Chấn Thịnh: Giá vật tư tăng, cây chè bị bỏ rơi
- Cập nhật: Thứ năm, 13/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người dân ở xã Chấn Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) bắt đầu trồng chè từ 1968 ở 12/12 thôn trong xã. Nhờ cây chè mà đời sống của nhân dân nơi đây từng bước được khởi sắc. Tuy nhiên, hiện nay do giá vật tư tăng cao nhưng giá chè bán ra thị trường thấp nên người dân đã không chú ý việc đầu tư thâm canh chè.
Do người dân không chú trọng đầu tư vào cây chè, nên sản lượng chè của Nhà máy Chè Tuấn Điệp giảm 1/3 so với năm 2007.
|
Từ đầu năm 2008 đến nay, người dân trồng chè ở Chấn Thịnh không mặn mà với việc đầu tư chăm sóc, phát triển cây chè. Nguyên nhân là do giá chè búp tươi không ổn định lên xuống thất thường; giá phân bón tăng quá cao. Trước đây, nhờ cây chè mà gia đình ông Hoàng Văn San ở thôn Cao 1 đã mua được xe máy, ti vi, làm được nhà. So với trồng lúa thì thu nhập cao hơn hẳn lại không vất vả. Nhưng năm nay giá chè xuống thấp (dao động từ 15 đến 25 nghìn đồng/10kg chè), song giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao nên ông San đã bỏ mặc nương chè không chăm sóc.
Ông Hà Văn Bình ở thôn Bồ, có 5 sào chè là nguồn thu nhập chính cho gia đình. Tuy nhiên, đó là chuyện của những năm trước đây, còn hiện tại hơn 5 sào chè của gia đình đang phải sống chung với rất nhiều cỏ dại.
Theo ông Bình, nếu đầu chăm sóc thì lỗ nhiều lắm. Nhìn nương chè đang cằn cỗi từng ngày của gia đình ông Trần Văn Gớm ở thôn Dày, mà không khỏi chạnh lòng. Những năm trước, nương chè của ông cho thu hoạch 2,3 tạ chè búp tươi một đợt hái nhưng giờ đây cũng chỉ được vài chục kg. Do giá phân bón và thuốc sâu tăng cao gấp 2,3 lần so với trước nên tiền thu hái chè không đủ để gia đình anh đầu tư chăm sóc. Ông Gớm tâm sự: “Bây giờ giá phân bón tăng quá cao mà giá chè thì vẫn không tăng. Sau khi hoạch toán trừ các loại phân bón, thuốc trừ sâu... thì lợi nhuận thu về cho gia đình chỉ hoà vốn và thậm chí còn lỗ ngày công nên gia đình tôi không đầu tư phân bón nữa”.
Hiện toàn xã Chấn Thịnh có diện tích trên 300ha chè. Cùng với những giống chè trung du, người dân đã đưa nhiều giống chè mới vào trồng như: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều thôn trước đây chè đã cho năng suất 12-15 tấn/1 ha. Còn từ đầu năm 2008 đến nay gần như bị các hộ bỏ quên nên năng suất chè đạt khoảng 6 tấn/ha.
Theo tính toán của người dân, nếu đầu tư 1 ha chè mỗi năm phải mất từ 1,5 tấn phân NPK nhân với giá 4,5 ngàn đồng/1kg = 6,750 triệu đồng; 6 tạ đạm nhân với giá 9 ngàn đồng/1kg = 5,4 triệu đồng +500 ngàn đồng tiền thuốc trừ sâu +500 ngàn đồng tiền công tổng = 12 triệu 2 trăm ngàn đồng. Năng suất đạt 6 tấn nhân với giá 2 ngàn/1kg chè búp thì trừ chi phí, mỗi năm người dân còn bù lỗ thêm 200 ngàn đồng.
Ông Nguyễn Văn Tâm-Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có 7 nhà máy và xưởng thu mua chế biến chè tươi, công suất bình quân 10 tấn chè tươi/ngày. Nhưng từ đầu năm đến nay người dân không chú trọng đầu tư nên lượng chè đã giảm hẳn, cùng với một số giá vật tư tăng vượt nên đã có 4 nhà máy ngừng hoạt động”. Khó khăn của người dân trong việc giá cả vật tư tăng vọt đã làm cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh chè gặp khó khăn. Ông Trần Ngọc Điệp-Giám đốc Nhà máy chè Tuấn Điệp băn khoăn: “Giá cả lạm phát, bà con bỏ chè, không đầu tư chăm sóc, nhà máy đã đi mua chè ở các xã khác nhưng sản lượng của nhà máy đã giảm 1/3 so với năm 2007”.
Để cây chè trở thành cây chủ lực và hướng xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trong xã thì ngay từ bây giờ UBND xã cần khuyến khích nhân dân tiếp tục chăm sóc cây chè, đồng thời có các biện pháp và tạo điều kiện hỗ trợ về vật tư phân bón, thuốc trừ sâu. Mở các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng chè mới, nhanh chóng có chương trình ký kết bao tiêu sản phẩm các cơ sở chế biến để người dân tiếp tục phát triển cây chè.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi, diện tích gieo cấy lúa không phải là nhiều, diện tích ruộng manh mún, ruộng xấu. Làm gì để đảm bảo cân đối lương thực trên địa bàn tiến tới sản xuất lúa, gạo hàng hoá là điều luôn được các cấp, ngành quan tâm.
Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam vừa có quyết định bỏ phụ thu phí nhiên liệu 3% đối với cước vận tải hàng hóa, áp dụng từ 0 giờ ngày 15-11 do giá dầu diezel đã giảm.
Tổng công ty Thép VN (VNSteel) trụ sở phía Nam tiếp tục giảm thêm 950.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và thép cây so với mức giá cuối tháng mười. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy giữ mức 10,1-10,2 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 10,4 triệu đồng/tấn.
Đề án điều chỉnh giá cước điện thoại nội hạt mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa trình Chính phủ sẽ tiến tới xóa bỏ ranh giới vùng miền giữa 63 tỉnh, thành trên cả nước và cũng là cách để tận dụng kho số một cách hiệu quả.