Ngọc Chấn: Phát huy nội lực xóa đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 30/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng kế hoạch sản xuất cơ cấu mùa vụ, tạo sự đồng thuận về nhận thức cũng như hành động trong dân.
Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, địa phương được Nhà nước, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hàng chục tỷ đồng, như: kiên cố hoá hệ thống trường lớp học, hệ thống đường giao thông, điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, hệ thống cơ sở y tế, bưu điện văn hoá xã, trụ sở UBND xã, đời sống của đồng bào nâng lên rõ rệt. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xã đã đưa vào gieo cấy 2 vụ lúa được 139 ha, trong đó vụ đông xuân 64 ha và vụ mùa đạt 75 ha.
Do áp dụng gieo cấy các giống lúa lai, lúa thuần cho năng suất chất lượng cao vào gieo cấy ở trên 95% diện tích, nhân dân được cán bộ khuyến nông hướng dẫn về KHKT, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa bình quân đã đạt gần 90 tạ/ha/năm. Hàng năm, nhân dân còn trồng được 30 ha rau màu các loại, 40 ha ngô lai, 36 ha cây ăn quả gồm: bưởi, xoài, hồng, nhãn...
Thực hiện chủ trương của huyện chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng sắn cao sản, các ngành đoàn thể cùng với chính quyền địa phương đã xuống các thôn vận động bà con. Thời gian đầu, diện tích sắn đưa vào trồng chỉ đạt 20 ha, sau do trồng sắn cho giá trị cao nên diện tích sắn được nhân 110 ha, năng suất bình quân đạt trên 20 tấn/ha. Vụ sắn 2007–2008, toàn xã cho thu hoạch ước đạt trên 2.035 tấn sắn tươi, doanh thu đạt trên tỷ đồng.
Ngọc Chấn ngày càng xuất hiện nhiều điển hình về phát triển kinh tế hộ. Toàn xã có 537 hộ thì có tới 118 hộ có thu nhập từ 45 đến 65 triệu đồng/năm. Điển hình là gia đình ông Đặng Thế Vinh ở thôn 1 có tới 30 ha rừng keo và bạch đàn, nuôi 3 con trâu, mỗi năm bán ra thị trường trên 1 tấn lợn hơi, thu nhập trên 60 triệu đồng/ năm; ông Phương Cao Hiếu ở thôn 3 có 25 ha rừng keo và bạch đàn 5 tuổi, ông còn nuôi lợn, bán dịch vụ phân bón và hàng tạp hoá thu nhập 80 triệu đồng/năm; ông Nông Đình Yên ở thôn 4 có 10 ha rừng, nuôi 3 con bò bán công nghiệp, 3 con trâu, hàng năm bán ra thị trường trên 1 tấn lợn hơi, thu nhập ổn định từ 60 đến 70 triệu đồng/ năm…
Với đặc thù của địa phương chiếm trên 50% diện tích đất là đồi núi cao, nhân dân đã phát triển kinh tế rừng. Hàng năm, diện tích rừng trồng mới đạt từ 60 đến 70 ha bằng các giống keo lai, bạch đàn.
Ngoài kinh tế từ rừng, địa phương còn chú trọng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn xã đã có 634 con trâu, 150 con bò, đàn lợn 1.250 con, đàn dê 205 con và gần 11.260 con gia cầm các loại. Là địa bàn có nhiều diện tích giáp hồ Thác Bà, nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi cá, hàng năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Hiện nay, tại thôn 5, được sự giúp đỡ về kỹ thuật, đã có hộ nuôi thí điểm mô hình cá lồng trên hồ Thác Bà, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Thời gian tới, mô hình này sẽ được xã nhân rộng ra nhiều thôn khác, tạo nghề mới tăng thu nhập cho bà con.
Mục tiêu phấn đấu của địa phương trong năm 2008 này là tổng sản lượng thóc đạt 703,53 tấn, giảm từ 30 đến 50 hộ nghèo, trồng 120 ha sắn, 75 ha rừng, tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và dịch vụ… Với đà phát triển kinh tế như hiện nay, kinh tế của Ngọc Chấn chắc sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa.
Thái Hưng
Các tin khác
Ngày 29/4, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt cho biết trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 1,38 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 593 triệu USD.
YBĐT - Được thành lập tháng 6 năm 1962 với tên gọi Đội Công trình xây dựng thuộc Ty Xây dựng Yên Bái, những người thợ Công ty 2 (Công ty cổ phần Xây dựng số 2) ngày ấy đã dũng cảm trong chiến đấu, hăng say trong lao động sản xuất, tham gia xây dựng nhiều công trình phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
YBĐT - Chiếm 86% tỷ trọng cơ cấu kinh tế, nên những năm qua, trong sản xuất nông nghiệp, xã Quy Mông - xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên đã coi trọng việc đưa những giống cây mới, đem lại giá trị kinh tế cao vào gieo trồng.
YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có trên 480 cơ sở sản xuất các ngành nghề, trong đó có trên 470 cơ sở kinh tế hộ, 2 hợp tác xã, 9 doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và trên 1.000 lao động.