Làm sao cho “trên tới, dưới thông”
- Cập nhật: Thứ tư, 18/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển trang trại. Mới đây nhất là chính sách hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi lợn.
Mô hình chăn nuôi lợn của một hội viên phụ nữ thôn 5, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên mỗi năm cho thu nhập trên 60 triệu đồng.
|
Theo chính sách này, mỗi trang trại trên 100 con lợn thịt sẽ được tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng. Đây là một chính sách rất thiết thực, đi vào đời sống người dân, thực sự giúp cho nhiều trang trại lớn, nhỏ có bước phát triển mới. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được cũng cần rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.
Tiền mất tật mang!
Chị Lò Thị Thanh, xã Phù Nham, Văn Chấn là một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi năm xuất được vài tấn lợn hơi, sau khi biết được tin có hỗ trợ 30 triệu đồng cho một trang trại có 100 con, chị bàn với chồng đăng ký xin tham gia dự án. Để có đủ 100 con lợn, chị đôn đáo chạy vạy, vay mượn anh em, hàng xóm mỗi người một ít, cắm cả sổ đỏ cho ngân hàng để có đủ tiền đầu tư 100 con lợn giống. Tuy nhiên khi số lợn gần đủ thì gặp một đợt dịch bệnh hoành hành, trong khi đàn lợn hơn 500 con của HTX Nông nghiệp Phù Nham vẫn khoẻ mạnh nhờ được chăm sóc và phòng dịch tốt thì cả đàn lợn mới mua của gia đình chị Thanh cứ lần lượt chết dần cho dù chị đã tốn nhiều triệu đồng để cứu chữa.
Bên khu chuồng trại rộng vài chục mét vuông, chị Thanh than thở: “Giờ không biết lấy gì để trả nợ. Qua đợt này tôi sợ lắm rồi, không dám làm trang trại nữa”. Tâm lý của chị Thanh hoàn toàn có thể hiểu được, trong khi chưa có đủ các điều kiện như: đất đai, có lao động chính, có kinh nghiệm về chăn nuôi lớn và nội lực để đầu tư, vội vã đăng ký dự án chỉ vì 30 triệu đồng hỗ trợ, thất bại là điều khó tránh khỏi. Xã Phù Nham có 3 hộ đăng ký dự án hỗ trợ 30 triệu đồng thì đã có 2 hộ phá sản do không làm tốt khâu phòng dịch, khiến cho các hộ “tiền mất tật mang”, tiền hỗ trợ thì không nhận được, thay vào đó là khoản nợ chồng chất chưa biết đến bao giờ có thể trả được khi nguồn thu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng...!
Người chăn nuôi nghĩ gì?
Một trong những tiêu chí của Đề án hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi là khi đăng ký các trang trại được nhận hỗ trợ phải là những trang trại mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các trang trại đầu tư mới hiệu quả rất thấp, có trang trại chưa thành đã phá sản. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng không thực hiện đúng chính sách, có trang trại đã xây dựng khá lâu, đầu lợn trên 200 con nhưng vẫn được coi là một mô hình mới và nhận tiền hỗ trợ 30 triệu đồng. Mặt khác, số tiền cho Đề án trên cũng không nhiều nên không phải trang trại nào cũng được nhận tiền hỗ trợ.
Anh Nguyễn Huy Tân-thôn 3, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái cũng là một hộ chăn nuôi vừa nhận được 30 triệu đồng tiền hỗ trợ từ Đề án này. Hiện nay, đàn lợn của gia đình anh có trên 200 con lợn thịt và gần 100 con lợn “cắp nách”, trang trại của gia đình đã được đầu tư từ nhiều năm trước. Anh rất mừng vì được Nhà nước quan tâm, nhưng số tiền trên cũng chỉ đủ mua thức ăn cho 1 tháng. Về Đề án hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi của tỉnh, anh lại có một góc nhìn khác. Anh cho rằng, nếu một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ với vài đầu lợn một năm tiềm lực kinh tế không có mà chỉ vì số tiền 30 triệu đồng mà “cố đấm ăn xôi” thì rủi ro rất lớn.
Thực tế số tiền 30 triệu với trang trại trên 100 con chỉ đủ mua thức ăn trong vòng một tháng, nếu như nuôi cho đến lúc xuất chuồng 100 con phải mất khoảng 90 triệu đồng thức ăn, cộng với 65 triệu tiền giống, thêm khoản chi phí làm chuồng trại thì số vốn cần có phải trên 200 triệu đồng. Quan trọng hơn là những hộ chăn nuôi nhỏ thiếu kinh nghiệm, thiếu lao động chính, đất đai..., do đó, nếu có được nhận hỗ trợ thì khả năng thành công cũng sẽ rất thấp. Còn hỗ trợ 30 triệu cho các trang trại đã có sẵn thì cũng không hiệu quả, nếu như thay vào đó là chính sách cho vay vốn ưu đãi để đầu tư quay vòng thì sẽ thiết thực hơn nhiều, hơn nữa lại có thể gắn trách nhiệm người chăn nuôi, đòi hỏi họ phải có nỗ lực, phấn đấu chăm lo cho trang trại. ý kiến của anh Tân cũng là ý kiến chung của nhiều chủ trang trại lớn có mục tiêu phát triển nhanh trang trại của mình.
Sau đợt dịch, trang trại lợn của chị Lò Thị Thanh xã Phù Nham, Văn Chấn chỉ còn lại vài con
“Kinh nghiệm” là đi… ngược tiêu chí!
Yên Bình có thể coi là một huyện thực hiện rất tốt chính sách hỗ trợ phát triển trang trại lợn. Trong một buổi họp báo mới đây, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho hay, năm 2008, Yên Bình có 72 mô hình trang trại mới, trong đó 36 mô hình trang trại lợn được xây dựng mới với đầu lợn trên 100 con từ Đề án hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi của tỉnh. Vì sao chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm mà huyện đã có được kết quả tốt như vậy? Được biết, kinh nghiệm của Yên Bình là lựa chọn những trang trại đã có số đầu lợn lớn, người chăn nuôi có kinh nghiệm, có đất đai rộng, có tiềm lực kinh tế, có lao động... để chọn xây dựng mô hình trang trại. Nhờ đó, hầu hết các trang trại này đều có phát triển tốt, số đầu lợn tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, điều này lại ngược với tiêu chí, mục đích của chính sách hỗ trợ, khi theo Đề án này thì chỉ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có mong muốn phát triển thành trang trại lớn thì mới được nhận sự hỗ trợ; đối tượng áp dụng của chính sách phải là những là những hộ đang cần vốn để xây mới chuồng trại, đầu tư con giống... Việc thực hiện không đúng này cũng ảnh hưởng nhiều đến dư luận người chăn nuôi bởi không phải tất cả trang trại trên 100 đầu lợn nào cũng nhận được tiền hỗ trợ. “Kinh nghiệm” là đi… ngược lại tiêu chí thì cần ngay phải có sự điều chỉnh.
Lời kết
Là một tỉnh miền núi nghèo, thu nhập người dân chủ yếu từ nông nghiệp, chăn nuôi là một hướng phát triển được tỉnh rất quan tâm. Những năm gần đây, nhiều mô hình trang trại chăn nuôi lớn theo hướng sản xuất hàng hoá đã được hình thành, chính sách hỗ trợ 30 triệu đồng cho một trang trại lợn mới trên 100 con của tỉnh là một chính sách rất thiết thực góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế không chỉ ở khu vực nông thôn mà ở cả thành thị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chưa được kiểm soát tốt dẫn đến tình trạng người cần thì không có hoặc chưa xét đến khả năng của các hộ chăn nuôi khi muốn phát triển thành trang trại, lựa chọn không đúng đối tượng cũng như khả năng, tiềm lực của mỗi hộ. Kinh nghiệm cho thấy, để một chính sách tốt thực sự đi vào cuộc sống người dân đòi hỏi phải một quá trình, trong đó không thể thiếu khâu kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện, các tiêu chí đưa ra phải được đảm bảo trong thực tế. Chính sách hỗ trợ phát triển trang trại cụ thể với việc chăn nuôi lợn như trên trong quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, bất cập. Xem xét, điều chỉnh thế nào là câu hỏi xin dành cho các ngành chức năng và cấp có thẩm quyền.
Anh Dũng
Các tin khác
Trên thị trường, một số loại sữa bột ngoại nhập đã được người bán lẻ tăng giá 5.000 - 10.000 đồng/hộp. Lý do được người bán đưa ra khi tăng giá là ngày 20 - 22.2, Cty sữa sẽ chính thức tăng giá sữa thêm 5%.
Các loại hàng tạm nhập, tạm xuất này được lưu lại tại cửa hàng không quá 365 ngày, nếu cần kéo dài thời hạn hàng hóa lưu tại cửa hàng miễn thuế thì cũng không quá 180 ngày cho mỗi lô hàng.
YBĐT - Ngành nông nghiệp và PTNT cũng đang lên kế hoạch phân bổ 350 triệu đồng (cấp cho người dân bằng hiện vật) để hỗ trợ các hộ nghèo của huyện Trạm Tấu sản xuất trên đất ruộng vụ xuân.