Yên Bái: Để nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nghị quyết TW 7 (khoá X) khẳng định: Nông nghiệp là cơ sở, nông thôn là địa bàn và nông dân là lực lượng đông đảo đóng góp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta và phải được giải quyết đồng bộ.

(Ảnh: Thanh Phúc)
(Ảnh: Thanh Phúc)

Vị trí đặc biệt của nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Ở Yên Bái, dân số nông thôn chiếm 80% và 76% lao động thì nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đưa giá trị tài sản cố định ngành nông nghiệp hiện nay lên 165.563 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp năm 2006 tăng 13%, năm 2007 tăng 15%. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 3 năm trở lại đây bình quân mỗi năm tăng 52-53 tỷ đồng; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm hiện nay chiếm tỷ trọng 36,58%, trong khi công nghiệp là 29,49%, dịch vụ là 33,93%; lương thực bình quân tăng trên 5000 tấn/năm.

Các thế mạnh về cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, lâm nghiệp tiếp tục được phát huy, làm cho nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Vùng chè mỗi năm sản xuất 65.000 -70.000 tấn, chế biến được 14.000-15.000 tấn chè thương phẩm. Với chương trình phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, bò cho hộ nghèo... nên tổng đàn gia súc chính tăng từ 3-4%/năm. Mỗi năm trồng mới 12.000 ha rừng, khai thác hàng năm từ 140.000-150.000 m3 gỗ rừng trồng; tỷ trọng lâm nghiệp chiếm 45-46% trong giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp. Cơ sở hạ tầng  nông thôn đã được quan tâm đầu tư thông qua các chương trình, dự án, ngân sách tỉnh và đầu tư của nông dân.

Cơ cấu kinh tế nông thôn đã có chuyển biến, giảm dần số hộ nông nghiệp, tăng số hộ làm ngành nghề, dịch vụ. Số hộ thuần nông năm 2007 giảm hơn 2% so với năm 2001, hộ hoạt động thương nghiệp tăng 1,5%, hộ làm công nghiệp tăng 0,1%, hộ dịch vụ tăng 0,7%. Hàng năm có khoảng 1,4 vạn cư dân nông thôn bước vào độ tuổi lao động, tạo ra đội quân lao động hậu bị dồi dào cho các ngành kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần nông dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm được 4%, số hộ nghèo của 6 huyện, thị vùng thấp còn 23,4%.

Tồn tại trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân hiện nay

Trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn nhiều bất cập, dẫn đến hạn chế quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH). Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, phân tán; năng suất lao động , năng suất cây trồng, vật nuôi và tỷ suất hàng hoá thấp. Bình quân lương thực đầu người mới đạt 291 kg, thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực. Tỷ trọng hàng hoá nông lâm sản xuất khẩu mới chiếm 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Đầu tư cho nông nghiệp chỉ bằng già nửa đầu tư cho công nghiệp (15% và 25% ). Thế mạnh về cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc chưa có bước đột phá mạnh, chè xuất khẩu vẫn ở dạng thô. 3 năm trở lại đây, giá trị chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành chỉ ở mức 21%. Trồng rừng quảng canh là chủ yếu, nên sản lượng gỗ chỉ bằng 50-60% rừng thâm canh. Nhìn chung, nông nghiệp phát triển chưa bền vững, khả năng thích ứng, đối phó với thiên tai rất hạn  chế.

Quá trình thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn còn  nhiều lúng túng, bước đi chưa rõ ràng. Đất đai ở vùng cao chưa được quản lý chặt chẽ, một bộ phận đồng bào vẫn thiếu đất sản xuất. Cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ đất đai chưa hoàn chỉnh, nên hạn chế nhiều trong quá trình CNH - HĐH. Nông thôn hiện nay phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thiếu và chất lượng kém; còn trên 1900 km đường chỉ đi được vào mùa khô và mới có khoảng 35% mặt đường được cứng hoá. Nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp, thiếu kinh phí sửa chữa.

Kinh tế nông thôn nặng về thuần nông, hiện còn tới 86% số hộ chuyên nông nghiệp, hộ làm công nghiệp, dịch vụ tăng chậm; hộ làm thuỷ sản, lâm nghiệp so với 5 năm trước có xu hướng giảm (hộ thuỷ sản giảm 0,17%, hộ lâm nghiệp giảm 0,43%). Các nguồn lực trong nông thôn sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, nhất là tài nguyên và nhân lực. Hàng năm, khu vực nông thôn tăng thêm 15-16 vạn lao động (tính cả tăng cơ học), nhưng giải quyết việc làm ổn định còn chiếm tỷ lệ thấp, do công nghiệp mỗi năm mới giải quyết được 1200-1300 lao động. Đây là một trong những vấn đề bức xúc cần sớm có biện pháp giải quyết.

Đời sống vật chất, tinh thần nông dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào vùng cao (bình quân số hộ nghèo của hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải còn tới 60%). Khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị có xu hướng ngày càng giãn cách, tất yếu sẽ dẫn đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển không bền vững.

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân bền vững

Thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Yên Bái phải dựa trên một nền nông nghiệp quy mô lớn thích hợp, đồng thời xây dựng chiến lược, bước đi phù hợp thông qua việc xây dựng các đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân thiết thực, cụ thể. Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hoá các khâu trong sản xuất, để nâng cao năng suất lao động.

Trong phát triển nông nghiệp, vấn đề an ninh lương thực phải đặt lên hàng đầu; chú trọng khai hoang ruộng nước và tăng vụ ở những nơi có điều kiện, nhất là ở vùng cao. Cần có cuộc cách mạng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật rộng rãi trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học để tạo ra một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, có năng suất, chất lượng, tỷ suất hàng hoá cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung đổi mới cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở thế mạnh về cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và lâm nghiệp. Đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích chè, tuyển chọn giống chè nhập nội phù hợp đưa vào sản xuất, phát triển chè đặc sản vùng cao; cùng với đầu tư hoặc liên doanh đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến, tạo ra sản phẩm chè tinh, chất lượng cao.

Tiếp tục thay đổi tập quán chăn nuôi đại gia súc, hướng mạnh vào chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng, số lượng đàn trâu, bò; đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm; phấn đấu giá trị  chăn nuôi chiếm trên 30% giá trị ngành nông nghiệp. Sử dụng có hiệu quả mặt nước đầm, ao, hồ để nuôi trồng thuỷ sản, hướng mạnh vào nuôi các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao.
Cùng với tăng cường bảo vệ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng sản xuất với tập đoàn cây phù hợp (cả cây bản địa, cây gỗ lớn) phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, giấy và xuất khẩu; phấn đấu giá trị sản xuất lâm nghiệp chiếm 48- 50% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trong những năm tới.

Chuyển cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang phát triển kinh tế đa dạng, chú trọng vào công nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều nguyên liệu tại chỗ, các hoạt động thương mại, dịch vụ; có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp nông thôn, các HTX dịch vụ nông nghiệp có hoạt động chế biến,  lưu thông, các loại hình trang trại quy mô sản xuất hàng hoá lớn.

Khuyến khích xây dựng các cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu . Nâng cấp các tuyến đường, cầu nông thôn, bảo đảm đường ô tô đến trung tâm xã trong cả mùa mưa và cứng hoá mặt đường (nhựa, bê tông, rải đá cấp phối…) được 70% như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, tiến tới chủ động tưới tiêu cả hai vụ. Quy hoạch nông thôn phù hợp với sản xuất lớn và mức sống hiện đại, gắn với bảo tồn văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đất đai là vấn đề cốt lõi đối với nông dân và là đối tượng để CNH - HĐH, vì vậy, cần sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kể cả đất lâm nghiệp. Hoàn chỉnh cơ chế chuyển đổi, tích tụ đất đai, để tăng khả năng cơ giới hoá trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH, phân công lại lao động, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông thôn có hiệu quả.

Tiếp tục tăng cường thực hiện quy chế dân chủ để nông dân trực tiếp giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Thực hiện tốt việc liên kết 4 nhà trong sản xuất; tiến tới xóa bỏ trợ cấp cho nông dân thông qua doanh nghiệp bằng phát triển các dịch vụ công. Đào tạo nghề cho nông dân bằng trang bị kỹ năng sản xuất, quản lý nông hộ, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, nắm bắt thị trường. Thành lập trung tâm thông tin thị trường, dự báo thị trường nông sản để nông dân sản xuất có hiệu quả, tránh được rủi ro. Thực hiện bảo hiểm một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, trước tiên là chè, quế, trâu bò… để nông dân yên tâm sản xuất; tiến tới bảo hiểm xã hội cho nông dân. Nông dân cần được xác định như một doanh nghiệp để được hưởng cơ chế, chính sách như các loại hình doanh nghiệp khác.

Nhà nước hướng dẫn, tổ chức nông dân thành các hiệp hội cùng sản xuất, kinh doanh một hay một số loại nông sản, để bảo vệ quyền lợi sản xuất, hưởng cơ chế chính sách và có vị thế trong đời sống chính trị- xã hội. Thu hút các nguồn tài trợ, các chương trình, dự án đầu tư cho khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân trực tiếp tham gia và được hưởng lợi nhiều hơn từ các chương trình, dự án. Chỉ có đặt đúng tầm và giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì nông nghiệp, nông thôn, nông dân mới phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH - HĐH.

Trần Thi - Minh Lý

Các tin khác
Cây cao su trồng ở xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La).

YBĐT - Trong những năm qua, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, ngoài việc bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, mỗi năm còn trồng mới từ 12-13 ngàn ha rừng. Đến nay toàn tỉnh đã có 200 ngàn ha rừng kinh tế, hàng vạn hộ dân đã và đang sống bằng nghề rừng. Từ những thực tế đó thì việc luôn tìm tòi đưa cây gì, con gì vào sản xuất mang lại hiệu quả là việc làm hết sức cần thiết.

Ngày 13-11, Ngân hàng đầu tư và phát triển VN (BIDV) công bố giảm lãi suất cho vay VND thêm 1%/năm và USD giảm 0,5%/năm, áp dụng từ 17-11.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng vừa có công văn giao Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam thực hiện kiểm toán độc lập Chương trình phát triển 40.000ha cà phê chè vay vốn AFD, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Do người dân không chú trọng đầu tư vào cây chè, nên sản lượng chè của Nhà máy Chè Tuấn Điệp giảm 1/3 so với năm 2007.

YBĐT - Người dân ở xã Chấn Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) bắt đầu trồng chè từ 1968 ở 12/12 thôn trong xã. Nhờ cây chè mà đời sống của nhân dân nơi đây từng bước được khởi sắc. Tuy nhiên, hiện nay do giá vật tư tăng cao nhưng giá chè bán ra thị trường thấp nên người dân đã không chú ý việc đầu tư thâm canh chè.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục