Doanh nghiệp ở Văn Chấn cần được "tiếp sức"
- Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cũng như nhiều địa phương khác, vấn đề doanh nghiệp và người lao động ở Văn Chấn (Yên Bái) đang gặp rất nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ, các biện pháp đã được huyện triển khai, chỉ đạo kịp thời giúp các doanh nghiệp, người lao động khắc phục khó khăn trong thời điểm nền kinh tế suy giảm như hiện nay.
Chế biến chè tại Công ty cổ phần chè Phú Tân (Văn Chấn). (Ảnh: Linh Nhung)
|
Trên địa bàn huyện Văn Chấn có 80 doanh nghiệp, trong đó, 35 doanh nghiệp tư nhân, 9 công ty cổ phần, 15 công ty trách nhiệm hữu hạn, 14 hợp tác xã phi nông nghiệp và một số doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn. Trong điều kiện khó khăn do suy giảm kinh tế, tình hình sử dụng lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp là không tránh khỏi. Số lao động dôi dư hiện là 148 trong tổng số 1.927 lao động, chiếm 7,7%.
Nhiều doanh nghiệp khó khăn không bố trí được việc làm như: Công ty cổ phần chè Trần Phú, Công ty cổ phần chè Liên Sơn, Doanh nghiệp tư nhân Chế biến kinh doanh chè Bình Thuận, Công ty cổ phần Sản xuất -Thương mại dịch vụ Vân Tiên và một số doanh nghiệp xây dựng cơ bản khác. Số lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) là 856 người; số lao động chưa tham gia BHXH và BHYT là 1.062 người, chỉ đạt 44,9%. Hiện có 4/55 doanh nghiệp còn nợ lương với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp nợ BHXH với tổng số tiền 977 triệu đồng.
Từ thực tế cho thấy khả năng thanh toán của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do kinh doanh không hiệu quả, lợi nhuận thấp, khó bảo toàn vốn, một số doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH khó có khả năng trả nợ.
Tình trạng lao động ngừng việc cũng bởi các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh chè gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Năm 2008, toàn tỉnh tồn hàng ngàn tấn chè, giá cả vật tư tăng cao nên lao động trong các doanh nghiệp cũng phải nghỉ việc. Đối với các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, xây dựng giao thông, lao động cũng phải tạm nghỉ do không đủ việc làm.
Mặt khác, năng lực sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn yếu, công nghệ lạc hậu, đội ngũ cán bộ, công nhân trực tiếp sản xuất không đáp ứng được yêu cầu sự đổi mới phát triển trong xu thế hội nhập. Sản xuất gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu tăng cao, lãi suất ngân hàng cao, tổng chi phí lớn hơn doanh thu khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Việc nhà nước cắt giảm các công trình chưa cần thiết, tiết kiệm chi phí, giá cả sắt thép, vật liệu xây dựng có thời điểm tăng đột biến, người dân cũng hạn chế xây dựng, cho nên có những doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và đương nhiên người lao động không có việc làm, dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm...
Để giải quyết vấn đề việc làm, tháo gỡ khó khăn, phần lớn các doanh nghiệp đều mong muốn được vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến vay vốn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, có chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, lãi suất vay vốn tiêu thụ sản phẩm, trợ cấp cho người lao động bị mất việc làm, lao động phải ngừng việc dài ngày. Trước mắt, UBND huyện Văn Chấn đã tổ chức hội nghị triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp.
Thu hái chè ở xã Suối Bu (huyện Văn Chấn)
(Ảnh: Thanh Miền)
Trên cơ sở nội dung các chính sách của Nhà nước, UBND huyện đã đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hỗ trợ vay vốn bù lương và bù bảo hiểm; Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm và học nghề; các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới các doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Chi cục Thuế huyện thực hiện giảm và gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị theo qui định tại Nghị quyết số 30 của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. BHXH huyện triển khai việc thu bảo hiểm thất nghiệp theo qui định tại Nghị định số 127 và thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Có thể thấy, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn đều gặp khó khăn cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, ưu tiên cho các doanh nghiệp khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất, trả nợ lương công nhân và BHXH, qua đó cải thiện đời sống cho người lao động.
Số doanh nghiệp có lao động dôi dư nhiều không có nhu cầu sử dụng, cần có chính sách hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp giải quyết lao động dôi dư, không để kéo dài gây bất ổn về đời sống, đồng thời để người lao động chủ động tìm việc làm mới. Đối với các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, không bảo toàn vốn, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp giúp các doanh nghiệp kiểm tra đánh giá lại tình hình tài chính, khả năng phục hồi và phát triển. Những doanh nghiệp không có khả năng thanh toán cần đề nghị tuyên bố phá sản, thu hồi giấy phép kinh doanh, chấm dứt hoạt động. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp còn lại chấn chỉnh và đứng vững trong cơ chế thị trường, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Văn Chấn đang tích cực triển khai tháo gỡ những tồn tại, khó khăn cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có biện pháp thiết thực, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi, đời sống của người lao động địa phương.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Năm 2009, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái được giao dự toán thu cân đối ngân sách 96 tỷ đồng. Đến hết quý I, đã thu đạt 25,2 tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch năm và bằng 166% so với dự toán quí I, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2008.
YBĐT - Năm 2008 thành phố Yên Bái bị ảnh hưởng nghiêm trọng của bão lũ làm chết 2 người, 12 người bị thương, 8.210 hộ nhà dân bị ngập, gần 700 ha lúa và hoa màu khác bị ngập, sạt lở 6000m3 xuống đường liên thôn, ngập úng 35 tuyến đường giao thông … Tổng thiệt hại kinh tế trên 104,603 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định từ 1/5 đến hết 31/12/2009, giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe).
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg quy định tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hiệu lực từ 1-6-2009.