Đề xuất 1 tỉ USD kích cầu nông nghiệp, nông thôn: Công khai để xã hội giám sát

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/4/2009 | 12:00:00 AM

Sẽ cho nông dân vay tiền không lãi hoặc lãi suất cực thấp để mua vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu... Đây là một trong những nội dung trọng tâm của chủ trương kích cầu khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Hoàng Thọ Xuân
Ông Hoàng Thọ Xuân

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công thương - cho biết:

- Hiện nay chúng tôi đang lên chương trình xúc tiến thương mại nội địa, chương trình này chủ yếu hỗ trợ người bán. Còn kích cầu cho nông dân là vấn đề mới. Tinh thần là Thủ tướng giao cho Bộ Công thương chủ trì chương trình hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Chương trình này hướng về hỗ trợ người mua.

Trước mắt chúng tôi sẽ nghiên cứu xác định các đối tượng của chương trình mới này. Và đối tượng lớn nhất là nông dân, ngoài ra cũng tính đến các đối tượng khác như: hộ nghèo, gia đình chính sách, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp. Hình thức hỗ trợ mỗi đối tượng có sự khác nhau. Trọng tâm hỗ trợ là nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp như: phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc cơ khí...

Bên cạnh đó là hỗ trợ mua hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng... Nếu là tư liệu sản xuất thì phải thiết thực, trực tiếp phục vụ sản xuất. Còn là hàng tiêu dùng cũng phải thiết yếu, không hỗ trợ những cái dùng xong hết ngay, ví dụ như thực phẩm…

* Tại cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng đã gợi ý trong gói kích cầu đầu tư, các ngân hàng nên cho nông dân vay mua máy móc nông nghiệp, vật liệu xây dựng (ximăng, sắt thép), xe máy, xe công nông, tivi…?

- Định hướng sẽ cho nông dân vay để tiêu dùng với lãi suất rất thấp hoặc không tính lãi. Kinh nghiệm từ nước láng giềng Trung Quốc cho thấy lâu nay họ đã có các chương trình trợ giúp nông dân mua sắm các thiết bị gia dụng như tivi, tủ lạnh, điện thoại di động, máy tính… Bên cạnh đó Trung Quốc còn có kế hoạch lập hàng ngàn cửa hàng bán lẻ cũng như các trung tâm phân phối tại khu vực nông thôn. Tôi nghĩ rằng kích cầu ở đây nên hướng đến những mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sẽ có ý nghĩa chiến lược lâu dài hơn so với những tiêu dùng trước mắt.

Kích cầu vào khu vực nông nghiệp sẽ tạo ra tác động mạnh nhất đến tăng trưởng GDP cả nước. Tăng cầu 1% GDP cho ngành nông nghiệp sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%. Trong nông nghiệp kích cầu lúa gạo lại làm tăng trưởng cao nhất (4,38%) cho GDP nông nghiệp. Tiếp đến là kích cầu cho nhóm vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu).

Tuy nhiên, đã nói kích cầu thì đòi hỏi phải nhanh. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có một dự thảo về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kích cầu tiêu dùng khu vực nông thôn. Dự thảo có đề xuất một số giải pháp ngắn hạn như phát tiền/hàng trực tiếp; ngân sách chi mua nông sản thiết thực và có khả năng dự trữ được; hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư đầu vào cho sản xuất.

* Việc nhiều bộ cùng lên chương trình kích cầu tiêu dùng khu vực nông nghiệp, nông thôn liệu có dẫn đến chồng chéo?

- Dự kiến chương trình kích cầu của Bộ Công thương trong tuần này phải soạn thảo xong để đầu tuần sau các bộ, ngành, doanh nghiệp có liên quan sẽ họp để thảo luận thống nhất hướng triển khai. Sau đó trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Nghĩa là sẽ không có sự chồng chéo. Tôi được biết Thủ tướng đã ra thời hạn trong 10 ngày phải cụ thể hóa các nội dung đã thống nhất trong cuộc họp Chính phủ vừa rồi.

* Số tiền cho gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn này sẽ ở mức nào, thưa ông?

- Nông dân là đối tượng chính của chương trình lại chiếm hơn 70% dân số. Vì vậy tôi nghĩ số tiền để kích cầu có lẽ phải tương đương số tiền Chính phủ đã dùng để hỗ trợ lãi suất (4%) cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, nghĩa là khoảng 1 tỉ USD. Tất nhiên đây chỉ là suy nghĩ ban đầu, cần phải được tính toán kỹ. Đơn cử nếu hỗ trợ nông dân mua máy kéo thì phải tính bao nhiêu hộ cần hỗ trợ, mức hỗ trợ thế nào, lãi suất ra sao...

Chương trình kích cầu này nếu làm chậm sẽ mất tác dụng, làm nhanh mà không tính toán kỹ thì khó đạt hiệu quả. Tôi xem qua các báo cáo thương vụ gửi về thì các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... chủ yếu là phát tiền cho người dân và tín dụng ưu đãi.

* Hiện nay hàng Trung Quốc, Thái Lan... xuất hiện nhiều trên thị trường nội địa, đặc biệt ở khu vực nông thôn, trong khi đó mục đích của kích cầu là hỗ trợ sản xuất trong nước?

- Việc kích cầu nông nghiệp, nông thôn sẽ ưu tiên cho hàng sản xuất trong nước. Nhiều nước khi phát phiếu mua hàng cho người dân để kích cầu thì trên phiếu đó nêu rõ mua loại hàng nào, của doanh nghiệp nào. Nghĩa là phải có sự liên hệ giữa đối tượng được hỗ trợ với nhà sản xuất, chứ không phải kích cầu là bung ra để người dân muốn mua gì cũng được. Đặc biệt là tránh mua phải các loại hàng lậu, hàng giả, hàng nhái... trên thị trường. Chúng tôi đã tính toán là chương trình kích cầu phải đưa các doanh nghiệp trong nước vào, có cơ chế cho doanh nghiệp tham gia nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm.

* Như vậy chương trình kích cầu cũng phải công khai, minh bạch để tránh những tiêu cực có thể xảy ra?

- Khi chương trình kích cầu mà chúng tôi chủ trì soạn thảo hoàn thiện thì sẽ được công khai để toàn xã hội giám sát. Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng cần có sự tham gia của các hội, đoàn ở địa phương vào gói kích cầu này, ví dụ như hội nông dân, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... để họ giám sát sao cho việc kích cầu trúng với mục tiêu ban đầu đặt ra.

(Theo TTO)

Các tin khác
Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (16/5) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 410 đồng, giá bán xuống mốc 23.130 đồng/lít.

12.300 lượng vàng miếng SJC đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đấu thầu bán thành công.

Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 16/5, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 12.300 lượng vàng.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng lần thứ 7. Ảnh minh họa.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Suối Giàng được sản xuất đúng quy trình cho chất lượng cao.

Phát huy lợi thế địa phương, một hợp tác xã đến 90% thành viên là người dân tộc Mông đã biết khai thác, chế biến để vừa nâng cao giá trị sản phẩm Shan tuyết chè cổ thụ vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành điểm sáng trong khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Yên Bái. Đó là Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục