“Đánh bạc” với hồ
- Cập nhật: Thứ ba, 14/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cách quốc lộ 70 chưa đến chục cây số nhưng lại nằm sát ven hồ Thác Bà, Vĩnh An - cái thôn vùng ba của 43 hộ dân mà có đến 70% dân số là người Dao và duy nhất một hộ người Kinh ấy, bấy lâu vẫn là diện nghèo nhất của xã Bảo Ái (Yên Bình - Yên Bái). Âu cũng bởi cái chuyện cấy lúa nơi này chẳng khác nào “đánh bạc” với hồ.
Ông trưởng thôn Lý Văn Vanh đang kiểm tra lúa trên thửa ruộng nhỏ của gia đình.
|
Cứ độ nửa cuối tháng ba Âm lịch trở đi là chẳng thể cày cấy được gì nữa mà lúc này đứng từ nhà trưởng thôn Lý Văn Vanh nhìn ra hồ Thác, vẫn mênh mông mặt nước. Trưởng thôn Vanh thở dài: “Người dân ven hồ như chúng tôi chẳng còn cách nào khác là thấp thỏm đợi từng ngày mong nước rút”. Lẽ thường, tháng Giêng là nước hồ bắt đầu rút, có năm sớm thì từ tháng Chạp. Nước rút đến đâu, dân gieo mạ cấy lúa đến đó. Có năm rút nhanh, đến tháng Giêng là dân trong và ngoài thôn đã đổ ra cấy lúa trên diện tích bãi bồi rộng lớn. Nhưng năm nay, thêm một năm nước rút chậm, thậm chí là rất chậm.
Thời điểm này, lẽ ra nước đã phải rút nhiều, đã có thể để lại những khoảng bãi bồi rộng rãi cho người dân gieo cấy. Song, mép nước, chân nhà chẳng cách nhau là mấy. Ở đồng đất khác, lúa đã xanh mướt mát trải dài những cánh đồng thì ở thôn này, từng đụn ruộng ton hỏn trong tầm mắt. Khoảng ruộng ngay dưới chân nhà trưởng thôn ước chừng chỉ độ 1,2 mẫu, thế mà là của những 9 hộ. Chỉ miếng ruộng nhỏ, ông Vanh cho biết: “Đấy là tất cả phần ruộng của gia đình tôi cấy được cho đến lúc này. Còn cả thôn cũng chỉ độ 2,5 mẫu thôi”. Từ “thôi” mà người trưởng thôn buồn bã buông xuống kéo theo cả ngàn sự “sốt ruột” của mấy chục hộ dân nơi này. Không sốt ruột sao được, khi những năm nước rút nhanh, tính trung bình mỗi hộ trong thôn cấy được 2-3ha lúa nước mà có lúc nhiều gia đình vẫn còn khốn khó, bởi chỉ làm được một vụ lúa. Đất phù sa nhưng nhiều cát bồi, năng suất không cao. Diện tích lúa đến lúc này chẳng đáng là bao, cái đói dường như đã là điều trông thấy. Ấy vậy mà có lẽ ông Vanh và những hộ gia đình khác có tí ruộng vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều nhà khác khi họ chưa cắm được cây lúa nào xuống đất. Ở nhóm 3 trong thôn, diện tích cấy lúa của cả 10 hộ hiện vẫn còn đang chìm trong nước.
Theo kinh nghiệm của người dân khu vực này thì nước sẽ chẳng rút kịp để có thể cấy lúa được nữa. “Còn nước còn tát”, cho dù, ông Vanh đã phải vứt đi một lượt mạ 10kg thóc giống; bà Ném cũng đã xót xa phải bỏ đi lượt mạ quá lứa 30kg thóc giống... song, nhiều gia đình ở Vĩnh An vẫn cứ gieo mạ và thấp thỏm chầu chực chờ nước rút để có thể cấy những cây lúa cuối cùng của mùa vụ năm nay dù biết rằng, đó thực sự là những “canh bạc” với hồ. Sự nghèo khó của Vĩnh An cũng một phần từ những “canh bạc” ấy mà ra.
Mùa vụ được mất thất thường, rừng lại ít. Trưởng thôn Vanh ước tính: “30 hộ trong thôn có rừng nhưng tất cả chỉ độ khoảng 30 ha và 11 hộ không có rừng. Có những hộ không rừng, không ruộng, cuộc sống phụ thuộc vào lòng hồ và ngày công lao động làm thuê”. Nhưng phương tiện mưu sinh trên hồ lại chủ yếu là những những chiếc thuyền nhỏ bé và mùa nước lên mới là mùa làm ăn chính. Vì thế, khoảng một nửa trong tổng số 43 hộ toàn thôn là hộ nghèo cũng là điều dễ hiểu.
Nhà ông Vanh không xếp vào diện nghèo của thôn, song tôi cứ thắc mắc mãi về căn nhà lộng gió tứ bề, thông thống không một thanh gỗ chắn ngang. Những căn nhà trống tuềnh, trống toàng dọc con đường vào thôn không ít, song có lẽ miếng cơm, hạt gạo mới là mối lo chính của nhiều người dân Vĩnh An lúc này. Ngay tại thời điểm đợi chờ một vụ lúa mới năm nay, rất nhiều hộ ở đây đang phải ăn đong và chuyện ăn sắn trừ cơm chẳng hiếm ở nhiều gia đình...
Con đường từ thôn ra quốc lộ 70 chỉ chừng gần chục cây số mà trưởng thôn Vanh đi họp ở xã gặp lúc trời mưa phải vật lộn cả tiếng đồng hồ với chiếc xe đạp cũ kĩ. Có lần phải bỏ lại cả xe vì té trượt, cuốc bộ lên xã mang theo cả những khó khăn của người dân Vĩnh An. Chính quyền xã biết vậy nên cũng đã dành nhiều sự quan tâm cho Vĩnh An, song có lẽ vẫn chẳng thấm tháp gì khi cuộc sống của cái làng ven ấy vẫn cứ phải phụ thuộc quá nhiều vào lòng hồ, mặt nước.
Thu Hạnh
Các tin khác
Theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp (DN) thuộc diện được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là DN nhỏ có vốn điều lệ không quá 10 tỷ đồng và có số lao động không quá 300 người.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu thống nhất phương án cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Thủ tướng vừa ký Quyết định 466/QĐ-TTg, bổ sung 18 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2009 cho Bộ NN-PTNT để nhập bù hạt giống lúa, bắp dự trữ quốc gia đã xuất cấp trong năm 2008. Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tổ chức mua hạt giống lúa, bắp kịp thời, đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia.
YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 5409,6ha rừng trồng phòng hộ, 17.167,6ha rừng tự nhiên, 9.830ha rừng khoanh nuôi tái sinh, 700ha rừng trồng được 2 năm, 1.130 ha rừng trồng năm thứ 3 và 1,024,7ha rừng trồng năm thứ 4 luôn đối diện với nguy cơ cháy.