Nông dân hoan hô “09”!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chính sách kích cầu chăn nuôi theo Quyết định 09 của UBND tỉnh Yên Bái đã kích thích mạnh sự chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn đã hình thành, đem lại thu nhập khá cho nông dân. Chính sách đã đi vào cuộc sống và thực tiễn cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mà các cấp, các ngành cần quan tâm để chính sách hoàn thiện hơn...

Gia đình ông Hoàng Ngọc Lâm ở xã Yên Bình (Yên Bình) phát triển trang trại chăn nuôi lợn, gà thu lãi gần 10 triệu đồng/tháng.
Gia đình ông Hoàng Ngọc Lâm ở xã Yên Bình (Yên Bình) phát triển trang trại chăn nuôi lợn, gà thu lãi gần 10 triệu đồng/tháng.

Hoan hô “09”!

Ông Hoàng Thanh Hùng ở thôn Nà Tạng, xã Minh Xuân (Lục Yên) đưa chúng tôi ra khu nuôi gà thả vườn của gia đình. Cái cách đưa khách ra thẳng vườn xem gà mà không vào nhà trà nước đủ thấy ông say sưa thế nào. Cuối năm 2008, ông quyết định chuyển hướng làm ăn, từ trồng lúa, nuôi gà theo kiểu tự cung tự cấp, ông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chuồng trại nuôi 1.000 con gà thả vườn. “Chính sách hỗ trợ của tỉnh đã kích thích tôi làm ăn quy mô lớn” - ông Hùng cười xông xênh. Mô hình chăn nuôi gà của ông đã được tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng. Số tiền này, ông mua hai máy ấp trứng, làm dịch vụ cung cấp gà giống cho nhân dân trong vùng và Lào Cai, Tuyên Quang.

Tự trang bị kỹ thuật chăn nuôi, chủ động 70% thức ăn nhờ tận dụng nguồn lương thực tại chỗ, ông tính ít nhất xuất bán 3 lứa mỗi năm, mỗi lứa từ 500 – 600 con, lãi ròng trên 70 triệu đồng. Gần nửa năm qua, ông Hùng đã xuất hai lứa, trên 1.000 con cho khách hàng ở Lào Cai, Hà Tây, Vĩnh Phúc... “Nông dân hoan hô “09”, tỉnh đã mở hướng cho chúng tôi làm giầu!” - ông Trương Văn Khoa ở thôn Làng Thọc, xã Yên Thắng (Lục Yên) phấn chấn đưa chúng tôi thăm trang trại lợn. Nuôi lợn là cách duy nhất để gia đình 5 khẩu chưa đầy 5 sào ruộng này lo đủ cái ăn trong nhiều năm nhưng cung cách làm ăn tiểu nông không giúp gia đình ông khấm khá. Chính sách kích cầu chăn nuôi của tỉnh đã đánh thức khát vọng vươn lên của ông. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho vay 100 triệu đồng để ông xây cất chuồng trại, mua 20 lợn nái. Bây giờ, tạm tính 280 lợn giống mỗi năm ông sẽ đưa vào trang trại lợn thịt 100 con, còn lại cung cấp cho nhân dân trong vùng, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng – số tiền rất lớn mà trước đó ông có mơ cũng không thấy.

Trong những trang trại chăn nuôi “sinh sôi” nhờ Quyết định 09 của tỉnh có trang trại của ông Đặng Văn Hãnh ở thôn Hồng Quân 1, xã Hán Đà (Yên Bình). Ông Hãnh vay ngân hàng 100 triệu đồng, xây dựng trại nuôi 250 lợn thịt. Nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng của tỉnh, ông đầu tư mua thức ăn, trồng cỏ chăn nuôi. “Cái hay của “09” là đã thổi bùng lên chí làm ăn lớn và thay đổi cung cách sản xuất của nông dân” - ông  Hãnh nói.

Tương tự, ông Hoàng Ngọc Lâm ở thôn Đức Tiến 1, xã Yên Bình (Yên Bình) từ hộ chăn nuôi nhỏ, khi có chính sách khuyến khích của tỉnh, ông đã đầu tư vốn xây dựng mới chuồng trại nuôi 100 con lợn thịt, 20 lợn nái, 1.000 con gà và 2 lò ấp trứng công suất 8.000 quả/mẻ, hạch toán sau ba tháng thu lãi trên 20 triệu đồng.

“Nuôi gà, nuôi lợn theo hướng trang trại tập trung là chuyện thời sự trong nông dân, nông thôn chúng tôi” -ông Nguyễn Văn Tĩnh ở thôn Ba Luồng, xã Đại Phác (Văn Yên) say sưa. “Từ cuối năm 2008, tôi đầu tư xây mới chuồng trại nuôi 20 con lợn giống, mở rộng chăn nuôi thêm 100 con lợn thịt. Tổng thu nhập từ chăn nuôi lợn của gia đình là 200 triệu/năm, lãi thu về trên 100 triệu đồng”. Giàu kinh nghiệm và say sưa làm ăn, cách nuôi lợn nái của ông khiến chúng tôi ngạc nhiên tới bật cười. ông xây cất chuồng trại công phu lại lắp đài mở nhạc cho lợn nghe. “Kinh nghiệm của tôi là lợn rất sợ tiếng động, phải có cách để chúng làm quen, lợn ăn no, ngủ phải kỹ thì mới lớn nhanh, sinh sản tốt được” - ông Tĩnh giải thích. Những chuyện này, chắc chỉ có ở thời “09” – một chính sách đúng đã kích thích mạnh mẽ ý chí vươn lên làm giầu của nông dân. Tôi nghĩ, khi chăn nuôi cho thu nhập khá, nông dân ham làm giầu thì việc mở nhạc cho lợn nghe như ông Tĩnh cũng là dễ hiểu.

Tiếng nói của nông dân

Hầu hết các chủ cơ sở chăn nuôi trang trại thuộc đối tượng của Quyết định 09 nói rằng họ chưa được đáp ứng về dịch vụ thú y. Ông Đặng Đức Hoành ở xã Đại Phác (Văn Yên) vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư chuồng trại nuôi 100 con lợn thịt. Ngoài 30 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh, ông còn được huyện Văn Yên hỗ trợ 20 triệu đồng cho xây dựng chuồng trại xa khu dân cư. Khi chúng tôi tới trang trại, ông chủ Hoành mặt mày ủ rũ, xẻng chống cằm vì trước đó hàng chục lợn con chết vì bệnh. Chưa hết, chuồng trại làm xong thì lốc tố phá hỏng phần mái. Những khoản hỗ trợ không đủ trang trải phần rủi ro phát sinh, nói chung rất bi quan. ở Yên Bình – trong 72 trang trại chỉ một vài mô hình, trong đó có trang trại nuôi 170 lợn thịt, 21 lợn nái của chị Đặng Thị Hồng Vân ở thị trấn Thác Bà là khả dĩ hơn vì chủ trang trại là khuyến nông viên.

Mô hình chăn nuôi trang trại 100 lợn thịt, 20 lợn nái của nông dân Đặng Đức Hoành, xã Đại Phác,
Văn Yên.

Ông Đặng Văn Hãnh ở xã Hán Đà- chủ trang trại 250 con lợn thịt và nhiều chủ trang trại khác cho biết, họ có được tập huấn nhưng là do các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi ngoại tỉnh tiến hành(!) Ông cho rằng, dịch bệnh đang là mối lo rất lớn của các chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn và dịch vụ thú y đang là khoảng trống rất lớn trong nông thôn.

“Tính rủi ro trong chăn nuôi không chỉ ở dịch bệnh, giá cả lên xuống thất thường còn đáng sợ hơn!” - ông Vi Quang Chính ở xã Trúc Lâu (Lục Yên) nói như vậy. Khoảng 70% số thức ăn cho chăn nuôi được tự túc nhờ nguồn lương thực tại chỗ, chủ yếu là ngô. Ông cho biết, giá lợn hơi có lúc từ 28.000 đồng/kg xuống 20.000 đồng/kg khiến ông lỗ tới 500.000 đồng/đầu lợn. “Giá thức ăn tăng cao, chi phí thức ăn trong một năm chiếm tương đương số tiền đầu tư chuồng trại, con giống. Thị trường tiêu thụ không ổn định, giá lên nông dân được nhờ, giá xuống nếu ở tình trạng rơi tự do thì những hộ chăn nuôi quy mô lớn sẽ sống dở, chết dở, thậm chí phá sản ngay!” - ông Chính trăn trở.   

Nông dân hoan hô “09” nhưng nông dân đang muốn “09” uyển chuyển hơn. Ông Nông Mạnh Tường ở xã Minh Xuân (Lục Yên) nuôi 500 con gà thịt, thu lãi 40 triệu đồng/năm. Ông Tường rất thích quy mô 1.000 con nhưng cho rằng rủi ro rất cao khi dịch bệnh và rớt giá. ở Minh Xuân, số nông dân có thể nuôi 500 con gà nhiều hơn số người nuôi 1.000 con trở lên. Ông Tường đặt vấn đề: “Một vài hộ nuôi 1.000 con gà hơn hay nhiều hộ nuôi 500 con gà hơn? Suy cho cùng, khối lượng hàng hoá như nhau, thậm chí nhiều hơn, sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, kích thích dịch vụ thú y phát triển!”.

Để phát triển các trang trại quy mô lớn cần có vốn lớn, có các điều kiện tốt về dịch vụ chăn nuôi. Phổ biến hiện nay, theo ông Hoàng Thanh Hùng ở Minh Xuân (Lục Yên) thì không phải ai cũng đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng. Để nuôi 100 lợn thịt trở lên cần tối thiểu 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại, từng đó vốn mua con giống, thức ăn trong năm. Kiến nghị của ông là vừa phát triển và hỗ trợ cho trang trại nuôi 100 lợn thịt, 20 lợn nái và 1.000 con gà trở lên những cũng nên hỗ trợ các hộ nuôi từ 50 lợn thịt, 10 lợn nái và 500 con gà trở lên. Bên cạnh khuyến khích phát triển trang trại quy mô, các chủ trang trại mà chúng tôi khảo sát đều cho rằng nên khuyến khích các trang trại đạt 50% tiêu chí như chính sách đề ra. Nông dân cho rằng như thế sẽ phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của bà con.

Thực tế trong thực hiện Quyết định 09 đang đặt ra câu hỏi: có nên hỗ trợ cho các hộ đã có cơ sở chăn nuôi, có điều kiện mở rộng quy mô không? Đại đa số nông dân cho rằng, khi các chủ cơ sở chăn nuôi có quy mô nhất định, thì việc hỗ trợ để họ phát triển thành quy mô lớn (với các hộ có trình độ sản xuất) là nên làm. Vì suy cho cùng, bản chất của chính sách là kích cầu, kích thích sản xuất phát triển, cổ vũ chí làm ăn lớn của nông dân.

Chính sách đã đi vào cuộc sống, nông dân hoan nghênh Quyết định 09 và những tiếng nói, kiến nghị của nông dân trong phát triển trang trại chăn nuôi là những vấn đề mới, rất sát cuộc sống nên được các cấp, các ngành xem xét để hoàn thiện chính sách, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo cơ hội làm giầu cho nhiều nông dân.

Tuấn Anh

Các tin khác
Máy biến áp 125.000KVA được thường xuyên kiểm tra bảo đảm an toàn vận hành lưới điện.

YB§T - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Yên Bái và Công ty điện lực I, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ công nhân viên, Điện lực Yên Bái đã phát triển nhanh và toàn diện, khẳng định được vai trò trong hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện tỉnh Yên Bái.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 81/2009/TT-BTC điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 trong Biểu thuế xuất khẩu.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, nắm bắt nhu cầu và giá thép xây dựng của Việt Nam bắt đầu tăng, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm đối tác Việt Nam để ký hợp đồng bán với khối lượng lớn.

YBĐT - Năm 2008 vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế gặp không ít khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái vẫn tăng khá; đặc biệt công tác thu nhân sách đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Pháp lệnh và về trước thời gian quy định. Có được kết quả ấy phải kể đến những đóng góp to lớn của Công ty Cổ phần Thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam, suốt mấy chục năm qua đã sản xuất ra hàng tỷ kWh điện, góp phần xây dựng công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục