Mù Cang Chải phát triển vốn rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 7/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với diện tích đất tự nhiên gần 120 ngàn ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm tới 80%, lại có khu bảo tồn loài - sinh cảnh rộng 23 ngàn ha, đây là lợi thế lớn để huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) phát triển vốn rừng.
|
Mù Cang Chải là huyện có trên 95% diện tích là đồi núi cao, độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh. Khí hậu được chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau và là mùa thường xảy ra rét đậm, rét hại. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm lại thường xảy ra những trận mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất đá, làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại của nhân dân cũng như phát triển kinh tế của huyện.
Huyện cũng có tới trên 90% dân số là đồng bào Mông, định cư phân tán trên các sườn núi và chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp với tập quán đốt nương làm rẫy có từ lâu đời. Cũng do tập quán canh tác này và thói quen thả rông gia súc còn khá phổ biến nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, hạn chế đến kết quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Hiện nay, thu nhập của người dân thấp, việc đầu tư cho sản xuất nông lâm còn ít, điều kiện tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật hạn chế dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao.
Đồng bào cũng chưa quen với sản xuất theo hướng hàng hoá, trong đó có việc phát triển rừng. Hai năm gần đây, suất đầu tư cho trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng các loại đã được quan tâm song nhìn chung vẫn thấp nên không khuyến khích được người dân tham gia tích cực.
Với diện tích đất tự nhiên gần 120 ngàn ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm tới 80%, lại có khu bảo tồn loài - sinh cảnh rộng 23 ngàn ha, đây là lợi thế lớn để huyện vùng cao này phát triển vốn rừng. Từ khi thực hiện tốt Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì độ che phủ của rừng không ngừng được nâng lên và hiện nay đạt 45%, phấn đấu đến năm 2010 đạt trên 47%.
Theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng cấp xã của UBND tỉnh Yên Bái, tổng diện tích trong vùng quy hoạch của huyện là 55.503,57ha, trong đó: rừng trồng là 12.105,23ha, rừng tự nhiên là 30.245,6ha, đất trống 13.152,74ha. Đến nay, toàn huyện mới cấp được 425 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý, bảo vệ rừng cho 383 hộ gia đình với 2.450ha rừng từ năm 1998.
Nhưng theo kết quả rà soát thì phần lớn diện tích này lại thuộc đai rừng phòng hộ và cần được thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng của các hộ trong thời gian tới. Đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, đang được tiến hành đo đạc, lập hồ sơ giao đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và Ban Quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Mù Cang Chải.
Hiện các ban quản lý cũng chỉ mới được giao nhận qua hồ sơ và mục trắc tại hiện trường bằng khoanh vẽ, chưa có mốc giới các loại rừng. Còn các hộ gia đình nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ theo thôn bản, cộng đồng thông qua chủ rừng là các ban quản lý.
Việc phát triển rừng sản xuất vẫn là một việc làm hoàn toàn mới đối với bà con vùng cao. Hầu hết người dân chưa nhận thức đúng về quyền lợi khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển rừng theo mục tiêu nhiệm vụ của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2008, huyện đã bám sát vào kế hoạch tỉnh giao để chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các xã tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện.
Việc khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ và trồng rừng mới luôn được quan tâm chỉ đạo và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Qua 10 năm bảo vệ rừng các loại được 40.204,34ha, trồng rừng phòng hộ 8.090ha, trồng rừng sản xuất 900ha.
Cũng để giữ rừng, hàng năm trước khi bước vào mùa khô hanh, huyện đều có chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm trước và triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo; kiện toàn lại ban chỉ huy PCCCR từ huyện đến cơ sở. Năm 2008 đã thành lập 115 tổ đội tuần tra bảo vệ rừng với 635 người tham gia. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền học tập và ký cam kết bảo vệ rừng cho 6.834 hộ dân với 27.135 người tham gia.
Mùa khô hanh 2007 - 2008 huyện Mù Cang Chải chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 5ha rừng khoanh nuôi tái sinh, so với mùa khô hanh 2006 - 2007 giảm được 13 vụ. Có những xã như Nậm Khắt, diện tích đất lâm nghiệp và đất có rừng trên 11 ngàn ha.
Cùng với tích cực bảo vệ hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng khoanh nuôi, hàng năm xã đều có kế hoạch trồng rừng. Năm 2007 đã thực hiện tốt kế hoạch đề ra với diện tích 170 ha, trong đó rừng tập trung 110 ha, rừng kinh tế 60 ha. Với ý thức coi “rừng là vàng”, đồng bào hết lòng gìn giữ và rừng Nậm Khắt luôn luôn xanh tươi, không có vụ cháy rừng nào xảy ra, tình trạng khai thác lâm sản trái phép cũng giảm.
Để rừng Mù Cang Chải ngày càng phát triển bền vững, thật sự phát huy hiệu quả kinh tế và phòng hộ thì phải phát huy hết nguồn lực lao động dồi dào cùng quỹ đất lâm nghiệp của địa phương. Như vậy, Nhà nước cần có một số chính sách giúp người dân thu nhập chính đáng từ rừng, để họ tâm huyết với nghề rừng.
Theo đề nghị của nhiều địa phương, trong đó có huyện Mù Cang Chải là cần nâng suất đầu tư trồng rừng phòng hộ từ 6 triệu lên 8 triệu đồng/ha, hỗ trợ trồng rừng sản xuất từ 2 triệu lên 3,5 triệu đồng/ha và bảo vệ rừng từ 50 ngàn đồng lên 200 ngàn đồng/ha.
Riêng quy hoạch trồng rừng sản xuất, địa phương cũng đề nghị được điều chỉnh thực hiện Dự án từ 6 xã lên 12 xã. Cùng với nhiều mục tiêu trong “Đề án phát triển kinh tế – xã hội huyện Mù Cang Chải” của Tỉnh uỷ thì thực hiện phát triển vốn rừng sẽ là một mục tiêu quan trọng góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào nơi đây.
Thế Quynh
Các tin khác
Bộ Tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu thịt và các chế phẩm gia súc, gia cầm cũng như thức ăn để chăn nuôi gia cầm kể từ 12.10.2008.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết phương án giá điện cho năm 2009 được xây dựng theo hướng tăng có tính toán tới sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp và căn cứ vào các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, chỉ số giá tiêu dùng, tỷ giá ngoại tệ.
Bộ Tài chính vừa quyết định giảm thuế xuất khẩu sắt, thép từ 10% xuống còn 5%. Trước đó, thuế xuất khẩu những mặt hàng trên được điều chỉnh giảm từ 20% xuống còn 10%.
Dầu xuống ngưỡng 91 USD một thùng, doanh nghiệp làm ăn có lãi, Bộ Tài chính vừa có quyết định yêu cầu các đơn vị cung ứng xăng dầu trích một khoản lợi nhuận để trả nợ cho các khoản mà ngân sách Nhà nước phải chi ra khi dầu thế giới tăng cao.