Nan giải bài toán cứu “Thép”

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/11/2008 | 12:00:00 AM

Cuộc họp giữa các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước với đại diện Bộ Công Thương, ngày 10/11, trong sự tranh luận gay gắt giữa các bên vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nhằm cứu một nửa doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang bên bờ phá sản.

Trong lúc này, lượng thép tồn đọng các loại tại các doanh nghiệp sản xuất và thương mại đã lên tới 2-3 triệu tấn và số lỗ cầm chắc do giá thép thế giới “rớt” và trả lãi suất ngân hàng đã lên tới 2 tỷ USD.

Mâu thuẫn quyền lợi

Tại cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường và một loạt doanh nghiệp khác như Hoà Phát, Đình Vũ, Nam Vang… đã đề nghị sử dụng công cụ thuế để bảo hộ ngành sản xuất phôi thép ở trong nước. Cụ thể Hiệp hội đề nghị nâng thuế nhập khẩu phôi thép từ mức 2% như hiện nay lên mức 20%; thép cuộn cán nguội từ 7% lên 9%; thép cuộn cán nóng từ 05 lên 10% và thép xây dựng lên 25%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp lại khẳng định, giải pháp nâng thuế nhập khẩu lên để bảo hộ ngành sản xuất phôi thép trong nước cần được xem xét thật cẩn thận trong mối tương quan đảm bảo lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất phôi thép và doanh nghiệp cán thép; giữa doanh nghiệp thép và các doanh nghiệp xây dựng, và cơ khí, cũng như giữa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với quyền lợi tối thượng của người tiêu dùng.

Đại diện thép Việt-Australia cho rằng: Việc tăng thuế nhập khẩu phôi thép sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp khác và quyền lợi trực tiếp được dùng thép giá rẻ của khách hàng. Thêm vào đó, thuế tăng dẫn tới giá thành sản xuất của nhiều ngành sản xuất sử dụng thép làm nguyên liệu đâù vào tăng, dẫn tới không kích cầu được đầu tư xây dựng. Trong nhiều trường hợp, đây sẽ là nguyên nhân dẫn tới lạm phát.

Bản thân doanh nghiệp nhà nước như Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) cũng cho rằng: Mặc dù đời sống của hơn 17.000 người lao động của Tổng công ty có thế bị ảnh hưởng khi sản xuất thép bị đình đốn nhưng Tổng Công ty cũng không tham gia vào danh sách các doanh nghiệp kiến nghị lên Chính phủ tăng thuế nhập khẩu phôi thép và các sản phẩm thép bởi đây là giải pháp ngắn hạn và không giải quyết được triệt để vấn đề. Hơn nữa, việc tồn đọng phôi thép và các sản phẩm thép dẫn tới thua lỗ như hiện nay là do trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất và thương mại đã tính toán nhu cầu thụ thép sai lệch, không nhạy bén với biến động kinh tế thế giới và trong nước, kinh doanh theo phong trào. “Trên thực tế, Việt Nam vẫn là nước phải nhập khẩu phôi thép do sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Vì vậy, giải pháp nâng thuế chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn và phải tính toán dựa trên quyền lợi lâu dài của doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cán thép”, Trưởng phòng Xuất Nhập khẩu của VNS Lại Quang Trung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với các doanh nghiệp “nhìn xa trông rộng này”, ông Nguyễn Văn Thắng, Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công nghiệp nhấn mạnh: Tập hợp kiến nghị tăng thuế nhập khẩu của Hiệp hội Thép chỉ mới dừng lại ở việc tập hợp quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất phôi thép, chưa tính toán đến lợi ích toàn cục của cả ngành thép và cả nền kinh tế.

Bản thân Chủ tịch Hiệp hội Thép cũng thừa nhận thực sự bối rối do Hiệp hội không thể thống nhất quyền lợi của các nhóm để đưa ra một giải pháp cân bằng hiệu quả cứu cánh cho “thép”.

Giải pháp cần dài hơi

Việc “lời ăn, thua chịu” là việc mà các doanh nghiệp phải chấp nhận trong nền kinh tế hội nhập. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp sản xuất phôi thép và sản xuất thép trong nước, theo VNS, việc cần làm trước mắt không chỉ nên dừng lại ở việc điều chỉnh thuế mà chính là việc khơi thông “đầu ra” cho sản xuất thép. Lượng thép tồn như hiện nay ngoài các nguyên nhân chủ quan do dự báo của doanh nghiệp chưa sát với tình hình thì còn do chính sách quản lý vĩ mô.

Đại diện thép Hoà Phát cũng cho rằng: Nhu cầu tiêu thụ thép giảm xuống còn 1/3 so với bình thường do đình hoãn các công trình xây dựng để kiểm soát lạm phát khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp. Vì vậy, Chính phủ cần có các giải pháp để kích cầu đầu tư xây dựng các công trình có hiệu quả kinh tế để tăng tiêu thụ thép. Trong tình hình khó khăn hiện nay, việc lập ra một quỹ bình ổn thép là điều rất khó khăn do cần đến một lượng vốn lớn. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách giãn nợ, giãn thuế cho doanh nghiệp để doanh nghiệp sản xuất phôi thép có thể trụ vững trong điều kiện khó khăn hiện nay. Hơn nữa, việc có các chính sách hỗ trợ kịp thời không chỉ cứu nền sản xuất phôi thép non trẻ của Việt Nam mà còn giúp hạn chế tác động nặng nề đến nền kinh tế do các dự án đầu tư sản xuất phôi thép phải vay vốn lớn từ các ngân hàng.

Về lâu dài, đại diện VNS cho rằng: Các doanh nghiệp trong nước cần liên kết lại để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí giá thành sản xuất bằng việc đầu tư sản xuất quy mô lớn. Hiện tại, do sản xuất manh mún và quy mô nhỏ, chi phí sản xuất phôi thép ở Việt Nam cao hơn gần gấp 2 so với thế giới. Loại trừ các yếu tố bán phá giá thì 1 tấn thép Trung Quốc bán sang Việt Nam đã phải chịu thuế VAT và thuế nhập khẩu khá cao nhưng vẫn rẻ hơn giá phôi thép trong nước.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhấn mạnh: Khó khăn của doanh nghiệp thép còn dài và rất khó dự báo, doanh nghiệp phải tự cứu mình là chính, nhất là trong tình hình nền kinh tế thế giới và Việt Nam có dấu hiệu giảm phát. Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phôi thép nhưng quan điểm của Bộ Công Thương là sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu để bảo hộ ngành sản xuất phôi thép-ngành sản xuất thượng nguồn. Tuy nhiên, Hiệp hội, các doanh nghiệp và các vụ liên quan của Bộ Công Thương cần tính toán lại lượng tồn kho thực tế để Bộ có giải pháp phù hợp đảm bảo cân bằng quyền lợi của các bên.

(Theo VOV)

Các tin khác
Cánh đồng Bắc Giang bị ngập nước trong trận mưa lịch sử vừa qua.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nguy cơ thiếu giống để khôi phục sản xuất sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, đặc biệt là giống lúa cho vụ đông xuân tới.

Từ 25/11, tăng thuế nhập khẩu gas lên 5%

Bộ Tài chính vừa có quyết định điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khí hóa lỏng từ 0% lên mức 5%. Mức thuế mới này sẽ được áp dụng từ ngày 25/11 tới.

Quả sơn tra bày bán ở chợ Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ). (Ảnh: H.N)

YBĐT - Những năm qua phường Trung Tâm, thị xã nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%/ năm. Trong mục tiêu phát triển, phường xác định: lấy phát triển là thương mại dịch vụ làm trọng tâm và khai thác tốt tiềm năng tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp để tạo bước đột phá kinh tế cho 1.608 hộ dân trong phường.

YBĐT - Là huyện có địa bàn rộng, với 28 xã và 3 thị trấn nông trường, thế mạnh của Văn Chấn (Yên Bái) là sản xuất chế biến (SXCB) chè. Số thu Ngân hàng chính sách (NSNN) từ ngành chè chiếm từ 70 – 80% số thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (NQD).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục