Ngân hàng “bị nghi ngờ” giải chấp chứng khoán cầm cố
- Cập nhật: Chủ nhật, 11/5/2008 | 12:00:00 AM
Giải thích về sự sụt giảm của thị trường tuần qua, một số nhận định đặt ra khả năng có giải chấp mạnh từ các ngân hàng.
Lượng bán ra mạnh tập trung ở hai phiên cuối tuần qua.
|
Sau kỳ nghỉ lễ dài, thị trường chứng khoán bước vào một tuần sụt giảm mới, (từ 5 – 9/5). Diễn biến này trái ngược với mong đợi sẽ có khởi sắc thường thấy sau các kỳ nghỉ lễ, ngược với đà tăng khẳng định hai phiên liền trước.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm về ngưỡng hỗ trợ 500 điểm, chỉ số HASTC-Index cũng chỉ còn 154,23 điểm. Khối lượng giao dịch của tuần này rơi vào ảm đạm, đặc biệt là hai phiên cuối. Cũng trong hai phiên đó, VN-Index thể hiện đà giảm mạnh, thị trường ghi nhận có trên 90% mã giảm và hầu hết đều ở giá sàn.
Đà bán ra trong 5 phiên vừa qua thể hiện mạnh mẽ, trong khi lực cầu giảm so với tuần trước kỳ nghỉ lễ và chủ yếu phục thuộc vào lực của khối đầu tư nước ngoài. Trong tuần, giao dịch của khối này gây chú ý khi tăng mạnh trong các phiên 7 và 8/5, chiếm tới 50% tổng giao dịch toàn thị trường và đạt trên 3,3 triệu đơn vị/phiên. Tuy nhiên, phiên cuối tuần giao dịch khối này giảm nhiệt trên sàn Tp.HCM và chuyển tăng trên sàn Hà Nội.
Một diễn biến đáng chú ý là trong ba phiên đầu tuần, sự chọn lọc thể hiện rõ, khi có nhiều mã tách dòng tăng giá ấn tượng. Nhưng thị trường đã không giữ được giá trị này và đồng loạt sụt giảm những phiên sau đó.
Sự sụt giảm nói trên được giải thích từ nhiều nguyên nhân, tựu trung vẫn là sự bất ổn vĩ mô của nền kinh tế, trong đó lạm phát (với những dự báo xuất hiện trong tuần) vẫn là tâm điểm lo ngại. Ngoài ra, những thông tin về khả năng “buông” giá một số mặt hàng trọng điểm sau tháng 6 tới càng tạo những áp lực tâm lý bất lợi đối với nhiều nhà đầu tư.
Với nguyên nhân trên, sự phản ứng của thị trường là hợp lý, sát thực với môi trường đầu tư và triển vọng của nền kinh tế.
Nhưng, cũng có những ý kiến nghiêng về khả năng có tác động từ hoạt động giải chấp mạnh chứng khoán cầm cố của các ngân hàng thương mại.
Theo nhận định của Phòng Phân tích - Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC), tuần vừa qua chứng kiến lượng bán sàn với quy mô lệnh lớn, điều này cho thấy nhiều khả năng các tổ chức tài chính đang bán cổ phiếu ra.
Nhận định đó được bổ trợ bởi lệnh bán lớn xuất hiện chủ yếu ở những mã được xem là “blue-chip” trong giai đoạn hiện tại của thị trường như: STB, ACB, PVS, SSI hay cả DPM vào phiên giao dịch cuối tuần.
Câu hỏi đặt ra là tổ chức nào đang bán cổ phiếu? “Chúng tôi nhận định là các ngân hàng, họ đang thực hiện giải chấp để thu vốn cho thanh khoản ngắn hạn”, TSC cho biết.
Tính thanh khoản ngắn hạn đó của các ngân hàng, theo e ngại của TSC, là “đang có vấn đề”. Ở đây liên quan đến câu chuyện trần lãi suất thỏa thuận vừa được nâng lên, đến khả năng cải thiện tốc độ huy động và phía sau đó là áp lực giải chấp mạnh chứng khoán cầm cố để hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng.
Trước đó, theo tìm hiểu của VnEconomy, ngay trong ngày 29/4 - ngày trần lãi suất thỏa thuận giữa các ngân hàng có hiệu lực lên 12%/năm, có tới gần 100% thành viên trong khối thỏa thuận lập tức tăng lãi suất huy động hết khả năng cho phép. Điều này một phần cho thấy sức bật cầu vốn của các ngân hàng thương mại, bên cạnh áp lực cạnh tranh. Ngay lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.
Nhưng, một số thông tin phản ánh trong tuần qua cho thấy, dù lãi suất được nâng lên mức mới nhưng tốc độ huy động nói chung của hệ thống vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Cộng với áp lực cầu vốn, không loại trừ khả năng có những ngân hàng đẩy mạnh giải chấp chứng khoán cầm cố để hồi vốn. Tất nhiên, trong áp lực cầu vốn đó, nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước hút tiền trong lưu thông về để kiềm chế lạm phát cũng cần được tính đến.
Trở lại với nhận định của TSC, khả năng ngân hàng giải chấp cần được tiếp tục theo dõi, bởi đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán sụt giảm.
Còn về triển vọng tuần tới, TSC dự báo sự phục hồi “không phải lúc này và trong tuần sau”. Dự báo của một số công ty chứng khoán khác cũng không có nhiều lạc quan, thậm chí tập trung ở khả năng VN-Index sẽ tiếp tục giảm điểm trong tuần tới.
(Theo Vneconomy)
Các tin khác
Ngày 10/5, tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, trao giấy chứng nhận đầu tư và san lấp mặt bằng khởi động dự án.
Đó là phương án dự thảo cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu năm 2008 mà Bộ Công Thương vừa gửi Chính phủ. Cơ quan này cũng đề nghị nâng mức dự trữ xăng dầu nhằm đối phó với các "tình huống có vấn đề".
Ngày 9/5 ba công ty gồm Casumina, Cao su Đà Nẵng và Cao su Sao Vàng đã ký hợp đồng với Công ty Philips Carbon Black (Ấn Độ) thành lập liên doanh sản xuất than đen. Đây là liên doanh sản xuất ra nguyên liệu để sản xuất lốp cao su đầu tiên ở Việt Nam.
Từ chiều tối 8/5 tới sáng 9/5, giá vàng đã đột ngột tăng mạnh trở lại. Như vậy, đợt giảm vừa qua đã đảo chiều và thay thế ngay lập tức bởi một đợt tăng giá mới.