Công nghiệp Yên Bái: Đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Cập nhật: Thứ tư, 11/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản, tập trung chế biến sâu theo hướng bền vững, đưa công nghiệp chế biến về nông thôn và thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư một cách thông thoáng là hướng đi của Yên Bái nhằm khắc phục những hạn chế của một tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, tạo ra những đột phá để tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Công nhân Công ty liên doanh Can xi Cacbonat YBB vận chuyển sản phẩm đá hạt xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Yên Bái là tỉnh miền núi nghèo, chủ yếu là sản xuất nông – lâm nghiệp, sức cạnh tranh yếu, nếu không phát triển công nghiệp thì khó có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khó bứt lên. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Hoàng Xuân Lộc trao đổi: “ Để công nghiệp là khâu đột phá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh tập trung quy hoạch phát triển công nghiệp dài hơi; đầu tư xây dựng các khu, cụm sản xuất công nghiệp tập trung và thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản, nông lâm sản theo hướng chế biến sâu, tạo sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh cao!”. Bức tranh công nghiệp Yên Bái những năm gần đây tươi sáng, sôi động với các dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái tiên phong đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất xi măng lò đứng sang lò quay với dự án Nhà máy xi măng 350.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng đi vào sản xuất từ đầu năm 2008. Dự án Nhà máy Xi măng Yên Bình do VINACONEX đầu tư đã đi vào hoạt động với công suất 910.000 tấn/năm, vốn đầu tư 1.860 tỷ đồng. Tài nguyên ở Yên Bái đa dạng, trong đó đá vôi trắng có trữ lượng lớn và độ mịn nhất nhì khu vực Đông Nam Á.
Bám sát định hướng của tỉnh, các dự án đầu tư đã tập trung chế biến sâu nhằm tiết kiệm nguyên liệu và tạo sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Năm 2008, các doanh nghiệp đã chế biến 274.700 tấn bột đá mịn và siêu mịn, 167.800 tấn đá hạt, không còn tình trạng xuất nguyên liệu thô. Trong 13 doanh nghiệp chế biến đá vôi trắng, Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái là đơn vị hàng đầu với 4 dây chuyền sản xuất hiện đại, năng lực chế biến 80.000 tấn/năm. Yên Bái hiện là một trong số ít các tỉnh có thế mạnh về nguyên liệu sản xuất sứ cách điện chất lượng cao.
Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn với thương hiệu và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế đã đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất sứ cách điện chiếm trên 70% thị phần nội địa, 22% sản lượng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, ASEAN và Trung Đông. Nổi bật trong chế biến khoáng sản thời gian qua, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Thương Lượng, là tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về khai thác, chế biến quặng sắt, tập trung thu hút đầu tư chế biến sâu.
Trong các dự án chế biến quặng, Nhà máy Luyện gang thép Cửu Long Vinashin có quy mô vốn 1.750 tỷ đồng, công suất 1 triệu tấn/năm đang được xây dựng tại Khu công nghiệp phía Nam. Đây là dự án sử dụng công nghệ sản xuất thép tiên tiến từ tuyển quặng sắt, sản xuất thép xốp tới luyện - đúc - cán thép bằng quy trình công nghệ khép kín và phù hợp với nguồn nguyên liệu của tỉnh và trong nước, chủ đầu tư phấn đấu đưa dự án vào sản xuất trong năm 2009.
Thuỷ điện nhỏ cũng là lĩnh vực thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư, chiếm tỷ trọng đầu tư lớn trong cơ cấu đầu tư phát triển công nghiệp địa phương. Tỉnh hiện có 16 dự án đầu tư thủy điện nhỏ với tổng vốn trên 4.000 tỷ đồng, tổng công suất gần 200 MW, nhiều dự án đang đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động trong năm 2009 như thủy điện Nậm Đông 3, Nậm Đông 4, Ngòi Hút 1, Hồ Bốn, Mường Kim...
Để đưa công nghiệp chế biến về nông thôn, tỉnh đã quy hoạch các vùng nguyên liệu quế, chè, sắn, nguyên liệu giấy, gỗ nguyên liệu tập trung. Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Ngọc Hân cho biết: “Từ năm 2005 tới nay, tỉnh đã chấp thuận 138 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 8.900 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư phát triển công nghiệp. Yên Bái là tỉnh có tiềm năng thế mạnh về nông lâm sản, hiện đầu tư chế biến nông - lâm sản đã chiếm 25% số dự án đầu tư phát triển công nghiệp ở Yên Bái”.
Cùng với chế biến chè, quế, tinh bột sắn, chế biến gỗ rừng trồng là ngành phát triển mạnh trong ba năm gần đây với 400 doanh nghiệp, hợp tác xã, mỗi năm sản xuất tiêu thụ khoảng 8.000m3 ván ghép thanh xuất khẩu, 330 triệu đôi đũa gỗ, 3.200m3 ván bóc, 1.000m3 ván dán, 13.100m3 ván ô kan... giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Sự vươn lên của công nghiệp huyện, thị cũng là nét mới, giá trị sản xuất khối này đã chiếm trên 1/3 tổng giá trị toàn ngành, nhiều dự án mới như chế biến sắn, gỗ, tinh dầu quế, giấy vàng mã, giấy đế đi vào sản xuất, đặt tại vùng nguyên liệu để tiêu thụ nông- lâm sản và tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Nhận xét chung, tăng trưởng kinh tế của Yên Bái những năm qua duy trì ở mức cao, năm 2008 đạt 12,5%, là có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp. Năm 2009, Yên Bái cũng như các địa phương khác tiếp tục đối mặt với những khó khăn do suy giảm kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh dự kiến từ 12,5 – 13%/năm, công nghiệp xây dựng là 19%, chiếm tỷ trọng 34% trong cơ cấu kinh tế, trong đó công nghiệp là nòng cốt với giá trị sản xuất 2.350 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm trước.
Để đạt được những chỉ tiêu trên, tỉnh kiên trì thực hiện các nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ; đẩy mạnh sản xuất và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, nhất là công nghiệp nông thôn; tăng cường khuyến công, xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng các khu, cụm sản xuất công nghiệp gắn với tuyến cao tốc Côn Minh – Hải Phòng. Ngoài Khu công nghiệp phía Nam (Yên Bình), Cụm công nghiệp Bắc Văn Yên, Đầm Hồng, đầu năm 2009 tỉnh đã công bố quyết định thành lập các cụm công nghiệp: Âu Lâu, Quy Mông, Văn Yên để tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.
Định hướng đúng cùng những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp là cơ sở để một tỉnh miền núi nghèo như Yên Bái khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, vươn lên trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển trong khu vực, tạo đột phá thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XVI đã đề ra.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được ví như một “ốc đảo”, đường đến xã thì có nhưng rất khó đi, do vậy người dân nơi đây thường đi bằng đường thuỷ trên hồ Thác Bà. Giao thông bất tiện, diện tích đất canh tác lại ít, bình quân mỗi nhân khẩu chưa đầy 360m2 ruộng, trình độ dân trí không đồng đều. Dẫu trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế-xã hội nhưng xã vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói, nghèo.
YBĐT - Trong năm 2008, toàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) trồng mới và thay thế 1.700 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng đạt 68%, thu nhập từ rừng ước đạt trên 50 tỷ đồng. Các xã trồng với diện tích lớn, đạt và vượt kế hoạch huyện giao đó là: Hồng Ca, Vân Hội, Việt Hồng, Kiên Thành, Quy Mông, Báo Đáp...
YBĐT - Được đánh giá là một trong những kênh cho vay vốn hiệu quả, nhiều năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã trở thành người bạn thân thiết của nhà nông trên bước đường xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu.
Đây là Tập đoàn siêu thị lớn nhất Australia được thành lập năm 1924 và hiện nay có trên 700 siêu thị lớn.