Trạm Tấu mùa khô hanh

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 5409,6ha rừng trồng phòng hộ, 17.167,6ha rừng tự nhiên, 9.830ha rừng khoanh nuôi tái sinh, 700ha rừng trồng được 2 năm, 1.130 ha rừng trồng năm thứ 3 và 1,024,7ha rừng trồng năm thứ 4 luôn đối diện với nguy cơ cháy.

Để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu thực hiện cắm bản giúp dân đốt nương theo đúng quy cách để đảm bảo không xảy ra cháy rừng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu – Hà Đình Dậu cho biết: “Để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng mùa khô hanh năm 2008 – 2009, ngay từ cuối năm 2008, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện và UBND các xã tổ chức hội nghị phòng chống cháy rừng. Tại các hội nghị này, ngoài việc tổng kết những thiệt hại do lửa rừng gây ra những năm trước, còn tiến hành thảo luận để tìm các biện pháp ngăn chặn cháy rừng xảy ra những năm tiếp theo. Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành phân công cán bộ về các xã trọng điểm như: Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Túc Đán và mỗi xã có từ 3 – 5 cán bộ kiểm lâm thường trực cả ngày lẫn đêm. Ngày thì cùng dân đi đốt nương, tối tổ chức họp dân để sắp xếp thứ tự các hộ đốt nương vào ngày hôm sau. Vào thời điểm này lực lượng hầu hết trải đều tại các thôn, bản.

Mùa gió Lào về, những cánh rừng của huyện Trạm Tấu như chảo lửa, nắng nóng khô hanh, oi bức. Cảm giác chỉ cần lửa một tàn thuốc lá bay qua cũng đủ thiêu trụi một cánh rừng. Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ phòng chống cháy rừng cấp thiết và được đặt lên hàng đầu. Ông Dậu cho biết: “Tập quán của đồng bào Mông cứ hôm nào nắng to mới đốt nương, nên dễ xảy ra cháy rừng, do vậy buộc đơn vị phải điều động cán bộ lên thường trực, thuận lợi là cùng dân đi đốt nương ngay. Vừa rồi, có một cán bộ kiểm lâm buổi trưa bỏ bản về công sở. Về đến nơi, lãnh đạo khiển trách rừng có thể cháy bất cứ lúc nào, bỏ bản về rừng cháy làm sao mà trở tay kịp. Mắng rồi lại thương! Tuổi trẻ phải cắm bản liên miên làm sao chịu nổi. Đã thế, cán bộ nào vừa được từ bản xuống, tối lại đi trực bắt lâm tặc. Nhìn cán bộ mình đặt lưng lên ghế xe ngủ ngáy khò khò mà xót quá nhưng là nhiệm vụ thì nhất nhất phải tuân thủ”.

Gặp những cán bộ kiểm lâm của huyện Trạm Tấu vào thời điểm này, hình ảnh đầu tiên là đôi mắt sâu hoắm vì thiếu ngủ, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, song vẫn ánh lên niềm tin từ những nụ cười. Anh Hoàng Đức Việt -  cán bộ kiểm lâm được phân công trực tại xã Bản Công cho biết: xã Bản Công có tổng diện tích rừng là 5.590,15ha, trong đó: rừng phòng hộ 4087,65ha, rừng trồng 1.502,50ha. Với diện tích lớn như vậy mà chỉ có một vài người chạy ngược xuôi đôn đốc phòng chống cháy rừng thì làm sao tránh khỏi gian nan vất vả”, anh cười và bảo: “Mệt nhưng vì nhiệm vụ mà phải hoàn thành cho tốt. Chúng mình thường đợi lúc nào trời có mưa thì ngủ bù”.

Nhờ những nỗ lực sau nhiều ngày bám bản, bám dân, các vụ cháy rừng đã giảm rõ rệt. Nếu như mùa khô hanh 2005 – 2006 diện tích cháy rừng lên đến con số hàng trăm ha thì mùa khô hanh năm 2007 – 2008 giảm xuống 18,6ha. Bước vào đầu vụ khô hanh năm 2009 này, Hạt Kiểm lâm huyện đã cùng dân đốt được hàng trăm mảnh nương theo đúng khung thời gian quy định, giảm được nguy cơ cháy rừng vào lúc cao điểm nhất. Kiểm lâm viên Giàng A Trang là người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Tuổi thơ của anh đã lớn lên bên những cánh rừng, anh gắn bó với rừng và coi rừng như da thịt con người, anh tâm sự: “Nhiều lúc mệt không chịu nổi, nhưng nghĩ đến cảnh rừng cháy, nghĩ đến lâm tặc phá rừng, thiêu đốt đi công sức của cha ông gìn giữ bao đời là mình không đành lòng. Mình đã hiểu tập tục của đồng bào thì mình phải cố gắng làm tốt hơn mọi người. Năm nay mình được lãnh đạo giao phụ trách xã Bản Mù là một trong 4 xã trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao. Mình đã họp dân vào ban đêm nói rõ những nguy hại nếu không đốt nương đúng cách và đúng thời điểm. Đồng bào ủng hộ mình nên hộ nào đi đốt nương cũng báo cáo rõ hoặc đợi mình cùng đi”.

Hộ anh Giàng A Sáy, thôn Mông Si xã Bản Mù có 5 người, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương, ruộng. Anh cho biết: “Được cán bộ kiểm lâm về xã hướng dẫn cách đốt nương làm rẫy mà không cháy rừng, mình vui lắm, mình đi làm kiểm lâm cũng đi làm cùng. Mấy anh dạy mình đốt nương vào lúc lặng gió hoặc khi thời tiết dịu nắng nương vẫn cháy mà giảm nguy cơ cháy rừng. Cán bộ tốt như thế thì dân mình phải làm theo chứ nếu không nhỡ cháy rừng, thì phí công mình trồng rừng bao năm qua à”.

Gió lào làm bao nhiêu lá rừng rụng tả tơi xơ xác thì cũng là bao nỗi lo lại trở về trong lòng mỗi chiến sĩ kiểm lâm huyện Trạm Tấu. Để vùng cao mãi xanh, ngoài nhiệm vụ ngăn chặn lâm tặc phá rừng, các anh còn nhiều đêm mất ngủ để 3 cùng với dân. Một cái bắt tay vội vàng, các anh tạm biệt tôi lên đường vào những cánh rừng với dân bản, trong tôi khúc ca (Một rừng cây một đời người) của nhạc sỹ Trần Long ẩn khẽ vang lên: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về một rừng cây, khi hát về một rừng cây, tôi thường nghĩ về một đời người... Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai cũng thường nghĩ về đời mình”. Vâng, ai cũng một thời trẻ trai, thời trẻ trai của các chiến sĩ kiểm lâm huyện đang cống hiến cho mầu xanh của vùng cao Trạm Tấu. Chắc chắn rừng vùng cao sẽ thêm xanh khi Trạm Tấu có thêm nhiều người yêu rừng mến bản như các anh.

Phương Thùy

Các tin khác

YBĐT - Năm 2008, doanh số cho vay uỷ thác của ngân hàng CSXH tỉnh đạt 350,424 tỷ đồng đạt 95% kế hoạch, tăng 159,093 tỷ đồng so với năm 2007. Doanh số thu nợ 97,706 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch năm. Tính đến 31/3/2009, tổng dư nợ 7 chương trình uỷ thác cho vay qua các tổ chức đoàn thể của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 762,051 tỷ đồng. Trong đó, uỷ thác cho vay qua tổ chức HPN chiếm tỷ lệ lớn nhất với 668,176 tỷ đồng.

Công nhân đang àlm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Tàu chở dầu thành phẩm (CPP) thuộc Công ty cổ phần vận tải dầu Phương Đông Việt (PV OIL Shipping) vừa cập cảng an toàn sẵn sàng đón mẻ xăng, dầu đầu tiên sản xuất trong nước.

YBĐT - Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng là sự động viên của Nhà nước về cả vật chất và tinh thần, giúp các thành phần kinh tế vượt lên khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu để ổn định sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa trình Chính phủ đề án "Cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp đến năm 2020".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục