Tre măng Bát Độ đã bén rễ, xanh cây
- Cập nhật: Thứ tư, 8/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Tháng Giêng trồng trúc, tháng Lục trồng tiêu”, câu nói người xưa đã đúc rút qua kinh nghiệm sản xuất từ ngàn đời nay đang được người dân các xã vùng cao Trấn Yên (Yên Bái) áp dụng cho chương trình măng tre Bát Độ - một chương trình kinh tế lớn đã phát huy hiệu quả góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.
Nông dân xã Kiên Thành (Trấn Yên)
chăm sóc tre măng Bát Độ. (Ảnh: P.V)
|
Bà Nguyễn Thị Huấn – Chủ tịch UBND huyện tâm sự: “Trấn Yên đánh giá, chương trình tre măng Bát Độ đã thành công! Nói như vậy vì cây tre măng Bát Độ hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó ưu việt nhất là đầu tư ít, nhanh cho thu hoạch, là cây dài ngày, không sâu bệnh, dễ trồng và đặc biệt là năng suất cao, đầu ra ổn định, giá cả hợp lý và góp phần cải tạo môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi trọc”.
Được biết khi cây tre măng Bát Độ đã bén rễ trên đồi rừng và đứng vững trong lòng đồng bào Mông, Tày, Dao ở các xã: Kiên Thành, Quy Mông, Hồng Ca, Tân Đồng... thì huyện Trấn Yên quyết định tiếp tục mở rộng diện tích thêm 1000 ha nữa. Nói như bà Chủ tịch UBND huyện thì: “Cơ sở để trồng thêm là bà con vẫn muốn trồng, Công ty Vạn Đạt vẫn tiếp tục mua, tiếp tục hỗ trợ bà con vay tiền mua giống không tính lãi và chỉ thu lại khi có sản phẩm đem bán, nhất là diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu, huyện đã được phép chuyển đổi thành rừng sản xuất và hướng cho bà con trồng các cây đem lại hiệu quả kinh tế và tính bền vững cao”.
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện, năm 2009 các ngành trong khối nông lâm nghiệp phấn đấu mục tiêu trồng mới 300 ha măng Bát Độ. Đây thực sự là con số không hề nhỏ cho dù mùa vụ này có nhiều thuận lợi hơn, nhất là việc bà con sẽ tự sản xuất giống ngay tại địa phương với sự giám sát kỹ thuật của các cán bộ khuyến nông huyện. Qua đánh giá cho thấy, cái hay của việc sản xuất giống ở địa phương là giá thành hạ (3 nghìn đồng/củ giống, trong khi trước đây nhập từ ngoài vào là 11 nghìn đồng/củ). Thêm nữa, chất lượng củ giống sẽ cao hơn do không phải vận chuyển lâu ngày. Tổ chức sản xuất giống tại địa phương còn tạo cơ hội cho bà con có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo tính toán, mỗi lao động làm củ giống sẽ thu nhập từ 50 đến 100 nghìn đồng/ngày. Như vậy, số tiền là rất lớn vì tổng số giống trong vụ trồng năm 2009 lên tới hàng trăm nghìn củ. Để đảm bảo cho chương trình tre măng Bát Độ tiếp tục thành công, huyện Trấn Yên tiếp tục duy trì và kiện toàn lại Ban chỉ đạo phát triển tre măng Bát Độ, trưng tập 15 khuyến nông viên tại các xã về tập trung tuyên truyền, chỉ đạo kỹ thuật tại các xã thuộc chương trình tre măng Bát Độ. Nhiệm vụ của anh em khuyến nông là nói cho dân hiểu cơ chế, chính sách và lợi ích của tre Bát Độ như: giá giống, giá thu mua sản phẩm, cơ chế hỗ trợ và sự cam kết tiêu thụ sản phẩm của đối tác... Từ đó, bà con mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đồi rừng kém hiệu quả, làm đất và sản xuất giống đúng kỹ thuật, trồng đúng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Theo số liệu báo cáo, đến ngày 30/3/2009 tại 5 xã gồm: Hồng Ca, Hưng Khánh, Hoà Cuông, Hưng Thịnh, Kiên Thành của huyện Trấn Yên đã có 451 hộ ở 37 thôn chuẩn bị được 230,3 ha đất trồng tre Bát Độ. Toàn huyện cũng đã đào tách được 67.977 củ giống, tương ứng với 136 ha. Nhân dân các xã khai thác giống đến đâu giao cho cán bộ của Công ty Vạn Đạt ngay tới đó để Công ty giao lại cho dân đem trồng cho kịp thời vụ và thời tiết mưa ẩm. |
Chúng tôi về Hồng Ca, là địa phương có đông số hộ đăng ký và trồng nhiều tre măng Bát Độ trong năm 2009 của huyện Trấn Yên với 199 hộ, ở 11 thôn và 80,9 ha đất vườn rừng. Huyện cũng đã quy hoạch 102,5 ha đất rừng chuyển đổi cho dân Hồng Ca trồng tre măng Bát Độ. Khắp các lưng đồi, vạt núi từ Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Cắt, Khe Ron..., đồng bào người Tày, người Mông đang hăng hái làm đất trồng tre Bát Độ, không khí lao động thật khẩn trương. Nhớ lại mấy năm trước cùng cán bộ khuyến nông huyện cũng đã về vận động mà không nhận được sự đồng tình của bà con. “Phá tre để trồng tre, phá nứa để trồng tre” thì đúng là nghe qua cũng khó vào thật. Nhưng tre này là tre măng cho năng suất cao, giá bán cao và thu hoạch lâu dài thì phải làm thôi! Người Mông, người Dao, người Tày xã Kiên Thành bên cạnh mình có cái ăn, cái mặc nhờ cây tre này rồi! Nói cái đúng, cái hay, có dẫn chứng cụ thể nên bà con Hồng Ca rồi cũng làm theo và nhất là những hộ mạnh dạn làm trước đã được tiền, được gạo từ mấy vụ măng vừa rồi, thế là năm nay bà con rất hăng hái trồng.
Anh cán bộ tên Đệ, người của Trạm Khuyến nông huyện đang về cùng ăn, cùng ở để chỉ đạo bà con Hồng Ca trồng tre măng cho biết: “Mình và 4 anh em nữa từ huyện và các xã về giúp bà con. Đồng bào hăng hái trồng lắm nhưng tiến độ khá chậm vì thời tiết không ủng hộ. Thêm nữa, trình độ canh tác của người Mông ở Hồng Ca vốn đã không cao lại ít kinh nghiệm hơn vùng trọng điểm măng Kiên Thành. Không còn cách nào khác, chúng tôi và chính quyền xã phải thêm phần cố gắng. Vài năm nữa, người Mông, người Tày ở Hồng Ca sẽ không dùng từ tìm măng, kiếm măng về ăn nữa mà phải nói là khai thác măng đem bán. Khi ấy họ sẽ hết đói, bớt nghèo”.
Tấn Đạt
Các tin khác
YBĐT - Lúa xuân sinh trưởng là giai đoạn gặp nhiều sâu bệnh hại. Qua kiểm tra, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã có một số giống lúa đang bị bọ trĩ gây hại như: giống nếp N97, TB số 7, NH 2308...và một số giống tiến bộ khác, nhất là giống nếp địa phương với 25 ha ở tất cả các xã, phường, trong đó nhiễm nhẹ 18 ha, nhiễm trung bình 7 ha, mật độ từ 2.500 con – 6.000 con/m2.
Ngày 3-4, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2009/TT-BTC và Thông tư số 68/2009/TT-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu và thuế nhập khẩu một số mặt hàng.
Đã có 32 dự án không thuộc danh mục qui hoạch được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án đã được cấp phép 2 năm mà chưa triển khai.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện giá gạo đăng ký hợp đồng xuất khẩu thời hạn tháng 7 và tháng 8/2009 tăng khá cao nhưng giá gạo trong nước lại giảm mạnh.