Nước sạch: Quản lý tốt thì không cần tăng giá

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/10/2008 | 12:00:00 AM

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Thủ tướng tăng giá nước sạch sinh hoạt vì mức giá bình quân toàn quốc hiện nay ở mức 2.800 đồng/m3 lên 4.100 đồng/m3.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tăng giá nước là chấp nhận được nhưng nếu các công ty cấp nước quản lý tốt hơn, không để thất thoát lớn như hiện nay thì có thể không cần tăng giá nước sạch.

Bất cập tính giá nước sinh hoạt

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết giá nước sạch hiện do UBND các tỉnh, TP quyết định và mức giá này đang thấp hơn giá tính đúng, tính đủ trong sản xuất nước.

Do đó hiện nay có nhiều bất cập trong cách tính giá. Điển hình ở Hà Nội giá nước 20m3 đầu (đa phần các gia đình dùng ở mức này) là 2.400 đồng/m3; nước bán cho khu vực hành chính 4.000 đồng, công nghiệp 4.500 đồng, thương mại 7.500 đồng/m3.

Từ mức bán này có thể thấy những điều rất vô lý như: Hà Nội là địa phương có thu nhập cao hơn các tỉnh nhưng lại có giá bán thấp hơn một số tỉnh như, Hải Dương, Quảng Trị, Bình Phước (3.100 đồng/m3 nước sinh hoạt, hành chính 4.400 đồng, công nghiệp 6.200 đồng/m3).

Còn ở TPHCM, từ 2005 đến nay giá nước sinh hoạt được nâng lên 2.700 đồng/20m3 đầu tiên, khu vực hành chính 6.000 đồng/m3, nước cho công nghiệp 4.500 đồng/m3 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bán cho nước sử dụng trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (hiện ở mức 8.000 đồng/m3). Đây là điều phi lí vì đáng lẽ giá bán cho công nghiệp phải cao hơn khối thương mại.

Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, với giá nước hiện nay rất thấp dẫn đến tỉ số vay nợ của các công ty cấp nước rất cao lên tới 32 lần so với thu nhập bình quân của công ty cấp nước dẫn đến việc các công ty không đủ trang trải các khoản nợ vay.

Chi phí vận hành để làm ra 1m3 nước sạch bình quân quốc gia là 0,13 USD, tương đương 2.153 đồng/m3, trong khi giá tiêu thụ nước sạch nhiều tỉnh rất thấp, từ 1.900 đồng - 2.700 đồng/m3. Tính bình quân cả nước thì giá bán nước vào khoảng 2.781 đồng/m3.

Như vậy sau khi thu hồi chi phí sẽ không còn phần khấu hao trả nợ gốc và lãi của vốn vay đầu tư. Kết quả khảo sát mới đây cho thấy có 51/66 công ty kinh doanh nước sạch trên cả nước có tỉ số vận hành (tổng chi phí vận hành/tổng doanh thu) nhỏ hơn 1.

Có 6 công ty có tỉ số vận hành bằng và lớn hơn 1 và có doanh thu về nước không đủ bù đắp chi phí vận hành. Vì vậy quyết định tăng giá tiêu thụ nước sạch theo nguyên tắc tính đúng tính đủ là rất cấp bách.

Bể ống nước thất thoát nước sạch trên quốc lộ 1A, quận 12 (đoạn gần ngã tư An Sương) - TPHCM
Theo đại diện Hội Cấp thoát nước Việt Nam, việc tăng giá nước là chấp nhận được vì giá hiện nay là quá thấp. Mức đề nghị tăng cũng không nhiều nên không gây ảnh hưởng lớn đến người dân.

Còn nếu áp dụng theo giá nước mà Hà Nội và TPHCM đã trình thì mỗi hộ dân ở hai thành phố này chỉ nộp thêm từ 10.500 đồng đến 20.100 đồng/tháng.

“Hiện giá nước trung bình của các công ty từ 2.200 đồng đến 4.640 đồng/m3 (tính giá năm 2007), quy đổi ra ngoại tệ là 0,11 đến 0,29 USD/m3. Giá nước sạch thương phẩm cho mọi đối tượng bình quân quốc gia là 3.477 đồng/m3.

Như vậy với mức tính bình quân thì chi phí nước sinh hoạt chỉ chiếm gần 1% so với thu nhập thực tế của người dân. Tại các nước đang phát triển người ta áp dụng khả năng chi trả về nước sạch xấp xỉ 3% thu nhập thực tế” - Ông cho biết.

Tỷ lệ thất thoát còn lớn

Trao đổi với Tiền phong, Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh giá cả của nước sạch tiến tới phải được tính đúng, tính đủ theo giá cả thị trường.

Tuy nhiên việc tăng phải hợp lý vì giá có liên quan rất nhiều đến chất lượng và dịch vụ. Như ở các nước người ta trả tiền mua nước là có thể uống nước trực tiếp ở vòi.

Còn ở Việt Nam chất lượng và dịch vụ khác nhau. Hầu hết người dân phải dùng máy bơm để bơm lên trong khi ở các nước hiện đại thì đâu cần phải có bể chứa. Nếu không cảnh giác thì giá vẫn tăng mà dịch vụ không được cải thiện và sẽ thiệt cho người tiêu dùng.

Kết quả khảo sát mới đây của Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho thấy năm 2003 tỉ lệ thất thoát nước bình quân là 35%. Đến năm 2007, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 33%.

Riêng TPHCM lên tới trên 41%; Hà Nội trên 40% do đường ống quá cũ trong khi lượng nước của hai thành phố này chiếm đến 3/4 nước toàn quốc. Nhiều công ty hiện nay có mức thất thoát thấp, thấp hơn cả chỉ thị của Chính phủ là dưới 30%.  Họ đã hạ mức thất thoát xuống dưới 30%.

Ông Tôn cũng cho rằng nếu các công ty phấn đấu giảm mức thất thoát mỗi năm 2% thì tiết kiệm được khối tiền. Nhưng đây là một quá trình. Để làm được điều này phải thay ngay đường ống cũ, hạn chế việc vỡ đường ống khi các đơn vị thi công đường vì mỗi lần vỡ ống nước là mất hàng trăm khối nước.

Cùng với đó kỹ thuật vận hành đường ống phải nâng lên. Các công ty phải đầu tư các thiết bị tiên tiến để phát hiện vỡ ống và áp dụng việc khoanh vùng. Mỗi vùng đặt một đồng hồ tổng để giám sát lượng nước đi qua nếu thấy thất thoát sẽ dễ thống kê hơn.

Về việc tính giá thành nước sinh hoạt, ông Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng giá thành của nước sạch cũng đang có rất nhiều vấn đề.

Bây giờ doanh nghiệp thất thoát 40% thì giá thành chắc chắn sẽ cao lên. Là doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm quản lý tốt, hạ thất thoát xuống còn 20% thì giá sẽ khác.

Ví dụ: Nếu một khối nước mà nâng lên 1.000 đồng/m3 mà thất thoát tới 40% thì vẫn chưa đủ và Nhà nước vẫn phải bù lỗ. Đương nhiên số thất thoát này lại được cộng vào giá thành để tính giá bán và người dân phải trả chứ không có doanh nghiệp nào gánh phần này.

“Nếu làm tốt công tác quản lý, thì giá thành sản xuất của doanh nghiệp sẽ hạ và đặc biệt giảm được một nửa số thất thoát thì số tiền do thất thoát đó có thể đủ cho doanh nghiệp không cần tăng giá nước.

Việc quản lý hiện nay cần phải công khai. Giám sát của Nhà nước phải chặt chẽ hơn chứ không thể để doanh nghiệp làm ẩu để thất thoát rồi kêu Nhà nước bù lỗ, người dân chịu mua giá nước cao hơn thực tế”- Ông Hà nói.

(Theo TPO)

Các tin khác

Báo cáo của thanh tra Bộ Y tế cho biết trong một tháng qua có khoảng 750 đoàn thanh tra tại 63 địa phương cả nước đối với các cơ sở sản xuất liên quan đến sữa. Kết quả thanh tra đang hoàn tất hồ sơ xử lý 189 trường hợp, đình chỉ sản xuất hai cơ sở, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an hai cơ sở, chuyển hồ sơ sang quản lý thị trường hai cơ sở.

Mặc dù trong sản xuất gặp không ít khó khăn song với sự chỉ đạo chặt chẽ về mùa vụ, cơ cấu giống, phòng trừ sâu bệnh cùng với mức đầu tư chăm sóc khá nên vụ lúa mùa 2008 vẫn giành thắng lợi. Năng suất đạt 45,63 tạ/ha, tổng sản lượng thóc đạt trên 149.222 tấn, góp phần quan trọng trong xoá đói, giảm nghèo và tạo đà cho sản xuất cây vụ đông xuân 2008-2009.

Từ 13h hôm nay (18/10), giá bán lẻ xăng và dầu hỏa giảm tiếp 500 đồng/lít.

YBĐT - Ngày 17/10, tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), dưới sự chủ trì của trưởng nhóm Yên Bái, các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai đã tổng kết Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2008.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục