Trấn Yên: Huy động nội lực để "hàn" đê
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cơn bão số 4 đã qua đi nhưng hậu quả của nó để lại cho huyện Trấn Yên (Yên Bái) rất nặng nề. Hàng nghìn gia đình bị mất nhà cửa hoặc phải di dời, hàng nghìn ha lúa, cây màu bị xóa sổ, gần trăm km đường giao thông, đê chắn lũ và kênh mương nội đồng bị hư hỏng, ước tính thiệt hại do mưa bão gây ra lên tới trên một trăm tỷ đồng, trong đó thiệt hại về đê chắn lũ gần 3 tỷ đồng.
Huyện Trấn Yên đang nỗ lực huy động nhân vật lực để khắc phục hậu quả lụt bão, trong đó ưu tiên cho khắc phục các con đê bị vỡ, sạt lở. (Ảnh: Minh Quang)
|
Đê chắn lũ sông Hồng của xã Việt Thành dài gần 4km, sau hơn 20 năm xây dựng đã hoàn thành tốt công năng của mình là bảo vệ sự an toàn cho 600 gia đình và toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của 7/12 thôn trong xã. Cơn bão số 4 vừa qua, mực nước sông Hồng dâng nhanh làm cả tuyến đê không chống chịu nổi sức công phá của thủy cường.
Có 4 đoạn đê đã bị vỡ với chiều dài 240m, còn lại nhiều đoạn đê bị chìm trong nước tới gần 1m, làm ngập 200 ha lúa, cây màu, cây dâu và hơn 200 gia đình, ước tính thiệt hại là 5,5 tỷ đồng. Để sớm ổn định sản xuất và đề phòng những trận lũ tiếp theo, hiện nay xã Việt Thành đang phát huy nội lực kết hợp sự giúp đỡ của huyện nhanh chóng khắc phục những đoạn đê bị vỡ.
Trên công trường khắc phục đoạn đê thôn 6, ông Chu Văn Hướng - Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: "Được huyện giúp đỡ phương tiện, máy móc để hàn đê, nên trong những ngày vừa qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi chúng tôi đã vận động nhân dân vừa khắc phục hậu quả ngập lụt tại gia đình, đồng thời huy động hàng nghìn công lao động cùng với máy móc nhanh chóng đắp lại những tuyến đê bị vỡ".
Nằm sát ven sông Hồng, nên người dân xã Nga Quán đã quen "sống chung với lũ", nhưng đợt lũ vừa qua mới thực sự là một tổn thất to lớn đối với nhân dân trong xã. Giao thông, thông tin liên lạc bị gián đoạn, một nửa số hộ và toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, thậm chí bị xóa sổ bởi đất cát vùi lấp, thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Những thiệt hại đó là do con đê chắn lũ cho nhân dân thôn Hồng Thái và thôn Hồng Hà bị vỡ. Hiện tại do khối lượng đào đắp quá lớn, huyện Trấn Yên đã giao cho Công ty TNHH Tân Phú cùng lực lượng nhân dân và Trung đoàn 931 khẩn trương đắp lại tuyến đê và chỉ trong thời gian ngắn tuyến đê này đã được hàn thổ.
Theo phân cấp, tất cả các con đê của huyện Trấn Yên đều được thiết kế xây dựng có thể chống chọi với các đợt lũ có mức báo động số 3, còn như đợt lũ vừa qua với mức trên báo động 3 thì hầu hết các con đê chắn lũ đều bị vỡ hoặc bị nước tràn qua, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân ở 21 địa phương trong toàn huyện.
Theo thống kê, Trấn Yên có 7 tuyến đê ở 7 địa phương nằm dọc sông Hồng bị vỡ, đó là: thị trấn Cổ Phúc, xã Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Nga Quán, Âu Lâu, Phúc Lộc và xã Minh Quân, với tổng chiều dài bị vỡ là 1.100m và đá cùng với khối lượng cần đào đắp là hơn 60.000m3 đất. Ước tính thiệt hại riêng về đê chắn lũ gần 3 tỷ đồng, trong đó xã Việt Thành, Nga Quán, Âu Lâu bị thiệt hại nặng nhất. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện Trấn Yên đang nỗ lực huy động nhân vật lực để khắc phục hậu quả lụt bão, trong đó ưu tiên cho khắc phục các con đê bị vỡ, sạt lở, bởi mùa mưa lũ vẫn còn chưa hết.
Ông Phạm Lâm Phóng - Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, huyện Trấn Yên đã huy động phương tiện, máy móc của các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn hoặc đang thi công trên địa bàn để nhanh chóng hàn đê, huyện trích ngân sách để ứng mua xăng dầu cho các công ty, bằng phương pháp này huyện Trấn Yên đã cơ bản hàn đê xong".
Bằng cách làm phù hợp nên huyện Trấn Yên đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng trên các tuyến đê. Tuy nhiên, do hậu quả cơn bão số 4 để lại hết sức nặng nề, vì vậy, Trấn Yên đang rất cần sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, để nhân dân vùng ngập lụt sớm ổn định cuộc sống và nhanh chóng khôi phục lại sản xuất.
Thanh Hùng
Các tin khác
YBĐT - Vụ mùa năm 2008, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đưa vào gieo cấy đại trà một số giống lúa có thời gian sinh trưởng (TGST) ngắn, tiềm năng năng suất cao như: Q.ưu 6, N46, Bồi tạp sơn thanh với diện tích gần 300 ha và khảo nghiệm các giống lúa mới để chọn lọc, bổ sung đưa vào cơ cấu giống lúa của địa phương.
YBĐT - Thực hiện kế hoạch trồng chè vụ thu năm 2008, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo các địa phương triển khai cho nhân dân ở 15 xã đăng ký chè trồng mới với diện tích 100ha.
“Sàn giao dịch cà phê đầu tiên trong cả nước của tỉnh Đăk Lăk sẽ chính thức khai trương vào ngày 12/12/2008, trong thời gian diễn ra Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột lần 2”- Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, ông Lữ Ngọc Cư cho biết.
YBĐT - Hiện nay trên địa bàn Yên Bái, điện lưới quốc gia đã phủ hết 9/9 huyện thị với 146/159 xã, đạt tỷ lệ 91,82% số xã trong tỉnh với tổng số 53 nghìn hộ nông dân sử dụng điện, sản lượng khoán 3,6 kWh mỗi tháng.