Đổi thay ở thôn Khe Nước
- Cập nhật: Thứ năm, 8/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người Dao ở thôn Khe Nước, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh tăng vụ; chuyển đổi cây trồng vật nuôi; số hộ nghèo đói từ trên 90%, nay giảm xuống còn 26%; số hộ khá và giầu trong thôn ngày càng nhiều.
Cả thôn chỉ có 10 ha ruộng.
|
Thôn Khe Nước đa số là người Dao sinh sống. Cuộc sống trước đây của đồng bào, chủ yếu dựa vào việc phát rừng làm nương, khai thác lâm sản để sinh sống, nên cái nghèo cứ đeo đẳng truyền đời và trong ý thức của người dân nơi đây thì “giầu nghèo là do trời”.
Ngỡ rằng quan niệm này sẽ không bao giờ thay đổi, vậy mà chỉ sau hơn 10 năm, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, thôn Khe Nước đã có những đổi thay vượt bậc, nhiều phong tục tập quán lạc hậu như: di cư tự do, tảo hôn, sinh nhiều con được xóa bỏ, không còn thả rông gia súc.
Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Triệu Chiều Nghiêm phấn khởi cho biết: “Nhờ ơn Đảng, Chính phủ tạo điều kiện giúp đỡ kéo điện lưới về thôn, hỗ trợ về giống, về vốn, cử cán bộ xuống tận thôn hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con, xây dựng trường học dạy dân biết chữ, biết tính toán làm ăn.
Đặc biệt từ khi có điện lưới quốc gia, dân bản được xem ti vi, nghe đài, đọc báo nên cái đầu sáng ra, cái bụng hiểu ra nhiều điều. Bà con đã biết, muốn thoát khỏi đói, khỏi nghèo phải định canh định cư, ổn định cuộc sống, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không đẻ dày, đẻ nhiều con”. Vì vậy, 5 năm trở lại đây, trong thôn không có trường hợp sinh con thứ 3 và đây cũng là thôn duy nhất trong xã không có các tệ nạn xã hội.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, phải kể đến vai trò lãnh đạo của chi bộ, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phá bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, trong đó đảng viên luôn luôn đi đầu trong các phong trào thi đua. Khi mới thành lập, chi bộ chỉ có 3 đảng viên, công tác tuyên truyền vận động gặp nhiều khó khăn, do trong nhân dân còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu không dễ gì thay đổi, nên hiệu quả đạt không cao.
Một số người dân trong thôn thẳng thừng nói: “Cán bộ, đảng viên cứ suốt ngày đi vận động nhân dân làm giàu, trong khi gia đình họ thì vẫn nghèo, vẫn đói!”. Lúc này, các đồng chí trong chi bộ mới thấm thía, muốn nhân dân tin và làm theo thì bản thân đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo. Anh Nghiêm cùng các đồng chí trong chi bộ họp bàn thống nhất ra nghị quyết, phấn đấu đến 2010 xóa hết hộ đói nghèo, các gia đình đảng viên phấn đấu vươn lên khá và giàu.
Ban đầu đưa nghị quyết vào cuộc sống tưởng chừng không thể thực hiện được, do diện tích đất ruộng ít, chỉ có khoảng 10 ha nếu đem chia cho 65 hộ trong thôn thì bình quân mỗi gia đình được khoảng 1.500m2, trong khi đó đến một nửa diện tích ruộng thiếu nước. Vậy là bà con trong thôn lại quay trở về với việc phát rừng làm nương, khai thác lâm sản. Không nản chí, anh Nghiêm cùng với các đồng chí trong chi bộ kiên trì thuyết phục, phối hợp chặt chẽ với các già làng, trưởng dòng họ tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi phương thức canh tác.
Đồng thời, đề xuất với chính quyền xã, huyện tạo điều kiện giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật thâm canh; cử các đồng chí trong chi bộ đi học các lớp quản lý Nhà nước; học các mô hình phát triển kinh tế về phổ biến rộng rãi cho bà con trong thôn. Bản thân các cán bộ, đảng viên tích cực vận động gia đình, anh em họ hàng chuyển đổi phương thức sản xuất, thâm canh tăng vụ. Đối với các diện tích ruộng thiếu nước, không trồng được lúa thì vận động nhân dân chuyển sang trồng đậu tương, ngô, lạc.
Do nắm vững kỹ thuật thâm canh nên các diện tích ruộng chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Vui mừng với kết quả đạt được, chi bộ tiếp tục chỉ đạo nhân dân phát triển nghề rừng, tập trung trồng rừng kinh tế, trồng chè, trồng cây ăn quả như: xoài, cam, chanh, mơ... Đây cũng là một trong những nguồn thu nhập chính giúp nhiều hộ dân trong thôn thoát nghèo.
Nhằm xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại bấy lâu trong nhân dân, công tác vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, không thả rông gia súc. Đồng thời, đề ra các quy định và xử lý nghiêm những hộ thả rông gia súc phá hoại sản xuất nên đã chấm dứt được tình trạng này. Đặc biệt, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, do làm tốt công tác phòng chống rét cho đàn gia súc nên trong thôn không có gia súc bị chết rét. Các diện tích cây trồng vụ xuân, được chỉ đạo gieo trồng lùi lại sau tết nên không bị ảnh hưởng của đợt rét vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường.
Người dân đã dần thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và số hộ khá như nhà anh Nghiêm trong thôn chiếm từ 30 đến 40%; số hộ giàu chiếm trên 10%. Điển hình như nhà ông Bàn Sĩ Phúc, Đỗ Phúc Hùng, Nguyễn Trọng Hiệp... thu nhập trung bình hàng năm từ 60-70 triệu đồng và hầu hết số hộ giàu trong thôn đều là những cán bộ, đảng viên gương mẫu. Số đảng viên trong chi bộ giờ đã tăng lên 8 đồng chí, đều thuộc diện khá trở lên.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Dao được khôi phục như: đám chay, tết nhảy. Theo lời anh Nghiêm kể, do trước đây cuộc sống du canh du cư đói khổ quanh năm nên không có điều kiện để tổ chức, muốn tổ chức được đám chay, tết nhảy không phải gia đình nào cũng có thể tổ chức được, mà phải là những gia đình có điều kiện về kinh tế. Giờ đây, trong thôn hầu hết các gia đình đều có thể tổ chức được.
Sắp tới thôn đón nhận làng văn hóa, đây là vinh dự lớn đối với thôn, tạo điều kiện cho việc phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.
Hoàng Hải Lăng
Các tin khác
YBĐT - Hiện các địa phương trong tỉnh Yên Bái đang có gần 900 ha lúa đang bị bệnh rầy nâu gây hại, gồm các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên và Trấn Yên. Huyện bị dịch rầy nâu nặng nhất là Văn Chấn với hơn 400 ha nhiễm bệnh.
YBĐT - Kỳ họp thứ 9 - Hội đồng nhân dân xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) khoá XIX nghị quyết tăng trưởng kinh tế năm 2008 là 13%; thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 5,6 triệu đồng/năm.
Sáng 6-5, bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định với báo chí: “Việt Nam có đủ gạo để cung cấp cho dân theo nhu cầu và có dư để xuất khẩu với số lượng lớn”.
YBĐT - Để chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp những thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện Văn Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị đóng trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2008.