Hán Đà đi lên từ nội lực
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ một xã nghèo, kinh tế-xã hội chậm phát triển, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, nhưng hôm nay xã Hán Đà, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có những sức vươn mạnh mẽ. Trường học, trạm y tế, đường giao thông liên thôn được xây dựng khang trang, số hộ đói đã không còn, hộ nghèo đang dần bớt đi. Những biến đổi bên ngoài đã đẹp và vui, nhưng những biến đổi sâu xa từ các cấp ủy Đảng đến mỗi người dân càng đỗi tự hào.
Nhiều hộ gia đình ở xã Hán Đà (Yên Bình) giầu lên từ chăn nuôi lợn. (Ảnh: Thanh Tân)
|
Những hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu, manh mún đã dần được thay thế bằng cách làm ăn mới, làm ăn lớn theo hướng sản xuất hàng hoá, thị trường. Cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, trong tỉnh, đất đai, lao động thì nhiều, nhưng vẫn không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế cao. Thế rồi cái vòng luẩn quẩn trồng, chặt, mỗi thứ một tý, ruộng, vườn rõ nhiều loại cây trồng mà vẫn như vườn tạp, cái đói cái nghèo vẫn bám riết lấy họ như định mệnh.
Không cam chịu đói nghèo, Đảng bộ xã vận động nhân dân khai thác tốt những lợi thế về đất đai, lao động của địa phương đồng thời áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên 100 ha ruộng lúa hai vụ được gieo cấy bằng giống lúa lai, lúa tiến bộ, đồng thời tăng cường công tác thủy lợi, tập huấn khoa học kỹ thuật trong đầu tư thâm canh phòng trừ sâu bệnh.
Bằng hướng đi đó, năng suất lúa đã được nâng lên rõ rệt, từ 70 tạ/ha nay đã đạt gần 100 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 1.350 tấn. Bên cạnh việc phát triển cây lúa, xã đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hoá thị trường, nhất là chăn nuôi lợn. Để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, ngoài các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, xã và các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng. Tính đến hết năm 2008, tổng dư nợ đạt 8 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 2,1 tỷ đồng.
Có vốn nhà nhà nuôi gia súc, nhất là nuôi lợn, đến nay toàn xã có trên 400 con trâu, 357 con bò và trên 6 nghìn con lợn. Đáng chú ý hơn cả là đã xuất hiện 30 gia đình chăn nuôi lợn có quy mô từ 50 đến hơn 200 con lợn, mỗi năm bán thu hàng trăm triệu đồng. Gia đình anh Bùi Văn Bình thôn 1 là một trong rất nhiều hộ gia đình giầu lên từ chăn nuôi lợn. Nhìn hệ thống chuồng trại của gia đình anh Bình, chúng tôi cứ ngỡ là trang trại chăn nuôi của một doanh nghiệp, chứ không thể tin là của một hộ gia đình ở Hán Đà. Đã từ hai năm nay trong chuồng nhà anh lúc nào cũng nuôi trên 150 đầu lợn; bình quân 3 tháng xuất chuồng 1 lần, mỗi lần từ 8-9 tấn lợn hơi, mỗi năm bán thu gần 200 triệu đồng.
Song song với việc phát triển chăn nuôi, nhân dân trong xã đã tập trung trồng cải tạo diện tích chè già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội nâng cao năng suất, chất lượng chế biến, đưa diện tích chè toàn xã lên 209 ha. Trong thu hái đúng phẩm cấp, chất lượng để cây chè sinh trưởng phát triển tốt, nhờ vậy năng suất luôn đạt cao, bình quân 70 tạ/ha. Chỉ tính riêng trong năm 2008, nhân dân đã thu hái được trên 1400 tấn chè búp tươi bán thu trên 2 tỷ đồng, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ làm chè.
Thế mạnh của xã là rừng và đất rừng, do đó xã vận động nhân dân nhận bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có và trồng rừng kinh tế bằng cây giá trị cao như: Bạch đàn mô, keo lai. Bình quân mỗi năm nhân dân trồng mới trên 80 ha rừng, đưa diện tích rừng toàn xã lên 1.238 ha. Đến nay có 50% diện tích rừng trồng đã đến kỳ thác đó chẳng phải là tiền, là của cải hay sao. Những diện tích rừng trồng năm đầu nhân dân đưa cây sắn vào trồng xen và tận dụng đất đai trồng cây màu như: lạc, đậu tương. Quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung, trồng bằng giống bưởi Đại Minh với diện tích trên 60 ha.
Từ một xã nghèo, hôm nay Hán Đà đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vòng ba năm trở lại đây đều đạt trên 13,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng/người/năm; số hộ đói đã không còn, số hộ nghèo giảm còn chưa đầy 5,4%, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Những hướng đi và kết quả đã đạt được là cơ sở, là nền móng vững chắc cho Hán Đà đi trên con đường xây dựng nông nghiệp-nông thôn mới.
Thanh Phúc
Các tin khác
Bộ Công Thương vừa có quyết định phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia giai đoạn hai với kinh phí gần 66 tỷ đồng, trong đó tập trung cho những ngành xuất khẩu (XK) chủ lực có nhiều lao động.
Ngày 9-4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Thông tư 06 quy định chi tiết chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, đối với các hộ nghèo đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại địa bàn các xã, thị trấn thuộc 61 huyện nghèo (theo danh mục của Chính phủ) khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước để trồng rừng sản xuất thì được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay.
YBĐT - Những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Yên Bái liên tục có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trực tiếp đến công tác quản lý bảo trì đường bộ, đảm bảo giao thông và phân luồng trên các tuyến đường.
Chương trình Bình chọn và Trao tặng Cúp vàng "Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam" lần một và Cúp vàng "Lãnh đạo xuất sắc" lần hai, năm 2009 là hoạt động thường niên do Ðài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp đơn vị liên quan tổ chức bắt đầu được tiến hành từ đầu tháng 4-2009.