Mù Cang Chải cứu lúa xuân
- Cập nhật: Thứ hai, 3/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau đợt rét đậm, rét hại lịch sử, nhà nông Mù Cang Chải (Yên Bái) thực sự lao đao, trên 40% lúa mới cấy đã chết, toàn bộ diện tích mạ bị chết hoặc không còn khả năng phục hồi. Các xã Nậm Có, Cao Phạ và La Pán Tẩn là vùng lúa cũng là nơi tập trung lúa xuân bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh (ngồi giữa) - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải thăm hỏi động viên cán bộ kỹ thuật và đoàn thanh niên đang giúp dân chăm sóc mạ.
|
Trời đã ấm lên. Bây giờ là lúc cả huyện Mù Cang Chải đang tập trung khôi phục sản xuất, cứu lấy vụ xuân, một vụ lúa tuy không lớn nhưng lại có ý nghĩa quan trọng với huyện vùng cao này, nơi mà tập quán canh tác lúa xuân của đồng bào Mông, Thái mới được hình thành.
Chúng tôi quyết định dừng xe trên lưng đèo Khau Phạ mà không lên thẳng huyện lỵ bởi đơn giản, những ngày này, Cao Phạ và xã liền kề Nậm Có đang tấp nập chạy đua với thời gian để làm lại vụ xuân. Hơn nữa, chúng tôi tin chắc những ngày này các cán bộ lãnh đạo huyện, cán bộ kỹ thuật của Phòng Kinh tế đều có mặt ở đây. Không khó để nhận biết được sự tàn phá của thời tiết đối với nông nghiệp vùng cao: những ngọn thông vốn vươn thẳng lên trời nay rũ rượi vì băng tuyết, những luống mạ đen sì, những con trâu, con ngựa còn sót lại gầy gò, lông xù đang liêu xiêu cố tìm gốc cỏ, gốc rạ trên thửa ruộng bạc phếch. “Thiếu đói là cái chắc rồi!” - anh bạn đi cùng thốt lên.
Quả như chúng tôi dự đoán, trên bãi ruộng lớn của bản Có Thái, xã Nậm Có, hơn hai chục thanh niên người Thái đang làm mạ dưới sự hướng dẫn trực tiếp của kỹ sư Đỗ Thành Giang, cán bộ Phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh và cán bộ Phòng Kinh tế Mù Cang Chải. Giọng Giang oang oang át tiếng suối Phạ chảy ào ào: “Bà con bịt ni lông chống rét thật kín và chặt nhé! Trời nắng ấm thì ban ngày mở ni lông ra! Chỗ kia bùn bám vào ni lông nhiều quá, phải rửa đi đã kẻo ánh sáng không vào được...”. Cùng với Giang, các cán bộ Chua, Tiến, Bảo của Phòng Kinh Tế, Dũng của Huyện Đoàn đều miệng nói, tay làm, người ngợm lấm lem bùn đất. Phía ruộng kề bên của bản Mông Trống Tông, chị Vàng Thị Pàng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cao Phạ đang hướng dẫn vợ chồng Vàng Hồ Câu và Giàng Thị Giông kỹ thuật làm mạ. Chị Pàng là phụ nữ Mông đẹp, tác phong nhanh nhẹn và giọng nói lưu loát giúp tôi hiểu rằng chị là người hiểu biết và mẫn cán; vùng cao rất cần những cán bộ địa phương như thế, nhất trong lúc khốn khó này không ít người dân chán nản bỏ bê ruộng đồng, ỷ lại Nhà nước. Đang chụp mấy bức hình chợt giật mình bởi cái vỗ vai của anh Nguyễn Đình Tiến - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mù Cang Chải: “Lên với đồng bào bao giờ thế này?”. Rồi được thể giãi bày: “Căng lắm anh ơi, mấy bữa trước vùng này như cái tủ lạnh, trâu bò đổ ngã, lúa mạ chết cả.
Vợ chồng Vàng Hồ Câu và Giàng Thị Giông ở bản Sể Sáng, xã Cao Phạ đang gieo lại mạ xuân. |
Nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đang cố gắng để gieo cấy lại diện tích ở hai xã Nậm Có và Cao Phạ, các xã còn lại thì bó tay rồi! Đang cố làm thêm ngô xuân, đậu tương xuân trên đất nương đồi để gỡ lại”. Anh cho biết, ngày 20/2, huyện đã tiếp nhận 5 tấn thóc giống (4 tấn lúa lai 838, 1 tấn TH 33) của tỉnh để cấy lại diện tích tại hai xã Nậm Có và Cao Phạ vì hai xã này có diện tích đất lớn, trình độ thâm canh nhỉnh hơn và nhất là tiểu vùng khí hậu ở đây cho phép kéo dài lịch gieo cấy. Tỉnh đã tăng cường 4 cán bộ, huyện cử xuống 6 cán bộ kỹ thuật về hai xã thành lập 7 tổ công tác; Huyện Đoàn cử hai cán bộ xuống hai xã, vận động mỗi hộ 1 lao động để làm mạ tập trung và chỉ đạo bà con làm đất, giữ nước thật tốt, khi mạ đủ 15 ngày tuổi là có thể gieo cấy và quyết tâm cấy xong trước 15/3.
Cán bộ huyện, tỉnh hăng hái thế này, nông dân hưởng ứng mạnh mẽ thế kia nếu ông trời không đỏng đảnh cho rét đậm, rét hại, lũ ống, lũ quét thì tháng 6 tới nhà nông Cao Phạ thóc lại đầy sàn. Tạm chia tay Cao Phạ, chúng tôi băng đèo vào Nậm Có. Càng thêm mến phục những cán bộ của tỉnh, của huyện đang lăn lộn để cứu lúa đông xuân. Anh Nguyễn Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện suốt từ sáng đến quá trưa lúc thì ở Nậm Pẳng, khi Có Mông, lúc trèo sang Tàng Ghênh thăm hỏi, động viên cán bộ và bà con.
Chủ tịch huyện nói với bà con bằng tiếng Mông nên tôi không hiểu gì, chỉ thấy cử chỉ và giọng nói thì ân cần và thân mật lắm. Khi trao đổi với trưởng đoàn công tác của tỉnh - kỹ sư Nguyễn Thị Thúy, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tôi được biết bà con đã góp củi, mang nồi, mang nước ra để ngâm ủ mạ, những diện tích gieo rồi thì đun nước ấm để tưới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về trình độ, tập quán canh tác của đồng bào nhưng về cơ bản bước đầu đã thành công, toàn bộ số thóc đã được ngâm ủ và được gieo xong trong ngày 26/2 bằng phương pháp kỹ thuật bảo đảm sinh trưởng nhanh nhất. “Cái lo nhất hiện nay là khâu chăm sóc, khi gieo mạ xong, cán bộ về hết, bà con lại bỏ bê thì rất gay, mạ sẽ nảy mầm không đều hoặc không nhanh thì không thể gieo cấy xong trước 15/3” - kỹ sư Thúy trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo huyện và Phòng Kinh tế. Trước ý kiến này, cả cán bộ Phòng Kinh tế huyện và cán bộ xã đều phát biểu: Đây thực sự là những vấn đề cấp thiết đòi hỏi chính quyền cấp xã và bà con nông dân cần nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Đợt rét vừa qua để lại cho nông dân, nhất là đồng bào vùng cao Mù Cang Chải những hậu quả nặng nề. Bài học lớn rút ra là phải làm chuồng trại cẩn thận và dự trữ thức ăn cho gia súc. Mặt khác, ngoài cây lúa phải đẩy mạnh làm màu, nhất là ngô, đậu tương trên nương đồi. Tỉnh, huyện và đồng bào đang nỗ lực cứu lấy vụ lúa đông xuân, kết quả bước đầu như vậy thật đáng mừng nhưng sự thành công của cả mùa vụ thì chưa thể nói trước. Bản tin dự báo thời tiết lại báo có đợt rét đậm tràn về, mây trên đỉnh Khau Thán, Khau Song lại đặc quánh và hạ thấp thêm như ghì chặt lấy bản Có Mông, Có Thái, Sể Sáng, Nậm Pẳng...
“Đồng bào vùng cao nghèo khó phần nhiều là do điều kiện thiên nhiên” - anh Khánh, Chủ tịch huyện Mù Cang Chải đã nói như vậy tại bữa cơm ngay chân đèo Khau Phạ với những đồng nghiệp của chúng tôi ở Báo Sài Gòn Giải Phóng khi các anh chị lên Mù Cang Chải cứu trợ và thăm hỏi, động viên đồng bào bị thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua.
Lê Phiên
Các tin khác
Sau khi tăng lên mức kỷ lục 1,94 triệu đồng/chỉ vào ngày 2/3/2008, giá vàng sáng nay 3/3 đã hạ nhiệt nhưng vẫn giữ ở mức rất cao - 1,925 triệu đồng/chỉ. Nhiều dấu hiệu cho thấy vàng trong nuớc đang bị giới đầu cơ làm giá.
YBĐT - Vàng cao không thể tưởng tượng nổi. Giá vàng lại lập kỷ lục mới. Giá vàng vượt ngưỡng... triệu đồng/lượng. Giá vàng tiếp tục tăng... Đó là những câu nói, những cụm từ mà người ta thường được nghe, thường đọc trên các tờ báo trong suốt những ngày qua.
YBĐT - Thời tiết rét đậm rét hại kéo dài hơn một tháng qua cộng với khí hậu đặc trưng của vùng cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt thường ngày và sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong toàn tỉnh Yên Bái. Để khắc phục hậu quả các huyện, thị trong tỉnh đã sớm có nhứng biện pháp tích cực để đảm bảo tốt thời vụ.
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa gửi Công văn số 889/CV-KH tới các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty thuộc 4 hộ sử dụng than cho sản xuất Điện, Xi măng, Phân bón và Giấy, thông báo tình hình giá bán than trên thị trường hiện nay và dự kiến tiếp lộ trình điều chỉnh giá trong nước năm 2008.