Giữ nguyên diện tích cà phê từ nay đến 2010, và hạn chế tối đa việc mở rộng diện tích trồng sắn
- Cập nhật: Thứ năm, 1/5/2008 | 12:00:00 AM
Bộ NN&PTNT yêu cầu, từ năm 2008-2010, các địa phương không được mở thêm diện tích trồng cà phê, chỉ trồng tái canh đối với các diện tích cà phê già cỗi. Đồng thời, cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng mới cà phê.
Chỉ thị 1140/CT-BNN-TT, vừa được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ký ngày 28/4, về việc phát triển bền vững cà phê, cao su và sắn trong thời gian tới. Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT "ra lệnh" khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng quan phát triển cà phê, cao su trình Bộ trong năm nay; xây dựng quy hoạch tổng quan phát triển sắn cả nước đến 2015 và tầm nhìn 2020 để Bộ duyệt năm 2009.
Để nâng cao chất lượng cà phê, Bộ NN&PTNT nhắc nhở các Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối sớm hoàn thiện đề án "Nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam". Trước mắt, đơn vị này cần tập trung triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng cà phê; có cơ chế hỗ trợ nông dân chuyển sang trồng giống mới.
Một loạt các giải pháp khác, như lộ trình áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193-2005 đối với cà phê nhân xuất khẩu cũng cần hoàn thiện và triển khai thực hiện trong 6/2008. Triển khai trước 11/2008 quy chuẩn quốc gia về trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, phân loại cà phê nhân xuất khẩu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ thị, các địa phương khẩn trương kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tự phát mở rộng diện tích trồng mới cà phê hiện nay ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Từ nay đến 2010, không mở thêm diện tích trồng cà phê, chỉ trồng tái canh đối với các diện tích cà phê già cỗi, bị sâu bệnh năng suất thấp hoặc cải tạo, trồng thay thế các vườn cà phê giống cũ. Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng mới cà phê.
Trường hợp tự phát phá rừng để trồng cao su cũng sẽ bị xử lý nghiêm. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch mở rộng phát triển cao su tại Tây Nguyên.
Ở khu vực Tây Bắc, kiểm tra gấp tình hình sinh trưởng, mức độ thiệt hại của cao su qua đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát kỹ, quy hoạch cụ thể các tiểu vùng có điều kiện sinh thái, với các giải pháp đồng bộ và có bước đi phù hợp để đảm bảo phát triển vững chắc, tránh tư tưởng chủ quan nóng vội, phát triển theo phong trào.
Riêng với cây sắn, Bộ NN&PTTN chỉ đạo hạn chế tối đa việc mở rộng diện tích trồng sắn, nhất là việc trồng sắn tự phát trên các khu vực đã quy hoạch cho cây trồng khác, hoặc các diện tích có độ dốc lớn. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác sắn bền vững, hiệu quả cao; mở rộng nhanh các giống sắn mới có năng suất cao, chịu hạn tốt.
Trước mắt, từ nay đến năm 2010, Bộ không chấp nhận xây dựng mới các nhà máy chế biến sắn chưa có vùng nguyên liệu khả thi, ưu tiên phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến có công nghệ tiên tiến, hạn chế tối đa việc xuất khẩu nguyên liệu sắn thô.
Ồ ạt trồng tự phát
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, một số địa phương đã xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu gắn với chế biến, xuất khẩu; nhờ vậy, tạo được bước chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Điển hình là giá trị xuất khẩu cà phê năm 2007 đạt trên 1,85 tỷ USD, tăng 52,3% so với 2006 và gấp 4,7 lần so năm 2001; cao su đạt 1,4 tỷ USD, tăng 8,8% so năm 2006 và gấp 8,4 lần so năm 2001. Diện tích sắn năm ngoái cũng gấp 1,5 lần so với năm 2002.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT lo ngại, diện tích các loại cây trên đang tăng mạnh theo hướng tự phát. Cụ thể, diện tích cà phê năm 2007 đã lên tới 506.000ha, tăng 10.000ha so với năm 2006. Từ đầu năm nay, giá cà phê tăng mạnh nên người dân tiếp tục tự ý mở rộng diện tích cà phê. Tại Tây Nguyên, nhiều nơi nông dân tự ý phá bỏ mía trồng sắn, cà phê trên đất đã quy hoạch trồng rừng, kể cả phá rừng trái phép để trồng sắn, cà phê.
Trong khi đó, kỹ thuật canh tác các loại cây lại thiếu bền vững. Cơ cấu giống và chất lượng giống bất cập. Ví như, diện tích trồng các giống sắn mới có năng suất cao chỉ chiếm 30%, các giống cà phê chọn lọc mới đạt dưới 20% diện tích; việc xác định giống cao su thích hợp cho khu vực Tây Bắc cũng còn hạn chế.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
YBĐT - Sau hơn một năm thực hiện, đến nay toàn huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có gần 200 hộ gia đình xây dựng hầm khí sinh học Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi tạo ra khí gas phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng kế hoạch sản xuất cơ cấu mùa vụ, tạo sự đồng thuận về nhận thức cũng như hành động trong dân.
Ngày 29/4, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt cho biết trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 1,38 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 593 triệu USD.
YBĐT - Được thành lập tháng 6 năm 1962 với tên gọi Đội Công trình xây dựng thuộc Ty Xây dựng Yên Bái, những người thợ Công ty 2 (Công ty cổ phần Xây dựng số 2) ngày ấy đã dũng cảm trong chiến đấu, hăng say trong lao động sản xuất, tham gia xây dựng nhiều công trình phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.