Vân Hội: Cá lồng - con đường xã chọn

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những lồng cá trắm cỏ yên ả trong cái bóng lặng tờ của những hòn đảo xanh cây đổ bóng xuống mặt đầm Vân Hội (Trấn Yên), yên ả như cuộc sống không còn khốn khó của nhiều người dân nơi này. Không còn khốn khó

Những lồng cá trên đầm Vân Hội.
Những lồng cá trên đầm Vân Hội.

"Cái nhà đó, dạo trước nghèo nhất thôn. Nay, nhà cửa đường hoàng rồi, nhờ nhiều vào cá đấy" - Trưởng thôn 2 - Nguyễn Văn Trình hồ hởi khoe. "Cái nhà đó" là gia đình vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hợi chúng tôi đương tìm đến. Ngôi nhà anh chị mới xây, thuộc diện khang trang trong thôn. Thấy khách đến nhà hỏi chuyện cá mú, anh Hợi chả giấu giếm gì: "Đúng là không nuôi cá thì chả chắc gia đình đã được như bây giờ...”. Chị Mơ - vợ anh Hợi, nghe chồng nhắc chuyện cái khó ngày trước, liền tâm sự: "Gia đình khi xưa có độc 2 sào ruộng, vụ mùa năm được năm mất vì nước lên, nhà 4 miệng ăn thì không khó sao được. Có lúc còn ăn sắn trừ bữa. Nhà ở ngày nắng thì có nhà chứ ngày mưa coi như không, dột nát hết cả. May mà cái đận đó mạnh dạn vay vốn nuôi cá, không thì…".
Cái đận ấy là năm 2003, khi Vân Hội có chương trình phát triển chăn nuôi cá lồng. Anh Hợi chị Mơ vay 7 triệu đồng vốn với lãi suất ưu đãi, hạn trả tận năm 2009. Từ lồng cá đầu tiên, có lợi nhuận, tích vốn, anh chị tiếp tục đầu tư thêm một lồng cá nữa. Rồi có vốn lại bỏ thêm con lợn con gà chăn nuôi. Bây giờ, chăn nuôi thuận lợi, tính trung bình, trừ chi phí mỗi năm cũng bỏ ra được độ 20 triệu đồng mà phần lớn là thu nhập từ cá - anh Hợi chia sẻ vậy. 20 triệu đồng - con số này vài năm về trước với anh chị là cả một niềm mơ ước. Trong câu chuyện anh chị hôm nay, thấy rõ cả sự hài lòng của người chủ nhà với con đường phát triển kinh tế của gia đình.

Chỉ tay sang ngôi nhà cách gia đình anh Hợi vài ngõ, trưởng thôn Trình bảo: "Nói đến nuôi cá ở thôn này còn phải kể cả nhà bà Hoa, ông Dạo nữa chứ". Gặp bữa cả gia đình bà Hoa ở nhà. Hai vợ chồng dường như đang tính tính toán toán gì đó trong cái lán nhỏ, trong lán lại thấy kê cả giường, tủ, bàn, ghế. Đoán chừng thấy sự thắc mắc của khách, bà Hoa giải thích: "Gia đình đang chuẩn bị đào móng xây nhà, nên ở tạm trong lán thôi". Ra vậy, và phải vậy chứ. Cũng cùng đợt vay vốn ưu đãi với gia đình anh Hợi, nhà bà Hoa còn được hỗ trợ một lồng cá. Năm sau, bà thả hai lồng và gia đình bắt đầu có của ăn của để. Và lại có cả niềm vui của sự đoàn viên nhờ con cá khi con cái không còn phải bươn trải phận làm thuê tít tận trong Nam như hồi trước nữa mà ở nhà phụ mẹ lấy dong, lấy sắn, chăm cá, dư dả hơn khối lúc làm  xa nhà.

Từ nhà, bơi thuyền mất độ dăm phút là ra đến chỗ nuôi cá lồng của gia đình bà Hoa. Tuân - con trai cả của bà Hoa, thả sắn qua khe hóp xuống lồng, lũ cá nhoi lên đớp, quẫy nước. Tiếng quẫy nước ấy áng chừng không phải cá nhỏ. Khi mặt nước bình lặng, nom thấy rõ những con cá cũng đã ở mức vài ba cân lượn lờ, lượn lờ, trông rõ thích mắt. Tuân bảo, cá giống thường nuôi ít nhất cũng 1 kg rồi. Khi thu hoạch, cứ tầm 7- 8kg/con là chuyện thường, có con to nhất từng nuôi là 10kg. Một lồng cá nữa của nhà Tuân cũng ở cách đó vài chục mét. Chỉ quanh quất trong tầm mắt ở khu vực đầm này cũng đếm được dăm bảy lồng cá. Ở thôn 2 này, cả thảy có chục hộ trong số 40 hộ cả thôn nuôi cá. Đã có 3 trong số đó là hộ nghèo nay đã xoá tên khỏi diện nghèo đói - trưởng thôn Trình đã xác nhận vậy. Những lồng cá yên ả trong cái bóng lặng tờ của những hòn đảo xanh cây đổ xuống mặt đầm. Một góc đầm Vân Hội cứ thế bình yên như cuộc sống không còn khốn khó của nhiều người dân nơi này.

Cá lồng - con đường xã chọn

Xã ven hồ Thác, những hộ gần đầm ít hoặc không có ruộng. Làm sao để mưu sinh? Dân lo, chính quyền nghĩ và 200ha diện tích mặt nước đầm đấy, rong rêu đấy, người dân chả gì cũng ít nhiều biết đến nuôi cá. Thì nuôi cá: cá lồng? Tại sao không? Chả gì bằng khai thác thế mạnh, chả gì bằng phát huy nội lực. Nhắc lại thủa manh nha, Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Thế, cười, vẻ hài lòng.

Bắt đầu từ giao diện tích mặt nước cho người dân quản lý, rồi hỗ trợ vốn, kiến thức cho người dân nuôi cá. Năm 2003, 70 lồng cá hỗ trợ cho dân, mức 700.000 đồng/lồng; rồi tạo điều kiện cho dân vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, lãi suất thấp, kì hạn trả dài. Cá ăn rong đầm là chính, dân bỏ công bỏ sức lấy về. Xã phối hợp với Trung tâm Thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện, tập huấn, trang bị kiến thức, mở lớp đào tạo nghề nuôi cá cho bà con. Thêm kiến thức, cá thương phẩm tiêu thụ tốt, có lời. Từ một lồng, người dân nhân thêm lồng nữa. Hộ này làm ăn được, hộ khác theo đó mà học. Xã tiếp tục dành nhiều ưu ái cho cá lồng. "Trong số 3 tỉ dư nợ các loại của Vân Hội hiện nay thì có tới 1 tỉ dành cho cá lồng". Toàn xã hiện có 176 lồng của hơn 130 hộ. Chủ tịch xã tính: "Chăn nuôi thuận lợi, 176 lồng qui ra được khoảng 60 tấn/năm, nhân với giá trung bình hiện nay là 40.000đ/kg, vị chi thu từ cá mỗi năm được 2,4 tỷ đồng. Đã có 30 hộ thoát nghèo và nhiều hộ trở nên giàu có nhờ nuôi cá lồng, góp phần làm giảm tỷ lệ đói nghèo của xã hiện tại xuống còn 28,9%." Chả trách ông Chủ tịch xã và chị Nguyễn Thị Hồng Điệp-cán bộ khuyến nông xã nhiều hào hứng khi nhắc đến con cá.

Vĩ thanh

Thời gian này, Vân Hội đang được hỗ trợ 25 lồng cá với mức 3 triệu/lồng. Nhưng theo ông chủ tịch xã ước nhu cầu hỗ trợ của người dân lúc này phải chừng 50 lồng. Vì “Vân Hội phấn đấu phát triển khoảng 250 lồng cá, song cũng chỉ dừng ở mức đó thôi để đảm bảo nguồn thức ăn lâu dài và vệ sinh môi trường, tính phát triển bền vững thì phải vậy, không quá đà ồ ạt được”- Chủ tịch Thế tính vậy. Được hỗ trợ thêm lồng cá, dân mừng. Nhưng quanh chuyện 25 lồng cá hôm nay, người nuôi cá Vân Hội vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo qui định xã nhận được từ trên thì người dân phải đóng lồng cá với chiều cao 1,7m thì trên mới nghiệm thu, mới cấp tiền hỗ trợ. Nhưng theo kinh nghiệm của dân thì ở đầm này chỉ đóng lồng với chiều cao từ 1,2 đến 1,3m là phù hợp.

Theo Chị Điệp - cán bộ khuyến nông xã thì trước đây người dân cũng đã từng đóng lồng với kích cỡ như dự án qui định hiện nay nhưng trong quá trình nuôi thực tế thấy, con cá ở độ sâu như vậy bị mắc chứng mà theo cách người dân vẫn gọi là "buốt óc", sinh bệnh. Mùa cạn, lồng dễ trệt đáy, phân cá quẩn với bùn vẩn lên, con cá mắc sặc, cũng dễ sinh bệnh. Vì vậy người dân ở đây vẫn đóng với chiều cao 1,2-1,3m thôi. Qua thực tế nuôi thấy hiệu quả. Bây giờ đóng theo dự án qui định, người nuôi cá nơi này dám chắc là không phù hợp với thực tế với đầm Vân Hội. Được hỗ trợ mà lúc này người dân vẫn cứ loay hoay, mắc mớ với việc đóng lồng. Sớm nay, nhìn thấy chị Điệp ngoài đầm, anh Hồ Văn Bắc đang hì hụi với đống hóp mới mua phục vụ việc đống lồng, gọi lại liền. Anh bảo: "Chị xem thế nào kiến nghị với trên đi để bọn em còn đóng! Bây giờ đóng theo qui định sau này nuôi mà thất bại thì ai chịu cho bọn em. Có phải bọn em không có kinh nghiệm đâu!". Anh Bắc nuôi cá cũng cả chục năm nay. Mà nói về kinh nghiệm, khi trước Chủ tịch xã cũng thừa nhận, dân nuôi cá Vân Hội tích luỹ kinh nghiệm từ chuyện chữa bệnh cho cá, chuyện ghim cột giữ một góc lồng cố định còn lại để nó có thể quay như cái compa - là để không bị quẩn phân một chỗ, chuyện thời gian nào thì nên bắt đầu thả cá để cá không hay mắc bệnh…chứ đâu riêng gì chuyện đóng lồng.

Mong sao, người nuôi cá Vân Hội sẽ sớm hoàn thiện những chiếc lồng mà không phải vướng bận gì, để đầm Vân Hội, lẫn giữa những đảo nhỏ xanh cây, sẽ có thêm những chiếc lồng cá mới...

Huyền My

Các tin khác

YBĐT - Năm 2008, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được giao chỉ tiêu thu ngân sách 2,33 tỷ đồng. Đây thực sự là một con số không hề nhỏ đối với một địa phương sản xuất kinh doanh chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn và tình hình lạm phát tăng.

Giá dầu thế giới đã giảm xuống mức 78 USD/thùng, nhưng các DN kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn bình chân như vại, khiến người dân có cảm giác đang bị “móc túi”. Đại diện Petrolimex cho biết vừa nhận được thông báo tăng thuế nhập khẩu xăng dầu kể từ ngày 15/10 tới.

Giám đốc Nguyễn Hồng Quanh dành nhiều thời gian kiểm tra chất lượng sản phẩm gạch.

YBĐT - Là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Văn Chấn chuyên sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng và xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thuỷ lợi, trong những năm qua, Công ty Cổ phần xây dựng Quang Thịnh luôn có tốc độ tăng trưởng cao và luôn hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước trước kế hoạch.

Nhà máy xi măng lò quay công suất 350.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Xi măng & Khoáng sản Yên Bái đã phát huy hiệu quả sau đầu tư.

YBĐT - Tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng giá trị sản xuất công nghiệp(SXCN) 9 tháng qua chỉ bằng 64% kế hoạch. Thích ứng nhanh với những “cơn bão” của thời lạm phát, 90 ngày cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Yên Bái dồn sức cho sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm theo hướng cơ cấu lại sản phẩm, tập trung vào những sản phẩm có thị trường tốt, có giá trị cao...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục