Bài học từ những mô hình khảo nghiệm
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, trong đó tập trung thu hút vốn chuyển đổi kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, từ năm 2006 đến nay, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã xây dựng và đưa vào thực hiện nhiều mô hình khảo nghiệm trình diễn về chăn nuôi, trồng trọt để qua đó giúp người nông dân chọn được mô hình phù hợp áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Nông dân thị xã Nghĩa Lộ chăm sóc rau vụ đông. (Ảnh: H.N)
|
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế TXNL thì tất cả các mô hình khảo nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt được đưa vào thực hiện đều phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là phù hợp với trình độ sản xuất của nông dân và kết quả cho thấy luôn đạt năng suất, chất lượng cao. Thế nhưng, hầu như đến nay, gần 10 mô hình khảo nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt đó đã không được nhân ra diện rộng! Vậy đâu là nguyên nhân?
Chúng tôi đã đến Phòng Kinh tế TXNL - là cơ quan có chức năng triển khai, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế của thị xã thì được biết, trong năm 2006 và 2007, Phòng đã đưa vào thực hiện một loạt các chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: chương trình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả (năng suất bấp bênh) sang nuôi trồng thủy sản, dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp, dự án hỗ trợ mua trâu đực giống, chương trình trồng rừng kinh tế v.v..., các chương trình, dự án này đều cho kết quả cao.
Cụ thể nhất là chương trình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản được thực hiện năm 2006 bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh và từ nguồn ngân sách của thị xã, được thực hiện tại phường Pú Trạng với tổng diện tích chuyển đổi là 2,5 ha, kinh phí hỗ trợ 48 triệu đồng và xã Nghĩa Lợi là 2,6 ha, hỗ trợ 26 triệu đồng.
Ngoài ra, để chương trình được triển khai có hiệu quả, Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Thủy sản Yên Bái tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá cho 102 hộ nông dân tham gia. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế, chương trình chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản giúp nhiều hộ có thu nhập cao gấp 2 lần trồng lúa, trong khi đó công lao động không nhiều. Những tưởng rằng, người nông dân sẽ "hồ hởi" coi đây là cách làm mới, hiệu quả nhưng cho đến nay, chương trình đã không được nhân ra diện rộng. Thậm chí, nhiều hộ tham gia chương trình chuyển đổi lần đầu cũng đã không duy trì được. Nguyên nhân được Phòng kinh tế đưa ra: do vốn đầu tư về giống, thức ăn lớn nên khi không có hỗ trợ người dân không tiếp tục đầu tư mà ỉ lại, trông chờ.
Ngoài ra, các hộ không thực hiện được việc dồn điền đổi thửa để nuôi cá tập trung nên thiếu chủ động về nguồn nước nuôi thủy sản. Còn đối với chương trình dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp, kết quả thực hiện cũng không khác là mấy. Được TXNL đưa vào thực hiện từ năm 2006 theo Quyết định của UBND tỉnh Yên Bái về việc "phê duyệt kinh phí hỗ trợ cải tạo và phát triển đàn bò", Dự án nuôi bò bán công nghiệp được khởi động ngay. Phòng Kinh tế căn cứ số lượng được phân bổ để phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của tỉnh để các hộ nông dân nắm bắt và thực hiện. Đồng thời, căn cứ vào danh sách đăng ký của xã, phường, Phòng Kinh tế đã tổ chức thẩm định năng lực của từng hộ gia đình thực hiện Dự án như diện tích trồng cỏ, lao động, khả năng tài chính v.v...
Kết quả, năm 2006 đã có 15 hộ nông dân ở các phường Pú Trạng, Tân An, Cầu Thia, các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc tham gia dự án với cơ chế hỗ trợ là: 1 triệu đồng/ bò sinh sản, 50.000 đồng tiền giống cỏ/con bò, 200.000 đồng tiền làm chuồng/con bò. 60 con bò đã được các hộ mua về nuôi. Ngoài ra, năm 2007, với cơ chế hỗ trợ 4 triệu đồng/con thì 10 con bò đực cũng đã được TXNL phân bổ đến các hộ nông dân ở các xã, phường nói trên. Nhưng cho đến nay, sau gần 3 năm thực hiện Dự án, số lượng bò đã không tăng thêm mà còn giảm đi, nhiều hộ tham gia dự án không còn con nào, các hộ khác chỉ nuôi cầm chừng, nhiều trường hợp để bò gầy, yếu. Đặc biệt trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 vừa qua, đã có nhiều bò nuôi bán công nghiệp bị chết rét.
Giải thích về nguyên nhân, Phòng Kinh tế vẫn tiếp tục "đẩy" cho người nông dân, kiểu như, đây là dự án hỗ trợ để nuôi bò bán công nghiệp "trồng cỏ nuôi bò kết hợp chăn thả" nhưng một số hộ vì thấy được hỗ trợ, không tính toán cụ thể khả năng kinh tế, nhân lực, đất đai mà cứ tham gia. Một số hộ sau khi trồng cỏ không tiếp tục đầu tư chăm sóc, qua các năm diện tích trồng cỏ không đủ theo qui định 360m2/con nên vào mùa đông thiếu cỏ cho bò dẫn đến bò yếu, gầy, chết. Một nguyên nhân nữa mà người nông dân cũng bị "đội" lên đầu, đó là tỷ lệ thụ thai ít do việc thụ tinh nhân tạo cho bò chưa đạt yêu cầu (!). Theo thông tin mà chúng tôi có được, đã có một số hộ nông dân tham gia Dự án nợ ngân hàng tới 40 triệu đồng.
Cùng với 2 chương trình, dự án trên, một số chương trình, dự án khác được đưa vào triển khai theo mô hình khảo nghiệm nhưng đến nay không còn đề cập đến trong sản xuất nông nghiệp ở TXNL, như: dự án nuôi lợn sinh kế, dự án trồng ớt, trồng dưa bao tử v.v... Không hiểu những nguyên nhân trong việc thực hiện các mô hình khảo nghiệm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi năm 2006-2007 được Phòng Kinh tế nêu ra như: vốn đầu tư cho một mô hình chăn nuôi, trồng trọt là lớn nhưng rủi ro trong sản xuất lại cao trong khi tiềm lực kinh tế của các hộ nông dân trên địa bàn thị xã còn yếu nhất là khu vực 3 xã mới sáp nhập nhưng chương trình, dự án đòi hỏi trình độ cao, phức tạp, tỉ mỉ trong khi phần lớn người nông dân vẫn mang nặng tư tưởng chỉ thích làm theo lối cũ, không chịu khó học hỏi, đã là bài học "nhãn tiền" hay chưa? Hiện thị xã lại đang tiếp tục các mô hình thử nghiệm mới như: chương trình 500 ha lúa năng suất chất lượng cao, chương trình nuôi lợn thịt qui mô 100 con trở lên, chương trình nuôi gà qui mô 1000 con trở lên hay dự án khoa học nuôi cá chép lai V1 xen lúa v.v...
Nếu không có giải pháp khắc phục những nguyên nhân trên thì kịch bản về những mô hình khảo nghiệm, trình diễn chăn nuôi trồng trọt của năm 2006-2007 cũng sẽ lặp lại trong năm 2008.
Nguyễn Nhật Thanh
Các tin khác
Bộ Thông tin và Truyền thông đã vừa đồng ý với đề xuất tính cước nội mạng mới của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.
YBĐT - Có thể nói, trong hệ thống ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trên địa bàn Yên Bái thì Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình kinh doanh phục vụ.
YBĐT - Thôn Khe Tăng, xã Quang Minh (Văn Yên - Yên Bái) có 72 hộ, 329 nhân khẩu với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vào những năm 1990 trở về trước, những phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào vẫn còn tồn tại khá phổ biến như: thả rông gia súc, nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn; chặt phá rừng làm nương rẫy, nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học mà không được tới lớp tới trường; ốm đau mời thầy về cúng ma... nên đói nghèo đeo đẳng người dân nơi đây.