Yên Bái: Hãy thận trọng trong việc phát triển cây cao su

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, ngoài việc bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, mỗi năm còn trồng mới từ 12-13 ngàn ha rừng. Đến nay toàn tỉnh đã có 200 ngàn ha rừng kinh tế, hàng vạn hộ dân đã và đang sống bằng nghề rừng. Từ những thực tế đó thì việc luôn tìm tòi đưa cây gì, con gì vào sản xuất mang lại hiệu quả là việc làm hết sức cần thiết.

Cây cao su trồng ở xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La).
Cây cao su trồng ở xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La).

Kinh tế đồi rừng, nhất là việc trồng rừng kinh tế của người dân trong những năm qua đã mang lại những hiệu quả nhất định. Người dân huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên trồng rừng và phát triển rừng đã trở thành một nghề chính. Đối với các huyện vùng cao như Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải nay cũng đã biết trồng rừng kinh tế.

Trồng và phát triển nghề rừng trong thời gian qua là không ai có thể phủ nhận được, tuy nhiên giá trị kinh tế từ rừng kinh tế mang lại hiệu quả chưa cao. Cơ cấu giống trồng rừng kinh tế mới chủ yếu tập trung vào tập đoàn cây nguyên liệu giấy như: keo, bạch đàn, bồ đề… mức đầu tư chăm sóc còn hạn chế, năng suất thấp. Trong chế biến chủ yếu là thủ công, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ lẻ và chế biến thô giá trị thấp. Ngoài ra, hiện nay toàn tỉnh còn trên 109 ngàn ha đất rừng chưa sử dụng tập trung tại huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên và Trấn Yên.

Trước những thực tế đó, vừa qua Tập đoàn Cao su Việt Nam đã có buổi làm việc với tỉnh Yên Bái về việc đầu tư phát triển và trồng cây cao su ở Yên Bái với diện tích khoảng 10 ngàn ha. Trước mắt trong năm 2009, Tập đoàn Cao su Việt Nam nghiên cứu đưa vào trồng thử nghiệm 500 ha. Việc Tập đoàn cao su Việt Nam đầu tư phát triển cây cao su tại Yên Bái là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp của tỉnh. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu sử dụng cao su trên thế giới rất lớn, cùng với giá mủ cao su đang tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, việc đưa cây cao su vào trồng ở Yên Bái cũng còn có những băn khoăn nhất định.

Cây cao su không xa lạ gì với người dân vùng Tây Nam bộ, nhưng với các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Yên Bái thì quả là mới mẻ. Trong vài năm trở lại đây, cây cao su đã được trồng ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai… nhưng trong thực tiễn trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và chỉ đạo vẫn còn nhiều hạn chế. Đến nay vẫn chưa xác định được bộ giống thích hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết từng vùng.

 

Trong những năm đầu kiến thiết cơ bản, cây cao su đòi hỏi chế độ chăm sóc rất khắt khe.

Bởi cây cao su yêu cầu sinh thái khá khắt khe, nhiệt độ thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển tốt từ 20-30 độ; dưới 18 độ cây sinh trưởng kém; dưới 10 độ cây héo, rụng lá; dưới 5 độ hoặc có sương muối dài ngày cây chết; lượng mưa thích hợp từ 2000-3000 mm/năm và rải đều trong năm; số giờ nắng trung bình trên 1.600 giờ/năm. Đất đai cần phải có độ dày canh tác tốt nhất 100 cm, hàm lượng mùn 1,5%, độ cao địa hình phải dưới 600m so với mực nước biển và độ dốc dưới 25 độ… Trong khi đó nhiệt độ trung bình ở Yên Bái bình quân 19-23 độ C, thấp hơn yêu cầu ngoại cảnh của cây cao su từ 5-10 độ C; lượng mưa, số giờ nắng, gió đều không đáp ứng được cho cây cao su.

Như vậy, Yên Bái không có những thuận lợi cơ bản để trồng và phát triển cây cao su. Một yếu tố nữa, địa hình đặc trưng của Yên Bái là núi cao, đất dốc, chia cắt mạnh, diện tích canh tác khó tập trung. Một số vùng có đất trồng với diện tích lớn nằm ở các huyện phía Tây thì đều nằm trên cao trình 600 m so với mực nước biển. Diện tích đất còn trống hiện có chủ yếu là đất Feralit, có tầng dày trung bình 50-70cm… Như vậy, muốn quyết tâm trồng cao su bắt buộc phải chuyển đổi một số cây trồng khác thì mới đủ quỹ đất. Cơ sở hạ tầng kém phát triển dẫn đến xuất đầu tư và giá thành sản xuất cao hơn các vùng khác.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế và trình độ canh tác của người dân khó đáp ứng được yêu cầu. Một vấn đề đáng lưu ý nữa là muốn có diện tích lớn phù hợp với ngoại cảnh của cây cao su buộc phải chuyển đổi diện tích rừng trồng kinh tế vùng thấp. Những diện tích này phần lớn đã giao cho các hộ dân, Công ty lâm nghiệp đang trồng và khai thác rừng bằng các loại cây nguyên liệu giấy, chuyển đổi sẽ rất tốn kém. Cây cao su đưa vào trồng nếu đảm bảo các yếu tố ngoại cảnh, cây thích hợp phát triển tốt và cho mủ thì cũng phải 10-12 năm sau mới cho thu hoạch, khi cây trưởng thành, mỗi năm 1 ha cao su cho thu 1-1,2 tấn mủ/năm, với sản lượng này bán với giá hiện nay cho thu 28-30 triệu đồng/ha (đấy là thành công). Một con số không phải quá hấp dẫn so với trồng rừng kinh tế.

Nếu 1 ha trồng rừng kinh tế bằng các giống tiến bộ có chu kỳ khai thác 4-5 năm cho thu 100-120 m3 gỗ, bán với giá thị trường cũng thu ngót trăm triệu đồng. Dẫu giá trị kinh tế thu từ rừng có kém hơn chút đỉnh, nhưng xuất đầu tư thấp, không đòi hỏi kỹ thuật cao, mọi người dân đều có thể làm được.      

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là cần thiết, nhưng trước khi đưa vào trồng đại trà, thiết nghĩ chúng ta cũng cần khảo sát, đánh giá sát thực tế bằng những luận cứ khoa học và tiến hành trồng thử nghiệm, chứ không nên làm theo phong trào. Vẫn biết để kiểm chứng một giống cây trồng trong lâm nghiệp, nhất là cây cao su cần phải có thời gian 5-7 năm, đó là quãng thời gian dài. Dài nhưng chúng ta vẫn phải làm, bởi những thất bại của cây thầu dầu ve, cây trẩu rồi đến cà phê, dứa là những bài học nhãn tiền vẫn còn nguyên giá trị.

Hiền Lương

Các tin khác

Ngày 13-11, Ngân hàng đầu tư và phát triển VN (BIDV) công bố giảm lãi suất cho vay VND thêm 1%/năm và USD giảm 0,5%/năm, áp dụng từ 17-11.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng vừa có công văn giao Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam thực hiện kiểm toán độc lập Chương trình phát triển 40.000ha cà phê chè vay vốn AFD, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Do người dân không chú trọng đầu tư vào cây chè, nên sản lượng chè của Nhà máy Chè Tuấn Điệp giảm 1/3 so với năm 2007.

YBĐT - Người dân ở xã Chấn Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) bắt đầu trồng chè từ 1968 ở 12/12 thôn trong xã. Nhờ cây chè mà đời sống của nhân dân nơi đây từng bước được khởi sắc. Tuy nhiên, hiện nay do giá vật tư tăng cao nhưng giá chè bán ra thị trường thấp nên người dân đã không chú ý việc đầu tư thâm canh chè.

Giống lúa Văn Hương trên đồng đất Văn Yên (Yên Bái).

YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi, diện tích gieo cấy lúa không phải là nhiều, diện tích ruộng manh mún, ruộng xấu. Làm gì để đảm bảo cân đối lương thực trên địa bàn tiến tới sản xuất lúa, gạo hàng hoá là điều luôn được các cấp, ngành quan tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục