Yên Hợp làm gì để cây chè là cây chủ lực xóa nghèo?
- Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với nền kinh tế thuần nông nên xã Yên Hợp (Văn Yên - Yên Bái) gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ hộ nghèo ở Yên Hợp đã giảm đáng kể nhờ phát triển mạnh chăn nuôi, trồng trọt, thâm canh lúa hai vụ bằng các giống lúa cho năng suất cao; chú trọng cải tạo diện tích chè già cỗi trồng thay thế các giống mới như LDP1 và Phúc Vân Tiên... Với những cố gắng về mọi mặt trong phát triển kinh tế, Yên Hợp phấn đấu xoá nghèo toàn bộ vào năm 2015.
Nhân dân xã Yên Hợp thu hái chè.
|
Xác định được khó khăn lớn nhất của người dân là thiếu vốn, xã cùng với các tổ chức đoàn thể đã đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho các hộ dân được vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Cho đến nay dư nợ đạt trên 3 tỷ đồng. Đồng vốn được sử dụng hiệu quả đúng mục đích đã mang lại hiệu quả thiết thực từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Nhiều hộ gia đình đã hình thành mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn thôn Khe Hóp phát triển chăn nuôi lợn với quy mô mỗi lứa từ 50 - 70 con; gia đình ông Đỗ Trung Kiên thôn Quang Mạt, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Hạnh thôn 3 hay Vũ Văn Giang, Vũ Thị Thơm bản Trái Đó... phát triển chăn nuôi, trồng rừng cho thu nhập cao. Trung bình mỗi năm Yên Hợp xoá nghèo được từ 40 hộ trở lên.
Ông Tạ Quang Thanh - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: hầu hết các hộ thoát nghèo đều đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp và việc sử dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế như chăn nuôi, trồng chè, trồng rừng, đi lao động xuất khẩu... Được biết, năm 2006 Yên Hợp có 27 lao động đi xuất khẩu lao động và là một trong những xã có số người đi lao động xuất khẩu nhiều nhất ở Văn Yên, song từ năm 2007 trở lại đây con số này giảm đột ngột và thậm chí trong năm 2008 còn chưa được trường hợp nào. Đây cũng là vấn đề mà xã trăn trở và đang tìm hiểu nguyên nhân, biện pháp để khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, là một trong những xã có diện tích chè lớn nhất của Văn Yên, vì thế xã xác định ngoài phát triển chăn nuôi, thâm canh cây lúa thì chè sẽ là cây chủ lực để người dân thoát nghèo. Cả xã có 10 thôn, bản với 3.678 khẩu, 822 hộ thì diện tích chè có ở 75 - 80% số hộ. Trong số đó có khoảng 35% số hộ sống nhờ cây chè. Hiện cả xã có 80 ha chè kinh doanh. Trong vài năm gần đây Yên Hợp đã đẩy mạnh việc trồng chè giống mới thay thế diện tích chè trung du già cỗi. Hàng năm, diện tích chè trồng mới luôn đạt và vượt kế hoạch giao.
Năm 2007, trồng thay thế 21 ha, năm 2008 trồng được 25 ha chủ yếu là giống chè Phúc Vân Tiên và LDP1. Các thôn có diện tích chè lớn như: thôn Yên Dung 1, Yên Thành, Chè 3. Mặc dù đã gần cuối vụ song chè ở đây vẫn lên xanh tốt nhất là ở những diện tích chè giống mới. Yên Hợp cũng đã khảo sát tiềm năng đất có thể cải tạo chuyển đổi sang trồng chè là khoảng 100 ha.
Với việc phát triển tốt diện tích chè hiện có cũng như cải tạo và trồng mới quỹ đất còn lại chắc chắn Yên Hợp sẽ tạo được vùng nguyên liệu chè cần thiết cung cấp cho các nhà máy, đó cũng là điều kiện thuận lợi để xoá nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển cây chè ở Yên Hợp đã và đang gặp những khó khăn, đặc biệt là việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chè.
Được biết, trước đây xã đã đứng ra hợp đồng với các nhà máy chè trong vùng để tiêu thụ sản phẩm cho người dân, song một hai năm trở lại đây đều phải bán cho tư thương, vì thế việc ép cấp, ép giá là điều khó tránh khỏi. Hộ ông Trương Mạnh Hùng, bà Đỗ Thị Bình ở thôn Chè 3 hết sức trăn trở về vấn đề này. Mỗi lứa chè gia đình ông bà thu hái trên dưới 2 tấn chè, song giá cả lại rất bấp bênh. Nguyện vọng của gia đình ông Hùng, bà Bình cũng như các hộ dân làm chè ở Yên Hợp là làm sao có nơi tiêu thụ chè ổn định để yên tâm làm ăn và thỏa đáng với công sức và chi phí bỏ ra khi tiền vật tư nông nghiệp, công thuê thu hái chăm bón đều rất cao…
Có lẽ đây cũng là vấn đề mà Đảng ủy, chính quyền xã Yên Hợp cần lưu tâm để chủ trương lấy cây chè làm cây chủ lực để thoát nghèo được thực sự hiệu quả.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Được thành lập năm 1998, với chức năng nhiệm vụ là huy động tiền gửi tiết kiệm và cho thành viên vay vốn để phát triển kinh tế. Khi mới thành lập Quỹ tín dụng (QTD) nhân dân thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) chỉ có 54 thành viên tham gia với số vốn điều lệ 32 triệu đồng, trụ sở làm việc phải nhờ nhà dân. Vậy mà, chỉ qua 10 năm hoạt động QTD nhân dân Cổ Phúc được đánh giá là hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ nay đến hết ngày 31/12/2008, Bộ này sẽ tổ chức đợt tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
YBĐT - Trên 245 tỷ 700 triệu đồng là doanh số cho vay mà Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã thực hiện được từ đầu năm 2008 đến nay, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, doanh số cho vay hộ nghèo chiếm 35% doanh số cho vay và tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước.
YBĐT - Sản lượng ngô tăng 4.600 tấn so với năm 2007 / Huyện Yên Bình thử nghiệm mô hình nuôi gà an toàn sinh học / Khảo nghiệm cơ bản nhiều giống lúa trong vụ mùa năm 2008