Chè Văn Hưng: Công nghệ mới tạo nên thành công mới
- Cập nhật: Thứ hai, 6/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Công nghệ mới, quy trình sản xuất mới, sản phẩm mới, giá thành sản phẩm hạ và thuận lợi trong khâu tiêu thụ đó là ưu thế của công nghệ CTC và cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần chè Văn Hưng rất kỳ vọng vào nhà máy mới với công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày này.
Công nhân xưởng chế biến chè CTC ghi chép các thông số kỹ thuật.
|
Đầu năm 2007 Công ty Cổ phần chè Văn Hưng hoàn thành việc đầu tư dây chuyền chế biến chè bằng công nghệ CTC với tổng giá trị đầu tư 12,5 tỷ đồng. Có thể nói, đầu tư một khoản tiền lớn vào việc thay đổi công nghệ giữa lúc tình hình tài chính của Công ty gặp nhiều khó khăn thì không phải là chuyện dễ.
Nhưng giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết: “Chúng tôi không thể không làm, vì giống như việc đi giữa biển bằng con thuyển nhỏ, gặp sóng to, gió lớn không lên thuyền to thì chỉ còn nước chết chìm”.
Công nghệ mới, quy trình sản xuất mới, sản phẩm mới, giá thành sản phẩm hạ và thuận lợi trong khâu tiêu thụ đó là ưu thế của công nghệ CTC và cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần chè Văn Hưng rất kỳ vọng vào nhà máy mới với công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày này.
Nhưng niềm vui của việc hoàn thành lắp đặt máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ vừa dứt thì năm 2007, ngành chè Yên Bái gặp “cơn bão” chè vàng và Công ty cũng chịu chung số phận. Nhà máy đình đốn vì không mua được nguyên liệu, công nhân đứng nhìn chè phơi nắng đem bán cho Trung Quốc.
Rồi “bão chè vàng” cũng tan, Công ty Cổ phần chè Văn Hưng mạnh dạn duy trì và đầu tư cho vùng nguyên liệu để ổn định sản xuất và vào niên vụ 2008 với một khí thế mới. Điều đáng mừng là đã vào thời điểm cuối vụ nhưng những ngày qua, Công ty vẫn thu mua được nguyên liệu đủ công suất chạy máy, đó là nhờ giá thu mua mà Công ty áp dụng cạnh tranh được với thị trường (bình quân chè tươi thu mua giá 3000 đến 3200 đồng/kg).
Bên cạnh đó, người dân trong vùng cũng như công nhân nông nghiệp của Công ty đã ý thức được mối liên kết công - nông trong việc trồng và chế biến chè. Có nguyên liệu, có dây chuyền mới, áp dụng công nghệ hiện đại, xưởng chế biến CTC của Công ty đã ổn định sản xuất ngay từ đầu năm.
Một dây chuyền công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày mà số lao động trực tiếp đứng máy là rất ít, từ đưa chè vào giàn phơi đến cắt, lăn, sấy khô, sàng… chỉ có 10 người, trong khi một dây chuyền bằng công nghệ cũ với công suất tương đương phải cần tới ít nhất 40 người. Không chỉ ít lao động mà công việc của công nhân ở đây cũng khá nhàn nhã, không nóng bức, cực nhọc như làm chè trước đây.
Anh Nguyễn Văn Hùng - công nhân tâm sự: “Công việc cũng khá đơn giản, chỉ việc ấn nút cho máy chạy rồi ghi các thông số kỹ thuật, thi thoảng thực hiện vài thao tác”.
Được biết, việc chuyển giao công nghệ cho đội ngũ công nhân được nhà cung cấp thiết bị và Công ty hết sức coi trọng và chỉ đến khi 100% đội ngũ công nhân thành thạo việc thao tác máy thì chuyên gia mới về nước và việc kiểm tra quy trình sản xuất được duy trì thường xuyên, nhất là quy trình vệ sinh công nghiệp và vệ sinh thực phẩm.
Nhờ sản phẩm chè CTC làm ra có chất lượng ổn định, giá thành hạ nên sản phẩm làm ra đến đâu được tập đoàn Phin–lay (nhà cung cấp thiết bị) tiêu thụ hết ngay đến đó nên nhà máy CTC đã góp phần cùng toàn Công ty đạt mức sản xuất và tiêu thụ 8 tháng đầu năm được trên 700 tấn sản phẩm, phấn đấu hết năm 2008 là 1200 tấn sản phẩm. Đời sống người lao động đã ổn định trở lại với mức lương bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.
Kết quả bước đầu trong việc đầu tư dây chuyền mới khẳng định hướng đi đúng đắn của Công ty Cổ phần chè Văn Hưng trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Được biết Công ty đang triển khai dự án tiếp tục đầu tư thêm một dây chuyền chế biến chè bằng công nghệ CTC thứ hai với tổng giá trị trên 7 tỷ đồng, nhằm nâng cao công suất chế biến chè chất lượng cao mỗi năm từ 1200 đến 1500 tấn.
“Chúng tôi đã có nhà xưởng, đội ngũ công nhân đã bắt nhịp được với công nghệ tiên tiến và quy trình sản xuất mới. Bên cạnh đó, việc đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu và thực tế chúng tôi đã thành công… đó là cơ sở để chúng tôi quyết tâm đầu tư, quyết tâm phấn đấu vì truyền thống của một đơn vị giầu truyền thống” – Giám đốc Nguyễn Thị Minh đã khẳng định với chúng tôi như vậy.
Lê Phiên - Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - 9 tháng đầu năm 2008 toàn hệ thống khuyến nông trong tỉnh Yên Bái đã mở được 1.526 lớp tập huấn cho 61.040 lượt hộ nông dân, tăng 120 lớp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trồng trọt 684 lớp; lâm sinh 279 lớp; chăn nuôi thủy sản 563 lớp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có công văn yêu cầu Ngân hàng hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế rà soát ngay các khoản tiền gửi và đầu tư tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nước ngoài cũng như các khoản vay của các tổ chức này.
Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết giá phôi thép chào từ Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn 650 USD/tấn, giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối tháng bảy vừa qua.
Số liệu mới nhất của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho thấy tính đến tháng 8/2008, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (với số vốn điều lệ khoảng 500 tỷ đồng) mới chỉ cho gần 40 dự án vay vốn ưu đãi với số tiền là 125 tỷ đồng.