Khuyến công ở thị xã Nghĩa Lộ
- Cập nhật: Thứ ba, 29/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có trên 480 cơ sở sản xuất các ngành nghề, trong đó có trên 470 cơ sở kinh tế hộ, 2 hợp tác xã, 9 doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và trên 1.000 lao động.
Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong năm 2007 đạt gần 39 tỷ đồng, trong đó, khu vực ngoài quốc doanh đạt 38 tỷ 166 triệu đồng; quốc doanh thực hiện 734 triệu đồng, đạt kế hoạch đề ra. Có được kết quả trên, Đảng bộ, chính quyền thị xã đã đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế địa phương, trong đó, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và triển khai có hiệu quả Nghị định 134 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI về định hướng phát triển kinh tế nhiều thành phần và chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông – lâm nghiệp và kinh tế nông thôn.
Qua 2 năm thực hiện, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai thực hiện 6 chương trình đề án khuyến công tại 6 cơ sở, với nguồn kinh phí hỗ trợ trên 235 triệu đồng. Mặc dù kinh phí hỗ trợ chưa cao, nhưng đã giúp cho các cơ sở nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề đã giúp cho công nhân lao động nắm vững quy trình sản xuất, có trình độ tay nghề và phát huy có hiệu quả trong lao động sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập...
Doanh nghiệp tư nhân Pầng Loan, địa chỉ tổ 12, phường Trung Tâm chuyên sản xuất và mua bán sản phẩm thổ cẩm truyền thống, số vốn đầu tư ban đầu gần 450 triệu đồng. Năm 2006, thông qua đề án “Hỗ trợ đào tạo nghề truyền thống dệt thổ cẩm”, doanh nghiệp Pầng Loan đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh 23.630.000 đồng để mở lớp đào tạo truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống, cho 30 lao động là con em các dân tộc của thị xã. Với thời gian học 1 tháng, các em nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản và thực hành về nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Sau khóa học, tất cả được tiếp nhận vào làm nghề dệt thổ cẩm cho doanh nghiệp Pầng Loan.
Với hiệu quả ban đầu đem lại, năm 2007 thông qua đề án “Hỗ trợ thiết bị dệt may hàng thổ cẩm”, doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh 50.300.000 đồng để mua các thiết bị may hàng thổ cẩm, bao gồm 4 máy khâu công nghiệp, 2 máy dệt cải tiến và 1 máy thêu ren. So với máy khâu cũ, máy khâu công nghiệp may được nhanh hơn, đặc biệt may được cả các hàng thô cũng như hàng cứng. Đôi với máy dệt cải tiến, cho phép dệt các sản phẩm có khổ 80 cm (so với cũ là 40cm), năng suất dệt được 50 mét cao hơn so với dệt tay chỉ được từ 15 – 20 mét/ngày, mẫu mã hoa văn đều và đẹp hơn. Với máy thêu ren, 1 ngày thêu được từ 15 – 20 sản phẩm, cao hơn nhiều so với thêu ren bằng tay; giúp doanh nghiệp sản xuất ra được nhiều sản phẩm thổ cẩm truyền thống, có mẫu mã hoa văn đẹp, không chỉ được giới thiệu cho khách du lịch và bán trong tỉnh mà còn được bán rộng rãi ở một số tỉnh khác như: Hà Nội, Lai Châu, Lào Cai...
Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Sơn Tùng, địa chỉ tổ 10, phường Cầu Thia, ngành nghề kinh doanh gia công sản xuất hàng cơ khí và sửa chữa thiết bị máy móc ô tô và công cụ sản xuất công nghiệp. Tháng 6/2007, doanh nghiệp đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh 25.280.000 đồng để mở một lớp đào tạo nghề sản xuất hàng cơ khí phục vụ công nghiệp nông thôn. Tham dự có 30 lao động, học tại doanh nghiệp, trong thời gian 1 tháng các lao động được truyền đạt những nội dung cơ bản về lý thuyết như: vật liệu cơ khí, vẽ kỹ thuật dùng trong cơ khí... về thực hành: học rèn gò, hàn hơi, hàn điện. Hiện tại Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Sơn Tùng tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và khoảng 20 lao động công nhật, với mức lương bình quân đạt 1.200.000 đồng/người/tháng, doanh thu năm 2007 của doanh nghiệp đạt trên 400 triệu đồng.
Xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ từ lâu đã có làng nghề dệt truyền thống, hiện tại xã có đến 70% số hộ có khung dệt với trên 270 khung dệt thổ cẩm truyền thống. Để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm của địa phương, cùng gắn với chương trình du lịch sinh thái của tỉnh, năm 2006 và 2007 xã đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh với tổng số tiền 97.500.000 đồng để mở 2 lớp đào tạo truyền nghề, nghề truyền thống dệt thổ cẩm, với 60 học viên là con em và bà con trong xã. Năm 2007, xã tiếp tục được hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết vị dệt may thổ cẩm, mua 4 máy may công nghiệp, 2 máy dệt thổ cẩm cải tiến, 1 máy thêu. Thông qua đó, đã giúp nâng cao tay nghề cho bà con, đáp ứng được nhu cầu thị trường về đa dạng các kiểu dáng sản phẩm.
Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn đã và đang mở ra cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở thị xã Nghĩa Lộ có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đỗ Hoài
Các tin khác
Ngày 29/4, trần lãi suất thỏa thuận huy động VND giữa các ngân hàng được nâng lên 12% thay cho mức 11% trước đó.
YBĐT - Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, tiền thân là Xí nghiệp Xi măng Phú Thịnh được thành lập năm 1980 với quy mô sản xuất nhỏ bé. Đến nay, Công ty đã trở thành một đơn vị sản xuất xi măng và chế biến khoáng sản mạnh trên địa bàn tỉnh và cả khu vực Tây Bắc.
YBĐT - Trong 50 năm qua, Sở Xây dựng Yên Bái đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 4 đơn vị và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều lần được Bộ Xây dựng, UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc...
Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Giá gạo sẽ giảm trong vài ngày tới. Hiện nay, giá gạo tại các địa phương trên thị trường cũng đang dần "giảm nhiệt".