Giải quyết đất ở và đất sản xuất ở Mù Cang Chải: Những khó khăn cần tháo gỡ
- Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến đói nghèo ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số nói chung và huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nói riêng là thiếu đất sản xuất, đất ở.
Bản làng dưới chân đèo Khao Phạ.
|
Trước những thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 134/2004/QĐ-T.Tg, về một số chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có đời sống khó khăn. Sau ba năm triển khai thực hiện, hàng nghìn hộ đồng bào nghèo ở huyện Mù Cang Chải đã có đất ở, đất sản xuất và tư liệu sản xuất, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp phải nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Những năm qua, huyện Mù Cang Chải vận động nhân dân, tích cực khai hoang ruộng nước, định canh, định cư, nhất là khi có sự hỗ trợ từ Chương trình 134 của Chính phủ. Qua tuyên truyền, vận động, đến nay, nhiều hộ dân nghèo thiếu đất sản xuất đã tự khai hoang được đất ở và đất sản xuất. Tính riêng từ năm 2005 đến nay, toàn huyện có 2.000 hộ nghèo khai hoang được trên 300 ha ruộng nước, 300 hộ dân đã có đất ở góp phần ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc khai hoang ruộng nước, đất ở tiến độ thực hiện còn chậm. Kế hoạch được giao diện tích đất ở, đất sản xuất trong ba năm (2005-2008) là 316 ha với tổng số vốn hỗ trợ trên 1 tỷ 580 triệu đồng, nhưng đến nay mới thực hiện được 275,5 ha đất sản xuất với số vốn hỗ trợ 1 tỷ 378 triệu đồng. Riêng đất ở, mới giải quyết được cho 285 hộ với diện tích 5,7 ha tập trung tại xã Nậm Khắt, Cao Phạ. Như vậy, theo kế hoạch thì còn 7,3 ha đất ở các xã Nậm Có và Lao Chải thì gặp khó khăn, trong khai hoang 33 ha đất sản xuất, đến nay mới thực hiện đựơc 50%.
Lý giải về những khó khăn này, ông Phạm Chí Cường- Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường huyện nói: " Quỹ đất một số xã đã hết, những nơi có đất canh tác lại quá xa nơi đồng bào sinh sống. Trong quá trình thực hiện, ruộng khai hoang của nhân dân không tập trung mà lại nằm rải rác trên địa bàn của nhiều bản nên quá trình đi đo đạc nghiệm thu mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó còn phải kể đến một số xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc nhân dân tham gia. Trình độ năng lực chuyên môn của một số cán bộ địa chính xã còn nhiều hạn chế trong lập hồ sơ, tính toán diện tích, dẫn tới nhiều hồ sơ còn phải làm đi làm lại nhiều lần". Một khó khăn nữa là mức hỗ trợ kinh phí theo Chương trình còn quá thấp (5 triệu đồng/ha khai hoang ruộng nước và đất ở), trong khi theo quy định mức đất ở cho một hộ ở vùng cao là không quá 400m2/hộ, như vậy mỗi hộ chỉ được hỗ trợ không quá 200.000 đồng. Với số tiền hỗ trợ như vậy sẽ là quá thấp, trong khi đời sống của đồng bào vùng cao rất khó khăn.
Hỗ trợ, giải quyết hiệu quả đất ở và đất sản xuất cho đồng bào nghèo vùng cao, vùng dân tộc thiểu số là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thông qua đó, góp phần quan trọng giúp nông dân nghèo từng bước ổn định cuộc sống và có cơ hội phát triển kinh tế, đó cũng là con đường để đưa kinh tế vùng cao phát triển. Từ ý nghĩa đó, các cấp uỷ Đảng chính quyền và cơ sở cần vào cuộc quyết liệt giải quyết những khó khăn tồn tại trên để giúp người dân có đất sản xuất. Mù Cang Chải còn trên 30 nghìn ha đất chưa sử dụng chiếm 25% diện tích tự nhiên, đó là một thuận lợi lớn cho việc mở rộng quỹ đất để phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp ổn định.
Trong thời gian tiếp theo, huyện cần tận dụng triệt để những diện tích đất còn bỏ không, đất chưa sản xuất giao cho dân, thôn, bản, xã khai hoang ruộng nước. Những xã có quỹ đất hạn chế, huyện đẩy mạnh tuyên truyền vận động hộ gia đình trong cùng họ hàng, dòng tộc có nhiều đất giúp hộ ít đất để đều có đất ở và đất sản xuất. Các hộ dân cùng đóng góp công sức để khai hoang bằng hình thức đổi công và theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Tránh tình trạng hộ giàu bao chiếm đất đai, hộ nghèo không có đất sản xuất.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Nhà máy xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình (Yên Bái) như một con tầu công nghiệp neo đỗ bên hồ Thác Bà. Những khó khăn sau khi đưa nhà máy vào vận hành đã qua đi, những ngày này, dây chuyền sản xuất xi măng lò quay công suất 910.000 tấn/năm đang vận hành hết tốc lực để cung cấp đủ xi măng cho các công trình trọng điểm.
Các hãng gas cho biết do thị trường thế giới liên tục hạ nhiệt nên đến tháng 11, dự kiến giá gas trong nước sẽ giảm 40.000-50.000 đồng với bình 12 kg, tùy hãng.
Các chuyên gia lo ngại rằng sự sụt giá dầu gần đây sẽ không tồn tại được lâu và xăng dầu có thể tăng lại thậm chí còn cao hơn giá đỉnh hồi mùa hè.
YBĐT - Tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái chỉ tăng ở mức 0,07% so với tháng trước. Giá cả đã dần ổn định, ngoài việc giảm giá xăng, thị trường ghi nhận một số nhóm hàng và dịch vụ không tăng giá so với tháng 9/2008.