39.520 tỉ đồng khắc phục tổn thất sau thu hoạch

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/4/2009 | 12:00:00 AM

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa trình Chính phủ đề án "Cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp đến năm 2020".

Theo Bộ NN-PTNT, tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện rất lớn. Qua khảo sát cho thấy, tổn thất sau thu hoạch đối với lúa lên tới 11 - 13%, ngô 18 - 19%, đậu tương 6,2 - 14%, lạc 8,5 - 15,5%, rau quả 25 - 28%... Không chỉ tổn thất về số lượng, trong nhiều năm qua, các cây lương thực chủ lực còn chịu tổn thất nặng nề về chất lượng do bị nấm mốc, mối mọt, vi khuẩn xâm nhập. Cùng với đó là hiện tượng biến chất protein, làm thay đổi màu sắc, mùi vị, giảm giá trị dinh dưỡng; một số lượng không nhỏ thủy sản đánh bắt bị giảm phẩm cấp.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ NN-PTNT là do quy mô đồng ruộng ở nước ta còn nhỏ, phân tán, manh mún, bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 0,7 ha đất canh tác, đã cản trở việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đưa máy móc, thiết bị và công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất. Mức độ trang bị động lực trong nông nghiệp bình quân mới chỉ đạt 1,16 CV/ha canh tác; thấp hơn nhiều lần so với Thái Lan (4 CV/ha), Hàn Quốc (4,2 CV/ha), Trung Quốc (6,06 CV/ha). Cơ giới hóa nông nghiệp chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, tuốt đập, xay xát lúa gạo; các khâu khác như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch vẫn theo phương thức thủ công... Nhiều hệ thống kênh mương cũng đang xuống cấp trầm trọng, chỉ phát huy được 60 - 70% công suất thiết kế. Hệ thống kho dự trữ lương thực, kho lạnh để bảo quản thủy sản, rau quả thiếu về số lượng, lạc hậu về công nghệ, không đảm bảo điều kiện kỹ thuật.

Trong đề án trình Chính phủ, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu: đến năm 2020 sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo còn 5 - 6%, rau quả còn 10 - 12%, giảm mức độ tổn thất về chất lượng thủy sản dưới 10%... Bộ NN-PTNT dự tính sẽ phải đầu tư tới 39.520 tỉ đồng để xây dựng các công trình, trang bị máy móc hiện đại, hướng tới mục tiêu cơ giới hóa làm đất cả nước đạt 80%, gieo sạ hoặc cấy bằng máy ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa đạt trên 50%, khoảng 50% lúa được thu hoạch bằng máy; tỷ lệ cơ giới hóa trong chăn nuôi đạt 50%...

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT cho rằng, ngoài việc cần phải sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài, mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, Nhà nước cần ban hành một loạt các chính sách khác. Cụ thể: giảm thuế suất nhập khẩu xuống còn 0% đối với máy gieo hạt, máy cấy, máy trồng cây, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm củ hoặc rễ. Nhà nước hỗ trợ nông dân và các tổ chức dịch vụ mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp...

(Theo TNO)

Các tin khác

NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn thu, trả và chia sẻ phí với các giao dịch ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng hóa-dịch vụ (POS).

Quy hoạch tổng thể Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco-Vinalines.

Chiều 11-4, tại tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ động thổ, khởi công xây dựng dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco-Vinalines có tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD. Đến dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Liên Bộ Tài chính - Công thương đã chấp thuận phương án đăng ký tăng giá bán xăng, dầu hỏa của đơn vị kinh doanh đầu mối với mức tăng 500 đồng/lít từ ngày 11/4.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Á.

Ngày 10-4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký Quyết định số 837/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục