Trấn Yên: Thành công từ dự án trồng tre măng Bát độ
- Cập nhật: Thứ tư, 29/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cây tre Bát Độ đến với đồi rừng Trấn Yên (Yên Bái) đã bám rễ chắc chắn trên đồi rừng ở nhiều vùng quê từ Kiên Thành, Quy Mông đến Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh... Mùa vụ đến, mầm măng mập mạp đội đất vươn lên tua tủa, mang lại nguồn lợi to lớn, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thônhuyện Trấn Yên kiểm tra sự phát triển của cây tre măng Bát Độ ở xã Kiên Thành. (Ảnh: Quang Tuấn)
|
40.000 ha đất đồi rừng là tiềm năng vô cùng to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Trấn Yên. Vào thời điểm năm 2002 - 2003 khi các cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn, bồ đề có giá trị chưa cao, thời gian được thu hoạch dài; cây đặc sản quế rớt giá thảm hại... đòi hỏi bức thiết lúc ấy là phải tìm ra được loại cây trồng đáp ứng được yêu cầu: dễ trồng, đầu tư không lớn, nhanh cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán canh tác của nông dân miền núi.
Với những suy nghĩ ấy, nhân một chuyến đi công tác tại Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã phát hiện ra cây tre măng Bát Độ, cho măng với năng suất khá cao và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Ý tưởng đưa cây tre Bát Độ về Trấn Yên trồng thử nghiệm được đưa ra và đã được các cấp chính quyền ở Trấn Yên đồng tình ủng hộ. Cây tre Bát Độ đến với đồi rừng Trấn Yên và đã bám rễ chắc chắn trên đồi rừng ở nhiều vùng quê từ Kiên Thành, Quy Mông đến Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh...
Ông Lý Sinh Thọ ở thôn Khe Rộng, xã Kiên Thành đang cùng gia đình thu hoạch những lứa măng cuối cùng của niên vụ 2008. Với diện tích 1,4 ha, năm nay, gia đình ông đã bán được 10 tấn măng tươi, thu được 13 triệu đồng. Cây tre Bát Độ thực sự giúp gia đình ông có cuộc sống khá hơn và điều đáng mừng là từ nay sản lượng măng của gia đình chỉ có tăng lên vì toàn bộ diện tích đã ổn định trong chu kỳ kinh doanh.
Có cuộc sống khá, con cái có việc làm nhờ cây tre Bát Độ, ông vui vẻ tâm sự: "Người dân trong thôn, trong xã đã yên tâm với cây trồng này rồi. Nhiều nhà còn thu vài ba chục triệu mỗi vụ như gia đình ông Dương Kim Hưng ở Đồng Song, ông Lê Là ở thôn Khe Rộng... Có người còn bảo, thôn Khe Tối giờ đã sáng nhờ măng Bát Độ đấy!". Niềm vui của ông Thọ cũng là niềm vui chung của gần 1000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao, vùng xa của huyện Trấn Yên.
Ông Nguyễn Thành Công - Phó bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết: “Huyện chính thức đánh giá chương trình măng Bát Độ đã giành thắng lợi. Đáng mừng hơn đây là một chương trình kinh tế trọng tâm của Đảng bộ huyện khoá XIX, nhiệm kỳ 2005 – 2010 và điều đó có được nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của đối tác (Công ty TNHH Vạn Đạt) và của người dân trong huyện”. Sự nhấn mạnh đó để một lần nữa khẳng định vị thế của cây tre măng Bát Độ, sự khó khăn và cả thành công của một chương trình kinh tế lớn trong một nhiệm kỳ Đảng bộ.
Có lẽ quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vốn đã khó, đưa tre măng Bát Độ vào dân lại khó hơn vì thời điểm đó một số đối tượng cây trồng mới của tỉnh, của huyện đã thất bại; chưa kể những vụ thu hoạch đầu tiên chưa có thị trường tiêu thụ.
Đứng trước khó khăn trên, huyện tăng cường cán bộ, nhất là cán bộ kỹ thuật về vận động, hướng dẫn nông dân trồng măng; tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ mỗi ha 5 triệu đồng tiền giống; rồi các tổ chức chính trị đưa cả đoàn viên, hội viên của mình giúp đỡ đồng bào đào hố, bỏ phân, trồng măng.
Hình ảnh những thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện lên rừng giúp dân trồng măng đã làm xúc động người Dao Tân Đồng, người Tày Hồng Ca, Kiên Thành, Quy Mông. Để ổn định sản xuất, huyện đã tìm được đối tác làm ăn uy tín và lâu dài là Công ty TNHH Vạn Đạt, ký kết bao tiêu sản phẩm, giúp họ có mặt bằng xây dựng xưởng sơ chế, cũng như áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác.
Được chính quyền quan tâm, người dân ủng hộ, Doanh nghiệp Vạn Đạt cũng hăng hái đầu tư cho vùng nguyên liệu bằng việc cho dân vay vốn mua giống với số tiền 4.150.000đ/ha và cho vay mua phân bón để chăm sóc. Từ diện tích 102 ha ban đầu trồng thử nghiệm, cây sống, cây chết, quy đông đặc lại chỉ còn 60 ha năm 2003, diện tích tre măng Bát Độ ở Trấn Yên dần nhích lên 200 ha năm 2004, rồi lên trên 300 ha năm 2005.
Bước sang năm 2006 khi nhà máy chế biến măng của Doanh nghiệp Vạn Đạt ổn định sản xuất, măng được Công ty mua toàn bộ với giá cả ổn định thì người dân càng phấn khởi trồng. Nhờ vậy mà diện tích tăng mạnh, năm 2006 trồng mới 274 ha, năm 2007 trồng mới 332,6 ha, năm 2008 này toàn huyện trồng thêm được 78,6 ha. Nửa chặng đường của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện 2005-2010, toàn huyện đã hoàn thành việc trồng mới 1.025 ha tre măng Bát Độ với ba vùng tập trung gồm: Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành, Kiên Thành, Quy Mông, Y Can và Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh.
Đến nay, trên 900 ha đã cho thu hoạch, trong đó: năm 2005 đạt gần 500 tấn măng tươi giá trị thu gần 600 triệu đồng; năm 2006 thu hoạch trên 2.000 tấn măng tươi, giá trị trên 2 tỷ đồng; năm 2007 sản lượng đạt gần 6000 tấn, giá trị trên 6 tỷ đồng và đến thời điểm đầu tháng 10/2008, nông dân trong huyện đã thu hoạch 10.000 tấn măng tươi, ước đạt giá trị trên 10 tỷ đồng.
Những ngọn măng tua tủa bật đất vươn lên như chính khát vọng sống, khát vọng làm giầu của người dân, chúng tôi hiểu niềm vui của cán bộ và người dân Trấn Yên đến từ cây tre măng Bát Độ. 1.025 ha, đầu tư hết 12 tỷ đồng, 3 năm thu hoạch đã bán được 18 tỷ đồng. Dân có việc làm, có thu nhập, có đời sống khá, lại thêm môi trường, tài nguyên đất, nước được bảo vệ.
Có lẽ không có cây trồng nào phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác của nông dân miền núi, đầu tư ít, nhanh cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài, sản phẩm dễ bảo quản, lợi ích kinh tế cao như loại cây này và đó cũng chính là cơ sở để huyện Trấn Yên tiếp tục xây dựng kế hoạch trồng thêm 1000 ha tre măng nữa tại các xã, các thôn bản vùng sâu, vùng xa trong huyện.
Lê Phiên
Các tin khác
Ngày 28-10, Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép từ 5% xuống còn 0%.
Bất chấp việc giá dầu thế giới giảm kỷ lục; bất chấp những kỳ vọng và kể cả sự ta thán của người tiêu dùng, ngày 27.10 các DN kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn án binh bất động.
Tháng 10 và 11 là thời gian cao điểm dự trữ hàng bán tết. Một số công ty lớn đã công bố sản phẩm mới phục vụ tết với mức giá rẻ hơn khoảng 5 – 10% so với hiện nay. Trong lúc đó, thực phẩm Trung Quốc đang bị tẩy chay vì vụ bê bối melamine, sẽ vắng bóng trong mùa tết này.
YBĐT - Ngày 27/10, Ban chỉ đạo chính sách nhà ở tỉnh Yên Bái, đất ở tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện công tác 9 tháng đầu năm 2008 và nhiệm vụ các tháng còn lại trong năm. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chính sách nhà ở, đất ở tỉnh Yên Bái.