh giá xăng ở thời điểm nhiều mặt hàng tăng giá như hiện nay là không hợp lý?
- Chúng tôi đã tính toán rất nhiều phương án rồi và đây là phương án bắt buộc thôi.
Vậy thời gian tới Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ những giải pháp gì để kiềm chế tăng giá?
- Chúng tôi sẽ đề xuất một giải pháp tổng thể, ví dụ cân đối cung cầu hàng hóa dứt khoát phải đảm bảo, cái đấy là lớn nhất. Còn đối với tài chính, lần này phải siết chặt chi tiêu, chi tiêu một cách đều đặn chứ không bị dồn.
Về tiền tệ, theo quan điểm cá nhân tôi, cần điều hành một cách linh hoạt, chặt chẽ, không được giật cục. Ví dụ vẫn phải điều hành lãi suất dương và có thể khó khăn cho nền kinh tế một giai đoạn nhất định trong việc huy động vốn, nhưng nó lại lành mạnh hóa những khoản tín dụng vì khi lãi suất lên thì chủ dự án phải tính xem dự án có hiệu quả mới đầu tư, dự án không có hiệu quả thì không đầu tư. Trong tín dụng phải phân biệt, không nên "vơ đũa cả nắm". Thắt chặt tín dụng không có nghĩa là tất cả đều chặt mà vẫn phải mở tín dụng cho tăng trưởng.
Ngay cả với chứng khoán cũng phải có giới hạn nhất định chứ không phải thắt đến mức không cho phát triển. Nếu trong giới hạn an toàn thì phải mở một biên độ cho chứng khoán hoạt động bình thường. Bất động sản cũng tương tự, nói bất động sản nóng thì có thể do cung cầu, có thể do đầu cơ, nếu là đầu cơ thì phải trị. Nếu doanh nghiệp phát triển cung một cách lành mạnh thì phải cho người ta vay. Không cho người ta vay thì lấy đâu cung cân đối với cầu. Nhưng nếu đầu tư chụp giật, đầu cơ thì phải xem xét. Anh quản lý trên địa bàn anh thừa biết những dự án nào bán sang tay.
Chúng tôi đang nghiên cứu, hiện chưa ra được Luật thuế tài sản thì sắp tới lấy ý kiến sửa pháp lệnh thuế nhà đất để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước mắt điều tiết vào nhà, đất và đất phi sản xuất, trong đó có phân biệt đất thành thị với nông thôn, nhà thành thị với nông thôn.
(Theo TTO)
Các tin khác
Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 vọt lên 3,56%, đưa mức tăng chung hai tháng đầu năm lên 6,02%.
Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia vừa ra mắt vào ngày 26/2 được Nhà nước cấp vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Quỹ có nhiều hình thức tài trợ cho các nhà khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm KH&CN...
YBĐT - Trở lại Báo Đáp, xã vùng 2 của huyện Trấn Yên trong những ngày sau đợt rét kéo dài. Trên các cánh đồng, bà con nông dân đang hăng say lao động sản xuất. Người quang gánh, người cầy bừa làm đất để gieo cấy tiếp những diện tích cho kịp thời vụ.
YBĐT - Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, tính đến ngày 19/2, ước tính tổng thiệt hại trong sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi do đợt rét đậm rét hại kéo dài là khoảng 50 tỷ đồng, trong đó giá trị thiệt hại về chăn nuôi khoảng 35 tỷ đồng, giống lúa 14 tỷ đồng, giống thuỷ sản 1 tỷ đồng.