Những yêu cầu mới trong quy hoạch phát triển
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của thành phố Yên Bái thời gian qua có bước phát triển khá, giá trị sản xuất đã chiếm 28,1% tổng giá trị công nghiệp địa phương nhưng nhìn chung chưa tương xứng với vị trí, vai trò là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm.
Công ty Cổ phần Chế biến lâm sản Hoàng Lâm, đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến đũa xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Đầm Hồng.
|
Mở rộng địa giới hành chính theo Nghị định 87/2008/NĐ-CP và những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đô thị đòi hỏi thành phố phải quy hoạch phát triển CN-TTCN theo hướng bền vững để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn...
Nguồn vốn đầu tư phát triển CN-TTCN trong 4 năm qua của thành phố đạt 210 tỷ đồng, tăng trưởng tới 27,3%/năm. Việc ban hành cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng và thực thi các chính sách hỗ trợ đã khơi thông dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Cụm công nghiệp Đầm Hồng hiện đã cơ bản lấp đầy với 14 dự án đầu tư, tổng số vốn trên 96 tỷ đồng, trong đó 10 dự án đã đi vào sản xuất, sản phẩm chủ yếu là đũa gỗ xuất khẩu, ván ghép thanh, đồ gỗ công nghiệp, cao lanh tinh lọc và cơ khí công – nông nghiệp.
Dự án chế biến đũa gỗ xuất khẩu của Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Hoàng Lâm đầu tư gần 2 triệu USD xây dựng nhà xưởng, hạ tầng trên diện tích 2 ha tại Cụm công nghiệp Đầm Hồng, chỉ sau vài tháng đã đi vào hoạt động, sản phẩm đũa gỗ hiện xuất sang thị trường Nhật Bản. Công ty Chế biến lâm sản Thành Đạt đầu tư gần 30 tỷ đồng với dự án chế biến gỗ công nghiệp, hiện đã sản xuất và có sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.
Tăng trưởng của ngành sản xuất này trong 4 năm gần đây đạt 41,55% với giá trị sản xuất gần 50 tỷ đồng. Năm 2008, giá trị sản xuất CN-TTCN thành phố đạt 157 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng giá trị công nghiệp địa phương, đứng đầu các địa phương trong tỉnh.
Nhìn tổng thể, sản xuất CN-TTCN của thành phố đã đi đúng hướng và đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới. Thực hiện Nghị định 87/2008/NĐ- CP, địa giới thành phố mở rộng sang bên kia sông Hồng, 6 xã thuộc huyện Trấn Yên được sáp nhập - đây là vùng có lợi thế về đất đai, lao động và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, phát triển TTCN.
Đứng trước cơ hội phát triển mới, cuối năm 2008, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 1190/2008/QĐ-UBND quy định hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN và các ngành sản xuất khác với nhiều cơ chế thông thoáng và ưu đãi đầu tư. Ví dụ: các dự án đầu tư vào Cụm công nghiệp Đầm Hồng, ngoài hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành, nhà đầu tư còn được thành phố hỗ trợ 70% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và 70% kinh phí san tạo mặt bằng, cao hơn mức hỗ trợ của tỉnh.
Để thu hút đầu tư, vấn đề lớn có tính chiến lược là thành phố phải nhanh chóng quy hoạch mới phát triển KT-XH, trong đó có quy hoạch phát triển CN-TTCN, quy hoạch phát triển các sản phẩm thuộc ngành. Câu hỏi đặt ra là, thành phố có nên mở rộng Cụm công nghiệp Đầm Hồng (giai đoạn II) hay không? Những ưu đãi về kinh phí san tạo và giải phóng mặt bằng như Quyết định 1190 là thông thoáng, chắc chắn sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp.
Nhưng sẽ bất hợp lý nếu giữa thành phố có một khu sản xuất công nghiệp, những tác động tiêu cực về môi trường của sản xuất CN-TTCN khiến người dân thành phố lo ngại và những lo ngại đó đúng là có cơ sở! Định hướng của thành phố là phát triển các ngành có ưu thế với những mặt hàng chủ yếu như: chè khô, gỗ bao bì, gỗ thanh, ván ép, đũa gỗ, cao lanh, cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng, gạch nung...
Thành phố phấn đấu huy động 360 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất để giá trị sản xuất CN-TTCN ngoài quốc doanh đạt 240 tỷ đồng vào năm tới. Bên cạnh hoàn chỉnh xây dựng hạ tầng và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư lấp đầy Cụm công nghiệp Đầm Hồng, thành phố đã tính toán đến việc mở thêm cụm công nghiệp bên hữu ngạn sông Hồng với quy mô từ 30 – 50 ha.
Các xã mới sáp nhập là những địa phương có lợi thế về lao động, đất đai, nguyên liệu, nhiều xã có ngành nghề TTCN khá phát triển. Năm 2008, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của 6 xã mới sáp nhập gần 9 tỷ đồng, trong đó chế biến gỗ 1,8 tỷ; chế biến lương thực thực phẩm 2,2 tỷ; chế biến sản phẩm từ chất khoáng phi kim 3,88 tỷ với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng, thu hút trên 500 lao động.
Gắn phát triển khu, cụm công nghiệp với các làng nghề nông thôn là yêu cầu mới trong quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố để CN-TTCN thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn, phát huy vai trò là đầu tầu kinh tế và trung tâm vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Quốc Khánh
Các tin khác
Thương vụ Việt Nam tại Brasil cho biết, nước này vừa chính thức công bố danh sách 60 doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường Brasil.
Nhờ hỗ trợ tăng từ thị trường thế giới, giá vàng trong nước sáng 20/3 tiến lên tới trên 19,9 triệu đồng mỗi lượng, tăng khoảng 400.000 đồng so với chiều 19/3. Nhiều nhà đầu tư chờ đợi giá hấp dẫn hơn, chưa vội bán ra.
Tờ Jakarta Post hôm 19/3 đưa tin, khoảng 60.000 trẻ em Đông Nam Á đang bị bóc lột dã man trong ngành công nghiệp tình dục.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, qua công tác kiểm tra tại cơ sở, cán bộ kiểm lâm huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phát hiện, xử lý 7 vụ vi phạm lâm luật, trong đó tàng trữ lâm sản trái phép 4 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 1 vụ, phát rừng làm nương rẫy trái phép 1 vụ và 1 vụ cháy rừng làm thiệt hại 0,9 ha rừng phòng hộ ở xã Kiên Thành.