Thủ tướng chỉ đạo đối phó với khủng hoảng tài chính thế giới
- Cập nhật: Thứ hai, 6/10/2008 | 12:00:00 AM
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có công văn yêu cầu Ngân hàng hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế rà soát ngay các khoản tiền gửi và đầu tư tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nước ngoài cũng như các khoản vay của các tổ chức này.
|
Ngày 1/10/2008 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp để nghe các cơ quan chức năng báo cáo đánh giá những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đối với nền kinh tế Việt Nam và các biện pháp nhằm hạn chế tác động xấu của cuộc khủng hoảng.
Ngày 3/10, Văn phòng Chính phủ ra thông báo số: 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đối với nền kinh tế nước ta.
Cuộc khủng hoảng về tài chính ở Mỹ hiện nay không những làm cho kinh tế của Mỹ bị suy giảm mà còn ảnh hưởng xấu đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có kinh tế Việt Nam. Tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng đến kinh tế nước ta cho tới thời điểm hiện nay là chưa có, nhưng có tác động gián tiếp ở mức độ không lớn, không nhiều tới các lĩnh vực hoạt động: tài chính, tiền tệ, thương mại, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Để chủ động phòng tránh, nhằm hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính chỉ đạo và yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế rà soát ngay các khoản tiền gửi và đầu tư tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nước ngoài cũng như các khoản vay của các tổ chức này. Từ đó, thực hiện biện pháp cần thiết, thích hợp như: cơ cấu lại danh mục đầu tư, rút vốn... (đối với các khoản cho vay, đầu tư) nhằm đảm bảo tính thanh khoản; trả nợ trước hạn, bảo hiểm lãi suất (đối với các khoản đi vay) để giảm thiểu nguy cơ mất vốn hoặc tăng chi phí do tổ chức tài chính nước ngoài bị phá sản, do lãi suất trên thị trường quốc tế tăng cao...; rà soát hoạt động đầu tư, kinh doanh của các ngân hàng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi, giám sát chặt chẽ luồng vốn ra, vào của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, xử lý những vướng mắc về thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ thị trường này và phát triển thị trường bền vững. Rà soát ngay hoạt động của các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư tài chính để đánh giá và xác định tình trạng tài chính hiện nay của từng quỹ và toàn bộ hệ thống, những vấn đề có thể xảy ra, những việc phải xử lý đối với các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư tài chính có vấn đề; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các tiêu chí, điều kiện về cấp phép thành lập và hoạt động đối với các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và công ty quản lý quỹ cho phù hợp với tình hình mới.
Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu rà soát lại việc xuất khẩu, nhập khẩu theo từng nhóm hàng, mặt hàng để có biện pháp đẩy mạnh xuất, nhập khẩu. Thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu đi đôi với nâng cao chất lượng để tăng giá trị hàng hoá xuất khẩu; chủ động trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán về giá cả và tìm kiếm thị trường theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá thị trường, chú trọng vào thị trường có tiềm năng, thị trường ở khu vực bị ảnh hưởng của khủng hoảng ít, thị trường truyền thống hoặc thị trường mới (Nga, Trung đông, Mỹ La tinh, Châu Phi); đồng thời, tổ chức tốt thị trường nội địa để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước để kịp thời phát hiện và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn kể cả khó khăn về vốn vay, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án để sớm đưa công trình vào sử dụng hoặc đình hoãn đối với những dự án, công trình xét thấy chưa thật cần thiết.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp chỉ đạo, tổ chức giao ban thường kỳ với các cơ quan chức năng để kịp thời theo dõi, đánh giá và đưa ra những giải pháp thích hợp nhằm hạn chế thấp nhất những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đối với kinh tế Việt Nam.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết giá phôi thép chào từ Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn 650 USD/tấn, giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối tháng bảy vừa qua.
Số liệu mới nhất của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho thấy tính đến tháng 8/2008, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (với số vốn điều lệ khoảng 500 tỷ đồng) mới chỉ cho gần 40 dự án vay vốn ưu đãi với số tiền là 125 tỷ đồng.
YBĐT - Cơn bão số 4 đã qua đi nhưng hậu quả của nó để lại cho huyện Trấn Yên (Yên Bái) rất nặng nề. Hàng nghìn gia đình bị mất nhà cửa hoặc phải di dời, hàng nghìn ha lúa, cây màu bị xóa sổ, gần trăm km đường giao thông, đê chắn lũ và kênh mương nội đồng bị hư hỏng, ước tính thiệt hại do mưa bão gây ra lên tới trên một trăm tỷ đồng, trong đó thiệt hại về đê chắn lũ gần 3 tỷ đồng.
YBĐT - Vụ mùa năm 2008, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đưa vào gieo cấy đại trà một số giống lúa có thời gian sinh trưởng (TGST) ngắn, tiềm năng năng suất cao như: Q.ưu 6, N46, Bồi tạp sơn thanh với diện tích gần 300 ha và khảo nghiệm các giống lúa mới để chọn lọc, bổ sung đưa vào cơ cấu giống lúa của địa phương.