Xuân Long rừng đã hồi sinh

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xã Xuân Long (huyện Yên Bình - Yên Bái) có tổng diện tích đất rừng là 3500 ha. Trước đây, do sự tàn phá của con người, rừng Xuân Long có nguy cơ rơi vào tình trạng đất trống đồi núi trọc. Nhưng sau 5 năm thực hiện Dự án 327 với nỗ lực cứu rừng của cán bộ và nhân dân, rừng Xuân Long đã xanh trở lại.

Rừng sống ...

Cách đây 6 năm, tôi đã có dịp tới Xuân Long và đã thật sự chua xót trước cảnh một vùng đồi núi bạt ngàn mà không có nổi một cây gỗ to dù chỉ bằng phích nước. Nhưng đến Xuân Long giờ này, ai ai cũng phải ngỡ ngàng trước những rừng keo lai, bồ đề, bạch đàn mô... chen nhau vươn lên cao vút.

Khoảng những năm 1999-2000 do sự tàn phá của chính những con người nơi đây, rừng Xuân Long gần như đã suy kiệt hoàn toàn. Người ta phá rừng chủ yếu để làm nương rẫy. “Rừng phát la liệt và chỉ cần một mồi lửa là cả một cánh rừng rậm rạp với những cây gỗ to bằng cái bồ đựng thóc, bằng 2 - 3 người ôm, sau một đêm chỉ còn trơ lại những thân gỗ cháy nằm ngổn ngang” - Ông Hoàng Minh Xuân - Phó chủ tịch xã, nói trong sự nuối tiếc.

Trước sự tàn phá của con người, rừng Xuân Long đứng trước nguy cơ mất trắng. Thả con trâu, con bò đã không phải mất công đi tìm nữa, vì đứng ở một ngọn đồi cao có thể quan sát được tất cả. Chỉ tay về con suối phía trước, ông Thang Văn Tâm tiếp lời: “Con suối kia trước đây nhiều nước lắm, bình thường nước phải ngang bụng và rất trong. Nhưng sau khi rừng dần biến mất, nước còn lại rất ít và đục. Trước đó, nếu có lũ phải mấy ngày sau mới rút, nhưng giờ chỉ ào một lát là cạn ngay”.

Ngoài việc phá rừng làm nương rẫy thì trước kia nơi đây cũng là một điểm nóng của nạn chặt phá rừng bừa bãi. Mặc dù cũng có nhiều người biết tác hại của việc phá rừng nhưng người ta vẫn làm vì: “ Nhà nghèo lại đông con, không đi vào rừng chặt gỗ biết lấy gì để ăn” - ông Thang Văn Lài phân trần.

Đứng trước thực trạng rừng ngày càng cạn kiệt, môi trường sống bị đe doạ, năm 2001 Tỉnh ủy Yên Bái kết hợp với Lâm trường Thác Bà quyết định đưa Dự án 327 vào xã Xuân Long. Dự án ban đầu tài trợ hoàn toàn cho việc trồng 60ha rừng. Nhưng dự án chỉ là trên giấy, còn việc đưa những giống cây kia đem gieo và nảy mầm trên đất Xuân Long thì lại là một việc cực kì khó khăn. “Vốn thì ít mà từ xưa người dân chỉ quen với phá rừng nên nói đến việc trồng chẳng mấy ai quan tâm. Vài hộ trồng được một ít lại bị trâu bò phá, lúc đầu tôi tưởng dự án không thành” - ông Phó chủ tịch UBND xã kể lại.

Trước việc thực hiện Dự án gặp bế tắc, là những người đứng đầu và cũng là người hiểu biết hơn ai hết, nhiều cán bộ trong xã đã kết hợp vận động một số hộ có sẵn vốn, đi tiên phong trong việc trồng rừng. Trước sự nỗ lực không ngừng, đất đã không phụ người. “Đất tốt nên cây lớn rất nhanh, với lại, năm đầu có thể trồng xen sắn, cuối vụ thu hoạch, sắn có thể kéo lại toàn bộ vốn. Thấy thuận lợi và ban đầu đã có lợi nhuận nên người dân thi nhau trồng rừng” - ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng ban Văn hoá xã nói.

Như đã bắt được nhịp, từ năm 2003 trở đi, diện tích rừng trồng đã vượt ra ngoài chỉ tiêu của dự án và nhanh chóng được nhân rộng. Với diện tích 3500 ha trước đó trong tình trạng bị tàn phá nghiêm trọng và chủ yếu là rừng tự nhiên, nhưng chỉ sau 5 năm thực hiện Dự án, rừng đã được phủ xanh gần như toàn bộ. Đến Xuân Long giờ đây đâu đâu cũng nhìn thấy rừng, rừng không chỉ ở trên cao mà đang từng ngày lan tràn xuống vườn đồi gần bản làng, vây lấy từng nếp nhà và nó đã phủ lên nơi đây một màu xanh no ấm. Đến nay đã có một diện tích lớn rừng đang trong độ tuổi khai thác.

... Người sống

Khi tôi đặt chân đến nơi đây cũng là lúc nhiều hộ dân trong xã vui mừng khai thác những lứa cây đầu tiên. Gỗ được đem bán để làm nguyên liệu chế biến giấy và phục vụ một số ngành khác. Nguồn thu từ rừng là rất lớn, ước tính mỗi  ha cho nguồn thu hàng chục triệu đồng khi đã trừ chi phí. “Nhiều nhà đã mua được tivi, xe máy, làm được nhà khang trang... Không giấu gì anh, nhà tôi cũng vừa khai thác hơn 5ha keo bán được hơn trăm triệu nên một phần tôi đem đầu tư mở một xưởng bóc gỗ để tăng thêm thu nhập” - Phó chủ tịch Hoàng Minh Xuân vui mừng tâm sự.

Không chỉ dừng lại ở đây, tới đây Nhà nước và chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ vốn, kinh phí cho việc trồng rừng, đặc biệt là những hộ khó khăn. Hi vọng rằng, trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước rừng nơi đây sẽ sớm trở về với đúng nghĩa “Rừng vàng”. Đây là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn người lao động đang thiếu việc, đảm bảo hơn cho việc cân bằng hệ sinh thái, cải thiện môi trường sống đang đứng trước nguy cơ bị huỷ diệt.

Triệu Huấn

Các tin khác
Trung tâm xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu). (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Hầu hết các già làng trưởng bản đều nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc phân chia lại đất rừng khoanh nuôi, đất sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào cho hợp lý, được sự đồng thuận của nhân dân đặc biệt là những hộ đang “bao chiếm” đất đai lại đang vấp phải nhiều khó khăn, nếu không có phương án tháo gỡ ngay từ bây giờ sẽ gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Ảnh minh họa.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 15.6 tới, các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Hợp tác xã, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng sẽ được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe (bao gồm cả khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu phục vụ công cộng).

Bộ Tài chính sẽ siết chặt quản lý thép cuộn chứa Bo.

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ngăn ngừa hiện tượng “lách luật” trong việc nhập khẩu thép hợp kim chứa nguyên tố Bo.

Về việc tổng thầu hạng mục công trình cung cấp than, vật liệu rời cho các nhà máy điện, xi măng, phân bón, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương đánh giá kết quả thực hiện tổng thầu của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ở Dự án băng tải ống Mạo Khê - Bến Cân khi Dự án hoàn thành và đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục