Khi nông thôn được mua điện trực tiếp

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Để đảm bảo sự công bằng trong sử dụng điện từ thành thị đến nông thôn, tháng 12 năm 2008, Điện lực Yên Bái bắt đầu triển khai thực hiện Đề án “ Tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán lẻ đến tận hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái”. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với những hộ dân ở khu vực nông thôn đang phải mua giá điện bán lẻ quá “đắt” của các tổ chức khác.

Công nhân Điện lực Yên Bái kiểm tra hệ thống rơ-le nội bộ tủ máy cắt.
Công nhân Điện lực Yên Bái kiểm tra hệ thống rơ-le nội bộ tủ máy cắt.

Những năm trước đây, nhiều hộ dân ở khu vực nông thôn trong tỉnh vẫn phải mua điện sử dụng đều vượt hoặc bằng giá trần do nhà nước quy định, không được hưởng giá ưu đãi của Chính phủ, người dân nông thôn, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã khó khăn lại phải trả tiền điện cao hơn thành phố và vùng thấp. Nguyên nhân là do phải mua điện thông qua các tổ chức khác, không được mua giá điện bán lẻ trực tiếp của Điện lực Yên Bái bán.

Toàn tỉnh hiện có 146 xã có điện lưới quốc gia với trên 56.000 hộ được sử dụng điện và sản lượng sử dụng trung bình hàng năm khoảng 43 triệu KWh. Trong khi đó, Điện lực Yên Bái chỉ quản lý và bán điện trực tiếp được cho nhân dân ở 48 xã, còn lại hầu hết là do các hợp tác xã, công ty TNHH và một số thành phần kinh tế khác mua điện qua công tơ tổng của ngành điện để bán lẻ cho dân.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm nay đối với những hộ dân được mua điện trực tiếp theo giá bán lẻ của ngành điện mới được hưởng chính sách trợ giá của nhà nước, chất lượng điện năng tốt, đảm bảo an toàn trong sử dụng điện. Còn đối với các hộ dân phải mua điện thông qua các hợp tác xã, công ty TNHH...thường phải mua với giá điện cao từ 700 đồng đến 1800 đồng/kwh, song chất lượng điện năng không đảm bảo, độ an toàn lưới điện không cao, thêm vào đó người dân lại phải đóng góp kinh phí để xây dựng đường dây, công tơ... Đặc biệt, họ không được hưởng chính sách trợ giá của nhà nước, gây mất công bằng xã hội trong  mua bán và sử dụng điện giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Việc ngành điện xây dựng triển khai thực thi Đề án “Tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán lẻ đến tận hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái” là hết sức cấp thiết. Đề án không chỉ đem lại sự công bằng xã hội trong sử dụng điện từ thành thị đến nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, mà còn giúp cho ngành điện có điều kiện quản lý, đầu tư nâng cấp để chống tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện năng và đảm bảo an toàn cho khách hàng ở các vùng nông thôn trong tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 276 trạm biến áp phân phối điện với trên 1.160 km đường dây hạ thế. Thực trạng lưới điện hạ thế 0,4 Kv ở nông thôn do các địa phương quản lý được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn đã và đang xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhất là các tuyến đường dây do các HTX và nhân dân đóng góp xây dựng, hầu hết là dây trần, nhiều kích cỡ khác nhau không tải được điện áp; hệ thống cột, công tơ cũng chắp vá đủ kiểu, không được kiểm định định kỳ, dẫn đến đo đếm không chính xác, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ dân mà còn gây tổn thất điện năng khá lớn. Theo khảo sát của ngành điện Yên Bái thì tỷ lệ điện năng bị tổn thất sau công tơ tổng trung  bình là 22%, cá biệt có xã lên tới trên 30%.

Năm 2009, Điện lực Yên Bái sẽ phấn đấu tiếp nhận 104 xã để quản lý và ký hợp đồng bán điện trực tiếp cho các hộ dân. Thành phố Yên Bái là một trong những địa phương đã và đang triển khai thực hiện Đề án khá tốt. Việc chuyển giao và tiếp nhận được ban chỉ đạo của thành phố Yên Bái triển khai thực hiện dân chủ, đúng nguyên tắc. Theo kế hoạch, Chi nhánh Điện lực thành phố sẽ phải làm thủ tục tiếp nhận 6 xã về để bán điện trực tiếp cho dân. Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện, Chi nhánh đã tiếp nhận được 3 xã gồm: Nam Cường, Hợp Minh, Phúc Lộc và đã tổ chức ký hợp đồng bán điện theo giá quy định của chính phủ cho gần 2.000 hộ dân.

Đồng thời, tiến hành sửa chữa được hàng chục điểm sung yếu mất an toàn, thay thế được hàng trăm công tơ bị hư hỏng và quá hạn sử dụng; đầu tư trên 345 triệu đồng để cải tạo và nâng cấp toàn bộ lưới điện hạ thế ở xã Nam Cường. Trong giai đoạn I, Chi nhánh đã thực hiện thay thế được 12 công tơ 3 pha, 512 công tơ 1 pha và trên 1.000m đường dây hạ thế 0,4 Kv cáp xoắn được bọc nhựa an toàn. Ngoài ra, đội ngũ công nhân của Chi nhánh còn sửa chữa được hàng chục điểm không đảm bảo an toàn ở các đường nhánh rẽ và thực hiện ký hợp đồng bán điện trực tiếp cho 613 hộ sử dụng điện trong xã.

Nhờ được đầu tư cải tạo nâng cấp, lưới điện hạ áp của xã không những đảm bảo an toàn mà còn giảm được tỷ lệ tổn thất điện năng hàng tháng từ 23% xuống còn 11%. Chất lượng điện sử dụng cũng được cải thiện rõ nét, nếu như trước đây vào giờ cao điểm, điện áp chỉ đạt 145-160V thì đến nay đã được tăng lên 206V. Ông Nguyễn Kiến Hoà, thôn Nam Thọ, xã Nam Cường phấn khởi nói: “Các hộ dân trong thôn, trong xã chúng tôi rất mừng khi được mua điện sử dụng trực tiếp với ngành điện, giá mua rẻ hơn và nhất là chất lượng điện tốt hơn, sử dụng an toàn hơn”.

Tại huyện Trấn Yên, ban chỉ đạo Đề án của huyện phối hợp với chi nhánh điện trên địa bàn đang đẩy nhanh tiến độ bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn ở 16 xã để ký hợp đồng bán điện trực tiếp cho gần 12.700 khách hàng sử dụng điện ở các vùng nông thôn trong huyện. Đến nay, Chi nhánh Điện lực huyện Trấn Yên đã tiếp nhận được gần 50 km đường dây lưới điện hạ thế của 6 xã. Đồng thời, cử cán bộ công nhân đi khảo sát, kiểm tra xử lý được hàng trăm vị trí có nguy cơ gây sự cố mất an toàn trên lưới điện và thay thế được hành trăm công tơ cũ nát đo đếm không chính xác; tổ chức ký hợp đồng cho gần 3.000 hộ được mua điện trực tiếp của ngành.

Bằng sự nỗ lực của các chi nhánh điện trực thuộc, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Đề án, Điện lực Yên Bái đã tiếp nhận được lưới điện hạ thế nông thôn ở 32 xã với 64 trạm biến áp; 67 công tơ tổng, 10.094 công tơ 1 pha, 331 công tơ 3 pha và hàng ngàn mét đường dây hạ thế 0,4Kv. Thay thế được hàng ngàn công tơ, gia cố, sửa chữa được hàng trăm điểm có nguy cơ mất an toàn trên lưới và đã ký kết hợp đồng bán điện trực tiếp được cho gần 10.100 hộ dân sử dụng điện theo các thang mức giá quy định của Chính phủ.

Được biết năm 2009, Điện lực Yên Bái sẽ  đầu tư khoảng 43 tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp lưới điện hạ thế ở 40 xã trên địa bàn tỉnh. Những xã còn lại, ngành điện sẽ đầu tư cải tạo và nâng cấp vào những năm tiếp theo nhằm góp phần chống tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện và bán điện an toàn cho nhân dân ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

N.M

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan đối với mặt hàng xăng, dầu tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 120 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.

Dự án kè chống sạt lở sông Hồng khu vực cầu Móc Tôm do Công ty cổ phần Ao Vua thi công đang được đẩy nhanh tiến độ.

YBĐT - Dự án kè chống sạt lở sông Hồng khu vực cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được khởi công xây dựng từ tháng 2/2009 do Công ty cổ phần Ao Vua (Hà Nội) trúng thầu thi công. Công trình được đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân trong vùng và an toàn giao thông trên tỉnh lộ Yên Bái – Khe Sang với tổng mức đầu tư trên 35,1 tỷ đồng, trong đó giá trị xây dựng trên 26,3 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Yên Bái làm chủ đầu tư.

YBĐT - Chủ động thăm đồng, kịp thời phát hiện khống chế dịch bệnh lây lan nếu có; phát huy hết vai trò của của cán bộ khuyến nông viên cơ sở; phối hợp với cơ sở, trạm bảo vệ thực vật chuẩn bị thuốc đầy đủ đảm bảo phòng chống bệnh cho lúa đông xuân đang được toàn dân huyện Văn Yên (Yên Bái) tích cực triển khai.

YBĐT - Tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua địa phận huyện Trấn Yên (Yên Bái) dài hơn 21km, đi qua 5 xã với 23 thôn. Thực hiện các bước giải phóng mặt bằng, từ tháng 5/2008 đến nay, Trấn Yên đã thành lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư công trình đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục