Giấc mơ song ngữ trên vùng đất núi

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/5/2025 | 8:36:12 AM

YênBái - Tiếng Anh có vai trò then chốt như một chìa khóa mở "cánh cửa" tri thức, công nghệ, cơ hội nghề nghiệp và hội nhập quốc tế. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó, ngành giáo dục và đào tạo đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, sinh viên trên cả nước.

Giờ dạy Toán học bằng tiếng Anh của thầy Nguyễn Khánh Hòa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.
Giờ dạy Toán học bằng tiếng Anh của thầy Nguyễn Khánh Hòa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

Tại Yên Bái - một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng giấc mơ song ngữ không còn là mục tiêu xa vời mà đang dần được hiện thực hóa bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy và trò. Qua các lớp học tiếng Anh tích hợp, hành trình chinh phục ngôn ngữ toàn cầu đang tạo nên những câu chuyện đầy cảm hứng, mở ra tương lai mới cho giáo dục và thế hệ trẻ Yên Bái.

Bước đi táo bạo

Một giờ Toán học của thầy Nguyễn Khánh Hòa với các em học sinh lớp 10 Toán B, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái thoạt nghe qua tưởng rằng là tiết học Tiếng Anh, bởi thầy và trò giao tiếp với nhau hoàn toàn bằng ngôn ngữ quốc tế. Thầy giáo phát âm chuẩn như một giáo viên tiếng Anh, còn các em học sinh nô nức giao lưu bằng ngôn ngữ quốc tế với thầy giáo của mình. 

Bài giảng không chỉ đơn thuần là các công thức và định lý mà còn chứa đựng nhiều thông tin, ý kiến thảo luận, tranh luận sôi nổi bằng tiếng Anh. 

"Các em có thể tự tin trình bày, đặt câu hỏi và thuyết trình bằng tiếng Anh ngay từ lớp 10. Điều này vô cùng quan trọng vì sau này các em sẽ phải sử dụng thành thạo tiếng Anh khi theo học các chương trình đại học hoặc làm việc ở những vị trí đòi hỏi trình độ ngoại ngữ tốt” - thầy Hòa chia sẻ. 

Cô giáo Lục Thị Thu Hoài - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu thực nghiệm dạy môn Hóa học bằng tiếng Anh từ năm 2013. Mỗi giờ Hóa học bằng tiếng Anh của cô luôn thu hút sự thích thú của học trò. Cô cũng đã từng tham mưu cho nhà trường tổ chức cuộc thi học sinh giỏi Hóa học bằng tiếng Anh cấp trường. 

Cô Hoài chia sẻ: "Khi dạy các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh sẽ phải tìm hiểu nhiều tài liệu nước ngoài, đây là nguồn tư liệu quý giá cho học sinh, đặc biệt là đối tượng chuyên Hóa. Tiết Hóa học bằng tiếng Anh rất vui, học sinh hiểu biết rộng hơn”. 

Còn với cô giáo Mai Khánh Linh - một giáo viên trẻ của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ. Khi được dạy chính thức, cô đã thực hiện ngay chủ trương dạy học bằng tiếng Anh với môn Toán học. 

Cô Linh chia sẻ: "Để chuẩn bị một tiết dạy Toán bằng tiếng Anh, tôi phải chuẩn bị công phu. Từng bài riêng có những cụm từ chuyên ngành riêng. Tôi rất may mắn cũng được học từ đại học. Cùng với đó, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu các nguồn học liệu số trên mạng. Một tháng, tôi tổ chức 2 tiết dạy Toán bằng tiếng Anh; chủ yếu chọn những chủ đề phù hợp, có nhiều thực tế để dạy bằng ngoại ngữ”. 

Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái), phong trào dạy học bằng tiếng Anh cũng rất sôi nổi. Một giờ Sinh học của cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương với các em học sinh lớp 11T3 sôi động với sự tương tác giữa cô và trò hoàn toàn bằng tiếng Anh. 

Với sự kết hợp bảng thông minh, hình ảnh trình chiếu, cách xây dựng bài giảng sinh động cùng với việc giảng dạy bằng tiếng Anh đã tạo nên một tiết học cuốn hút khiến mọi người liên tưởng là đang ở một trường quốc tế nào đó. 

Cô Lan Hương chia sẻ: "Mình cũng không hy vọng làm được nhiều tiết, làm được liên tục, mỗi một kỳ học tôi đặt mục tiêu có vài tiết dạy bằng tiếng Anh nhằm lan tỏa môi trường học tiếng Anh không chỉ đối với học sinh mà với tất cả giáo viên trong nhà trường”. 

Hầu hết giáo viên trong Tổ KHTN của Trường THPT Nguyễn Huệ đều đã thực hiện được các tiết dạy bằng tiếng Anh. Cô Hoàng Thị Thu Hương - giáo viên môn Vật lý cũng đã có 3 năm kinh nghiệm giảng dạy bằng tiếng Anh. Trước mỗi giờ học, cô Hương gửi trước cho học sinh các thuật ngữ chuyên ngành, giao các công việc chuẩn bị bài. 

Cô Thu Hương chia sẻ: "Việc giảng dạy bằng tiếng Anh giúp học sinh tiếp cận với nguồn tài liệu khoa học phong phú trên thế giới. Các em có thể tự tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề khoa học một cách chủ động hơn”. 

Sự thay đổi từ những lớp học

Những giờ học Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh không còn khô khan, nhàm chán. Thay vào đó, học sinh được khuyến khích tham gia vào các hoạt động thảo luận nhóm, thuyết trình, làm thí nghiệm bằng tiếng Anh. Các em không chỉ học kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện bằng tiếng Anh. 

Em Hà Duy Đông - học sinh lớp 11T3, Trường THPT Nguyễn Huệ hào hứng kể: "Trước đây, em rất ngại học tiếng Anh vì cảm thấy khó và khô khan. Nhưng từ khi được học các tiết học KHTN bằng tiếng Anh, em thấy hứng thú hơn hẳn. Em không chỉ hiểu sâu hơn về các khái niệm Toán học mà còn tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh”. 

Mỗi giờ học bằng tiếng Anh còn là những hành trang cho các em tìm hiểu những kiến thức rộng lớn, bước vào những kỳ thi đánh giá năng lực quốc tế. 

Em Vũ Hoàng Bách - lớp 10 Toán B, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Từ một người không thích, em đã dành rất nhiều thời gian trau dồi tiếng Anh. Từ đó, em sẽ tìm hiểu được các kiến thức Toán học từ các nguồn tài liệu tiếng Anh”. Em Đinh Vĩnh Thái - lớp 10 Chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành phấn khởi: "Em rất thích các giờ Toán học, KHTN bằng tiếng Anh. Các kỳ thi đánh giá năng lực bằng tiếng Anh chủ yếu là giải Toán bằng tiếng Anh nên việc được tiếp cận sớm sẽ hiệu quả”. 

Không chỉ là những thay đổi tích cực từ phía học sinh mà còn có sự thay đổi từ các thầy cô. Với phương châm "kiến thức vô tận và không bao giờ đủ”, thầy giáo Nguyễn Khánh Hòa đã tham gia một khoá học bồi dưỡng chứng chỉ IELTS. 

"Sau khi đạt IELTS 7.0, tôi chưa dừng lại ở đó mà tiếp tục tự rèn luyện để không bị mai một các kỹ năng tiếng Anh của mình. Tôi luôn cho rằng, không quan trọng mình nói bao nhiêu phần trăm tiếng Anh trong một tiết học mà quan trọng mình tạo ra được môi trường mà ở đó học sinh buộc phải nói, buộc phải suy nghĩ, buộc phải giao tiếp bằng tiếng Anh” - thầy Hòa tâm sự. 

Cô Nguyễn Thị Lan Hương cũng đã xây dựng sáng kiến "Một vài kinh nghiệm trong thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học môn Sinh học bằng tiếng Anh trong trường phổ thông”. Theo cô Hương, mục tiêu ban đầu là lan tỏa môi trường học tiếng Anh, tạo ra không khí giao lưu tiếng Anh giữa cô và trò, thay đổi trong tư duy, hiểu biết của học sinh về tầm quan trọng của tiếng Anh.

Vượt qua thách thức

Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Trường THPT Nguyễn Huệ là hai trong số nhiều trường đang tích cực triển khai chương trình dạy các môn học bằng tiếng Anh tại tỉnh Yên Bái. Để triển khai thành công chương trình, các trường, các thầy cô đã phải vượt qua nhiều thách thức. 

Một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu giáo viên có trình độ tiếng Anh tốt để giảng dạy các môn học bằng ngoại ngữ này; việc xây dựng và phát triển chương trình giảng dạy, tài liệu học tập phù hợp cũng là một thách thức không nhỏ; trình độ tiếng Anh của học sinh không đồng đều. 

Để giải quyết vấn đề này, các trường đã tổ chức các lớp phụ đạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho học sinh yếu; đồng thời, khuyến khích các em tự học, tự rèn luyện. Từ thực tiễn triển khai tại 2 trường THPT trên có thể thấy yếu tố thành công trong việc triển khai dạy học bằng tiếng Anh trong trường phổ thông đó là sự quyết tâm, đồng lòng của ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên. 

Cùng với đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn và ngoại ngữ cho giáo viên; tạo ra môi trường học tập thân thiện, khuyến khích học sinh tham gia tích cực. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong tương lai, các tiết học bằng tiếng Anh sẽ được thực hiện nhiều hơn nữa và nhân rộng ra nhiều trường học; tiếp tục mở rộng chương trình "Tiếng Anh hóa” sang các môn học khác, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục. 

Cô giáo Bùi Thị Hồng Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Để lan tỏa môi trường học tiếng Anh trong trường học và đẩy mạnh phong trào dạy học bằng tiếng Anh, theo tôi cần quy định mức cho mỗi giáo viên dạy bao nhiêu tiết bằng tiếng Anh cho một kỳ học, có kiểm tra bằng tiếng Anh, ví dụ như 30% số câu hỏi bằng tiếng Anh; tổ chức các cuộc thi như giáo viên dạy giỏi bằng tiếng Anh; tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh nhưng không dành cho các bạn chuyên Anh; tổ chức các cuộc thi mang tính phong trào trong trường như "Rung chuông vàng” hay tìm hiểu lịch sử bằng tiếng Anh hoặc tìm hiểu Địa lý bằng tiếng Anh; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên”.

Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những "quả ngọt" đầu mùa đã xuất hiện. Học sinh Yên Bái ngày càng tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh, đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Giấc mơ song ngữ trên vùng đất núi không còn là điều xa vời. Với sự quyết tâm của thầy và trò, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, giấc mơ ấy sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Thanh Ba

Tags Yên Bái tiếng Anh nhà trường giáo viên học sinh song ngữ

Các tin khác
Bộ GD&ĐT yêu cầu phát huy vai trò xung kích của sinh viên trong dịp hè năm 2025.

Bộ GD&ĐT yêu cầu hoạt động vui chơi, giải trí trong dịp nghỉ hè cần đảm bảo an toàn, lành mạnh, hiệu quả, diễn ra bình thường, không bị gián đoạn.

Mô hình lớp học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Huyện Trấn Yên đang duy trì 46 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 21 trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Đồng thời, huyện xây dựng 3 trường trọng điểm về chất lượng giai đoạn 2021-2025 gồm: Trường Mầm non Hoa Hồng, Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc và Trường THCS thị trấn Cổ Phúc.

Ảnh minh hoạ.

Bộ GD-ĐT vừa thông tin các minh chứng, giấy tờ hoặc cách thực hiện để thí sinh được hưởng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025.

Cô và trò Trường TH&THCS Cường Thịnh, huyện Trấn Yên trong hoạt động ngoại khóa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Cường Thịnh, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên không chỉ là nơi gieo mầm tri thức mà còn là không gian tràn đầy yêu thương và sáng tạo - nơi mà mỗi học sinh đều được quan tâm, tôn trọng và phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn tâm hồn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục