Bình Thuận: Khi dân đã hiểu được giá trị của kinh tế đồi rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Có thể nói, một trong những nguyên nhân khiến xã Bình Thuận - một xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn (Yên Bái) phần đông là đồng bào Tày sinh sống còn rất nghèo là do bà con chưa nhận thức được giá trị to lớn của kinh tế đồi rừng.

Nông dân Bình Thuận thu hái chè búp. (Ảnh: Thanh Tân)
Nông dân Bình Thuận thu hái chè búp. (Ảnh: Thanh Tân)

Bao đời nay bà con sống với rừng, ở với rừng mà chỉ biết lên rừng chặt gỗ, đào măng. Thế rồi, măng cũng cạn, gỗ cũng vơi, cùng với đó là việc bảo vệ tài nguyên rừng ngày càng nghiêm ngặt. Không lên rừng lấy gỗ được nữa nên lao động thiếu việc làm; ruộng thì ít, chăn nuôi chưa phát triển, ngành nghề phụ không có, người Bình Thuận chịu nghèo ngay trên quê hương nhiều tiềm năng to lớn.

"Giờ thì khác rồi đồng bào Bình Thuận đã hiểu được giá trị của kinh tế đồi rừng rồi!" đó là lời khẳng định của ông Vũ Trọng Huân - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn khi ông cùng ông Nguyễn Thế Hưng - cán bộ kiểm lâm địa bàn đưa chúng tôi về thăm phong trào trồng rừng kinh tế ở Bình Thuận. Đường về xã tuy không êm thuận lắm nhưng xe ô tải đi tốt, đó là nguyên nhân chính để vận động nhân dân trồng rừng dễ dàng hơn - "Muốn nói gì thì nói, sản phẩm làm ra tiêu thụ dễ, giá cao thì bà con mới hăng hái làm. Ai cũng biết trồng rừng kinh tế, vấn đề khai thác và vận chuyển chiếm một tỷ lệ lớn trong giá thành thì dân sẽ ngại làm" - những cán bộ kiểm lâm đã phân tích với chúng tôi như vậy.

Có đường tốt, mấy mảnh nương bồ đề do người dân trồng tự phát trước đây được các cơ sở chế biến vào trả giá sáu, bảy trăm nghìn đồng một mét khối, lại còn tận dụng được củi đun. Thêm nữa, mấy xã cùng vùng ngoài của huyện Văn Chấn như: Tân Thịnh, Đại Lịch, thị trấn Nông trường Trần Phú... đã phát triển việc trồng rừng từ rất lâu, vì thế mà nhiều hộ trở nên giầu có, lao động có việc làm, đất đai không bạc màu, ruộng đồng không thiếu nước. Lợi ích kinh tế của việc trồng rừng rất rõ nét, bà con Bình Thuận đã hiểu, vừa lúc ấy cán bộ kiểm lâm với nhiệm vụ phát triển vốn rừng tới phối hợp với Đảng bộ, chính quyền và các ngành, đoàn thể trong xã vận động nhân dân trồng rừng kinh tế theo Chương trình 661 của Chính phủ. Cái hay của chương trình trồng rừng này là Nhà nước giúp dân lập hồ sơ, thiết kế, hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ và nhất là cấp không cây giống và phân bón cho dân.

Ông Nguyễn Thế Hưng kể lại: "Giá trị kinh tế thì ai cũng hiểu, lại có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tưởng như việc vận động nhân dân trồng rừng gặp toàn thuận lợi, thực tế không hẳn như thế". Rồi ông giải thích: Trong khi phong trào trồng rừng ở Bình Thuận còn rất mới thì chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng giao rất cao (phấn đấu trồng 300 ha trong năm 2008). Lại còn chuyện vụ rét đậm, rét hại khiến nhiều diện tích keo đã trồng chết khô nên bà con cũng hoảng. Tại các lớp khuyến nông, khuyến lâm tổ chức ở thôn bản, ý kiến phản đối là không ít. Nhưng với quyết tâm của cán bộ kỹ thuật và sự vào cuộc có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, lòng dân rồi cũng yên.

Hơn 300 hộ trong xã đã đăng ký trồng 258 ha rừng kinh tế. Đất được đo đếm cẩn thận, bà con phát, dọn, đào hố, bỏ phân đúng quy cách, xe ô tô chở cây giống keo Úc xanh mượt về tận xã giao cho bà con trồng. Khí thế trồng rừng rất khẩn trương và hăng hái đó đã thúc đẩy hàng trăm hộ nữa ở thôn Rẹ 1, Rẹ 2, thôn Đỗng Hảo... tiếp tục đăng ký trồng rừng, để kết thúc niên vụ trồng rừng 2008 toàn xã Bình Thuận có tới 553 hộ dân, ở cả 20/20 thôn bản trong xã trồng với diện tích 324,44 ha keo.

Chủ tịch UBND xã Bình Thuận - ông Hoàng Công Hữu bộc bạch: "Giờ xã mình mới đẩy mạnh việc trồng rừng là rất thua thiệt, nhưng điều đáng mừng là bà con trong xã đã hiểu được giá trị của kinh tế đồi rừng và tích cực trồng cây lâm nghiệp. Đất đai trong xã còn rất nhiều, theo thống kê vẫn còn hơn 1000 ha đất chưa được sử dụng và rất nhiều mảnh nương, đồi gò trồng tạp nham bụi nứa, cây cọ, khóm sắn... hiệu quả kinh tế rất thấp. Không lâu nữa, đồi núi Bình Thuận sẽ được phủ kín những cây trồng giá trị kinh tế, đời sống bà con Bình Thuận sẽ nâng lên, nạn phá rừng lấy gỗ, làm nương sẽ hết".

Lê Phiên

Các tin khác

Ngày 13/11 đánh dấu đà sụt giảm khủng khiếp của giá dầu thế giới. Cụ thể giá dầu thô đã giảm xuống mức chỉ còn trên 55USD/thùng. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ năm 2007 đến nay.

YBĐT - Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể trong tỉnh làm tốt công tác cho vay ủy thác.

Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường Km 5 - Yên Bình.

YBĐT - Sau nhiều tháng “im hơi, lặng tiếng” do thời tiết, vốn đầu tư hạn chế, biến động của giá cả vật tư, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao và những khó khăn do cơ chế chính sách đem lại... thì những tháng cuối năm này, các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang được các nhà thầu “ khởi động lại” để đảm bảo tiến độ đã đề ra.

YBĐT - Thực hiện Quyết định số 32 ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, qua bình xét từ cơ sở, các xã, thị trấn trong huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã lập danh sách và ký cam kết về phương án sản xuất cụ thể với từng hộ gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục