"Tam nông" ở Văn Yên
- Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Văn Yên (Yên Bái) đã nhiều năm loay hoay với "bài toán" cây, con. Có chương trình "phanh" kịp nên không gây đổ vỡ như phát triển cây mía và dự án nhà máy mía đường; có dự án chưa thành như cây dứa Cay-en... Thành hay chưa, đều những nỗ lực đáng ghi nhận trong quá trình tìm tòi những cây trồng có giá trị kinh tế cao làm tiền đề đưa công nghiệp chế biến về nông thôn, nâng cao chất lượng và sản phẩm cạnh tranh của nền sản xuất vốn thuần nông với 91,2% dân số ở khu vực nông thôn.
Đưa sắn nguyên liệu vào dây chuyền chế biến tại Nhà máy sắn Văn Yên.
|
Bức tranh nông nghiệp nông thôn Văn Yên những năm qua có khởi sắc nhưng cơ cấu nội ngành và cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn vẫn chuyển dịch chậm; kết cấu hạ tầng có cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu là khâu đột phá thúc đẩy kinh tế và xây dựng nông thôn mới
Những vấn đề đặt ra trong nông nghiệp, nông thôn đang được Huyện ủy Văn Yên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tìm giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững như Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra
Chuyển đổi cơ cấu cây, con
Thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về "tam nông", Văn Yên tập trung đầu tư và phát triển mạnh tập đoàn cây lâm nghiệp, cây công nghiệp theo hướng tập trung, tạo nguyên liệu cho chế biến
Quế là cây thế mạnh, vị "cay" của quế nông dân đã nếm trải nhiều. Bí thư Đảng ủy xã Viễn Sơn Triệu Tiến Bảo cho rằng, thăng trầm thế nào dân Viễn Sơn vẫn trồng quế vì với các xã vùng cao đó là cây tốt nhất đem lại cơm gạo cho dân. Bình quân lương thực rất thấp: 292 kg⁄người⁄năm, cả xã chỉ có 70 ha ruộng nếu không có quế thì đói quanh năm. Năm 2008, bà con thu gần 10 tỷ đồng từ bán quế vỏ, tinh dầu và thân gỗ quế. Tập trung phát triển vùng quế ở Viễn Sơn, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Đại Sơn, Mỏ Vàng... mỗi năm, Văn Yên trồng mới từ 600 - 650 ha quế. Quy hoạch vùng quế trên 15.300 ha, sản lượng quế vỏ 1.250 tấn⁄năm, xây dựng thương hiệu quế là việc huyện đã làm được. Trong tháng 4.2009, sẽ hoàn thành chỉ dẫn địa chỉ quế Văn Yên trên trang điện tử nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tính nhanh, mỗi năm Văn Yên có thể thu về 4 triệu USD nhờ bán quế vỏ, tinh dầu và chế biến gỗ quế.
Thành công trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng phải kể tới việc đưa cây sắn cao sản vào sản xuất với diện tích quy hoạch 5.850 ha. Cho dù yếu kém trong quản lý quy hoạch diện tích và áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững nhưng cây sắn đã đem về cho dân từ 35 - 40 tỷ đồng⁄năm, đại bộ phận nông dân ở Mậu Đông, Đông Cuông, An Bình, Mậu A, Đông An, An Thịnh, Yên Thái, Quang Minh... đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khấm khá.
Sau quế, sắn thì gỗ rừng trồng là nguồn đem lại thu nhập khá cho nông dân. Diện tích rừng sản xuất là 69.000 ha, chiếm 49,6% tổng diện tích rừng của huyện, trong đó rừng trồng tập trung 2.320 ha.
Hạn chế của Văn Yên là cơ cấu giống chậm được đổi mới, trong khi ở Yên Bình keo lai, bạch đàn mô năng suất từ 100 - 120m/ ha thì ở Văn Yên chủ yếu là bồ đề, năng suất thấp 60 - 70m/ha. Mỗi năm, huyện trồng mới khoảng 1.900 ha rừng các loại, sản lượng gỗ khai thác bình quân trên 25.000m3 nhưng tiềm năng từ rừng chưa được phát huy, công nghiệp chế biến do vậy còn nhỏ bé. Vùng chè nguyên liệu của huyện khiêm tốn 550 ha, trong đó có 300 ha chè kinh doanh. Chủ trương của Văn Yên là chuyển đổi cơ cấu giống, thay thế chè giống cũ bằng các giống mới, trồng mới 187 ha chè Phúc Vân Tiên. Huyện đang phối hợp với Bộ Khoa học- Công nghệ hỗ trợ nông dân sản xuất chè xanh Phúc Vân Tiên chất lượng cao.
Chuyển dịch cơ cấu cây công nghiệp, lâm nghiệp tạo vùng nguyên liệu tập trung để đưa công nghiệp chế biến về nông thôn, Văn Yên đã xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn, tinh dầu quế cùng hàng chục cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, chế biến chè tại vùng nguyên liệu. Giá trị sản xuất công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp đạt trên 131 tỷ đồng trong năm ngoái, chế biến nông lâm sản chiếm tỷ trọng chủ yếu với các sản phẩm chính là tinh bột sắn, giấy đế xuất khẩu, chè sơ chế, tinh dầu quế, gỗ bao bì...
Cơ cấu lao động nhờ đó chuyển dịch theo, trong 61.390 lao động trong độ tuổi chỉ còn 47.000 lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp "Bài toán" cây, con kể như có lời giải nhưng lo đủ cái ăn cho trên 12,5 vạn dân hôm nay vẫn là mục tiêu hàng đầu của Văn Yên. Đại Phác, Yên Phú, An Thịnh - ba xã trọng điểm vùng lúa tiên phong chuyển đổi cơ cấu giống, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bình quân năng suất 12 tấn⁄ha⁄năm. Nhiều cánh đồng ở Đại Phác, Yên Phú đạt 100 - 120 triệu đồng⁄ha nhờ luân canh ba vụ và sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Năm 2008, bình quân lương thực của huyện là 320 kg⁄người nhưng với vùng cao - nơi chiếm trên 40% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Mông, Xa Phó... điều kiện canh tác, trình độ và tư liệu sản xuất hạn chế thì "bài toán" lương thực còn rất nan giải. Trong khi ở Đại Phác bình quân lương thực 760 kg⁄người, Yên Phú 600 kg⁄người thì ở Viễn Sơn chỉ có 292 kg, nhiều xã tỷ lệ hộ thiếu đói giáp hạt cao, hàng năm tỉnh phải trợ cấp.
Chỉ trông vào đồng ruộng thì khó có đủ cái ăn cho dân, tăng tỷ trọng và giá trị sản phẩm trong cơ cấu nội ngành là giải pháp của huyện để bù đắp thiếu hụt lương thực do khó khăn về tư liệu sản xuất. Văn Yên hiện có đàn trâu 21.600 con, đàn bò 3.475 con, đàn lợn trên 3.500 con với sản lượng thịt hơi mỗi năm trên 2.700 tấn. Nhờ chính sách kích cầu của tỉnh, các mô hình phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hoá đang được nhân rộng. Huyện khuyến khích nông dân thông qua hỗ trợ vốn, kỹ thuật, thú y, năm 2008 đã chi trên 100 triệu đồng hỗ trợ cho các mô hình chăn nuôi từ 100 lợn thịt, 20 lợn nái và 1.000 con gà trở lên. Tuy nhiên, tỷ trọng chăn nuôi hiện mới chiếm 19,71% cơ cấu ngành nông nghiệp, Văn Yên vẫn đứng sau nhiều địa phương khác, nhất là phát triển trang trại chăn nuôi.
Những vấn đề đặt ra trong "tam nông"
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp nông thôn cần được coi là khâu đột phá. Văn Yên hiện có 221 công trình thuỷ lợi. Bằng nhiều nguồn vốn và đóng góp của nhân dân, huyện đã kiên cố hoá 136 đập đầu mối, 172 km kênh mương cấp I, 167 km kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, chỉ có trên 2.600⁄6.500 ha ruộng được bảo đảm nước tưới, nước cho đồng ruộng vẫn khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Văn Yên cần tập trung các nguồn vốn để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, kiên cố hoá 100 km kênh mương cấp I và 123 km kênh mương nội đồng. Đây là yêu cầu cấp thiết, có tác động quan trọng tới chương trình thâm canh 1.000 ha lúa chất lượng cao ở vùng trọng điểm lúa Đại-Phú-An và một số xã vùng thấp. Sau thủy lợi là giao thông, hiện chỉ có 440⁄521 km đường giao thông đạt tiêu chuẩn cấp B miền núi; trong 312 thôn bản còn tới 292 thôn bản chưa có đường ô tô tới trung tâm.
Trong quy hoạch phát triển và cơ cấu kinh tế, Văn Yên chia thành 4 vùng, trong đó vùng cây lâm nghiệp và cây công nghiệp như quế, sắn, gỗ rừng trồng chủ yếu ở các xã có hệ thống giao thông rất khó khăn.
Để kích thích sản xuất, cần đầu tư mạnh cho giao thông, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lịch cho biết, năm 2009 sẽ tập trung khoảng 12 tỷ đồng cho thủy lợi, các năm tiếp theo kiên cố hoá 100% kênh mương và làm đường giao thông đến trung tâm các thôn, bản còn lại. Mục tiêu của huyện là tới năm 2010 sẽ có 50% đường liên xã đạt tiêu chuẩn cấp V, 50% đạt tiêu chuẩn cấp A, 100% đường liên thôn đạt cấp B miền núi.
Đưa điện về nông thôn, nhất là vùng cao hiện vẫn là một thách thức với Văn Yên. Hiện tại, huyện còn 4 xã chưa có điện lưới quốc gia, mới có 74% số hộ được sử dụng điện và 20 thôn bản chưa có điện. Tân Hợp là xã cách huyện hai chục phút đi xe máy nhiều thôn bản vẫn đèn dầu thay ánh sáng điện. Nhưng huy động các nguồn lực như thế nào trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp, sức dân nhiều năm chưa "khoan" là một đáp số khó.
Mục tiêu năm 2010 tất cả các xã và 85% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia của huyện hoàn toàn trông chờ vào Dự án năng lượng nông thôn, dự án vốn ngành điện. Sản xuất tập trung theo hướng tạo khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn ở Văn Yên tuy có kết quả bước đầu nhưng còn nhiều vấn đề đang đặt ra. Đất nông lâm nghiệp bình quân đầu người là 10,5 ha nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu. Khoảng 22.000 giấy với diện tích trên 14.500 ha được cấp cho nông dân, chủ yếu là đất lâm nghiệp, đất sản xuất nhìn chung manh mún, việc chuyển đổi sản xuất rất hạn chế.
Điều tra của cơ quan chuyên môn, tới năm 2007 số hộ có trang trại chỉ chiếm 0,3% tổng số hộ, chủ yếu là trang trại lâm nghiệp. Văn Yên nhiều năm tiến hành dồn điền đổi thửa và đã thất bại. Duy nhất xã Đại Phác, ông Hoàng Đức Hoành dồn đổi được 6 sào ruộng cho 4 hộ để làm chuồng trại nuôi lợn thịt. Ông Hoành cho rằng: "Dồn điền đổi thửa chỉ thực hiện được khi chuyển đổi sản xuất, nếu dồn điền đổi thửa mà vẫn trồng lúa nước thì khó mà thành!" - đó cũng là một ý kiến đáng suy nghĩ trong dồn điền đổi thửa, không chỉ ở Văn Yên.
Cơ cấu nội ngành và cơ cấu kinh tế chuyển dịch nên số lao động nông nghiệp chỉ còn 47.000⁄61.390 lao động trong độ tuổi, chiếm 76,6%. Đáng mừng nhưng còn hạn chế là chất lượng nguồn nhân lực thấp do đào tạo nghề cho nông dân chưa được chú trọng. Yên Phú là xã điển hình về phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế... nhưng số lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 18% trong 1.700 lao động trong độ tuổi, chủ yếu là tập huấn kiến thức, kỹ năng thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Cần thấy rằng, nông dân là chủ thể của nông nghiệp, nông thôn, ngoài đầu tư nâng cao trình độ sản xuất, khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cần nâng cao chất lượng sống về mọi mặt cho họ. Văn Yên có trên 12,5 vạn dân, dân số gia tăng, ở vùng thấp mật độ dân cư đông đúc dẫn đến nhu cầu về vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt nông thôn không bảo đảm; các mô hình chăn nuôi tập trung tại khu dân cư gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới sức khoẻ và sinh hoạt người dân. Bố trí lại dân cư và tập trung xử lý các bức xúc về nguồn nước, môi trường; xây dựng các thiết chế văn hoá đang là đòi hỏi cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới ở Văn Yên...
Nghị quyết TW 7 (Khoá X) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy xác định rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp cho "tam nông". Giải quyết những vấn đề đặt ra trong "tam nông" ở Văn Yên không thể trong ngày một ngày hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là nông dân cần được xác định là giải pháp quan trọng để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, đem lại sự khởi sắc mới, toàn diện và bền vững cho nông nghiệp nông thôn.
Tuấn Anh
Các tin khác
Ngày 14-4, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư về việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất mặt hàng này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký quyết định tăng thuế suất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép từ 0% lên 10%. Mức thuế mới này có hiệu lực từ ngày 20/4 tới.
Từ ngày 20/4/2009, các mặt hàng nhập khẩu xăng động cơ chịu mức thuế suất không đổi là 20%. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu nhiên liệu diesel dùng cho động cơ tốc độ cao và các loại diesel khác giảm từ 25% xuống còn 20%.
Thủ tướng vừa ký Quyết định 466/QĐ-TTg, bổ sung 18 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2009 cho Bộ NN-PTNT để nhập bù hạt giống lúa, bắp dự trữ quốc gia đã xuất cấp trong năm 2008. Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tổ chức mua hạt giống lúa, bắp kịp thời, đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia.