Điện lực Yên Bái: 30 năm đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YB§T - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Yên Bái và Công ty điện lực I, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ công nhân viên, Điện lực Yên Bái đã phát triển nhanh và toàn diện, khẳng định được vai trò trong hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện tỉnh Yên Bái.
Máy biến áp 125.000KVA được thường xuyên kiểm tra bảo đảm an toàn vận hành lưới điện.
|
Sở Điện lực Hoàng Liên Sơn được thành lập theo Quyết định số 24/ĐT-TCCB ngày 25/4/1979 của Bộ Điện và Than, tiền thân là Nhà máy Điện Lào Cai. Bước đầu, Sở tiếp nhận Chi nhánh Điện Yên Bái của Sở Phân phối điện IV(Vĩnh Phú) quản lý lưới điện 35kV trên địa bàn tỉnh Hoàng Liên Sơn, thực hiện cung ứng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Khi mới thành lập, toàn ngành có 88 cán bộ công nhân viên (CB CNV) của Nhà máy Điện Lào Cai, trong đó có 7 kỹ sư, kỹ thuật, trung cấp và 81 công nhân đại bộ phận là bậc 3/7 và 4/7, có 25 đảng viên. Cơ sở vật chất ban đầu với 50km đường dây lấy từ Nhà máy Thủy điện Thác Bà, 03 trạm trung gian 35/10KV với công suất 4.160KVA; hơn 80% dân chưa có điện lưới quốc gia. Do tính chất hoạt động phân tán của ngành mặc dù ít đảng viên nhưng vẫn được Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên cơ sở.
Ngay khi bàn giao giữa Sở Phân phối điện IV xong, Đảng ủy, Ban Giám đốc đã có những biện pháp kịp thời để lãnh đạo CB CNV nhanh chóng ổn định tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, vận hành lưới điện cung cấp ổn định điện phục vụ nhiệm vụ chính trị và kinh tế của địa phương. Đến tháng 10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách ra làm hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Sở Điện lực Hoàng Liên Sơn cũng được tách ra để thành lập Sở Điện lực Yên Bái và Sở Điện lực Lào Cai. Ngày 1/4/1998 thực hiện Quyết định của Chính phủ, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực cho Sở Công nghiệp quản lý, Sở Điện lực Yên Bái lúc đó nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất kinh doanh về điện và được đổi tên thành Điện lực Yên Bái.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái và Công ty Điện lực I, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành trên địa bàn tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ CB CNV, Điện lực Yên Bái đã phát triển nhanh và toàn diện, khẳng định được vai trò trong hệ thống điện Quốc gia nói chung và hệ thống điện tỉnh Yên Bái nói riêng. Với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là quản lý vận hành, cung ứng điện năng, xây lắp đường dây và trạm biến áp, sửa chữa thiết bị điện, thiết kế, tư vấn, đầu tư, giám sát, xây dựng các công trình điện; gia công cơ khí mạ kẽm, kinh doanh viễn thông và truyền hình cáp... trong những năm qua, hoạt động điện lực đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương theo tinh thần nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Yên Bái và định hướng phát triển lưới điện trong từng giai đoạn, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, tập trung chủ yếu là đưa điện lưới quốc gia về các xã vùng sâu, vùng xa; đáp ứng nhu cầu điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung...
Đến nay, Điện lực Yên Bái có lực lượng lao động hùng hậu, gồm nhiều cán bộ, kỹ sư và công nhân có trình độ và tay nghề cao, đảm đương những nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của điện lực. Trong suốt 30 năm qua, tập thể cán bộ, công nhân viên Điện lực Yên Bái đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của ngành và địa phương giao, tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái và Công ty Điện lực I về định hướng phát triển lưới điện, phấn đấu nâng cao sản lượng điện thương phẩm, giảm tổn thất điện năng, nâng giá bán bình quân, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển kinh doanh đa ngành... góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương. Liên tục 9 năm liền, ngành hoàn thành xuất sắc toàn diện chỉ tiêu kế hoạch.
Năm 1980, sản lượng điện mới đạt 14,450 triệu kwh, năm 2008, sản lượng điện thương phẩm đã đạt 265 triệu kwh tăng hơn 20 lần so với năm 1980, tỷ lệ điện tổn thất giảm còn 5,32%, giảm 6 lần so với năm 1980, giá bán bình quân đạt 750đ/kwh tăng 500đ/kwh so với năm 1980. Các chỉ tiêu thu nộp, doanh thu tiền điện đều đạt và vượt kế hoạch. Lưới điện đã phát triển đến tất cả các huyện, thị xã theo đúng quy hoạch do UBND tỉnh và Công ty Điện lực I phê duyệt với hơn 90% số dân được dùng điện lưới quốc gia, riêng khu vực nông thôn có hơn 53.000 hộ được dùng điện.
Do có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn vay Ngân hàng thế giới (WB), vốn ODA, vốn đầu tư của ngành, trong những năm qua lưới điện của Yên Bái thường xuyên được nâng cấp, cải tạo. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Điện lực Yên Bái đang quản lý vận hành một khối lượng tài sản đường dây và trạm biến áp lớn gấp 26 lần năm 1979 bao gồm: 1.133km đường dây 35KV, 189km đường dây 10KV, hơn 600km đường dây 0,4KV, gần 800 trạm biến áp phân phối 35/0,4KV và 10/0,4KV với dung lượng 12.785,5KVA, 11 trạm Trung gian 35/10KV dung lượng 26.000KVA.
Góp phần cùng địa phương tháo gỡ khó khăn cho các vùng nông thôn, tạo điều kiện cho kinh tế – xã hội nông thôn Yên Bái phát triển, tháng 7/2008 Điện lực Yên Bái đã xây dựng đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn giai đoạn 2008 – 2010 trình UBND tỉnh Yên Bái và Công ty Điện lực I. Theo kế hoạch sẽ có 104 xã đang dùng điện của các tổ chức kinh doanh điện năng như: hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, hợp tác xã điện năng, doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH sẽ được bàn giao sang ngành điện quản lý, nguồn vốn được huy động để cải tạo lưới điện hạ áp được lấy từ vốn cải tạo sửa chữa lưới điện. Hiện nay công tác tiếp nhận lưới điện đang được đẩy mạnh để hoàn thành đúng mục tiêu đề ra vào tháng 12/2009.
Dự án Năng lượng nông thôn (RE II) giai đoạn I ở 37 xã triển khai từ cuối năm 2007 cũng đang được các đơn vị thi công tập trung đẩy mạnh tiến độ để hoàn thành đúng thời gian. Từ kết quả ban đầu, tỉnh Yên Bái tiếp tục được WB cho phép mở rộng Dự án. Theo kế hoạch, sẽ có 29 xã thuộc 6 huyện, thành phố được tham gia dự án mở rộng bao gồm: thành phố Yên Bái 4 xã, huyện Văn Chấn 1 xã, huyện Trấn Yên 4 xã, huyện Văn Yên 5 xã, huyện Lục Yên 4 xã và huyện Yên Bình 9 xã...
Công ty Điện lực I và UBND tỉnh Yên Bái đã phối hợp vay vốn của WB để đầu tư xây dựng lưới điện trung áp, các trạm biến áp và hệ thống lưới điện hạ áp cho 3 xã cuối cùng chưa có điện của tỉnh là Tà Xi Láng, Làng Nhì (huyện Trạm Tấu) và Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải). Tổng số vốn đầu tư của dự án này gần 67 tỷ đồng, dự kiến việc đưa điện về 3 xã cuối cùng sẽ hoàn thành trong năm 2009. Như vậy, tỉnh Yên Bái sẽ hoàn thành sớm mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI đề ra là 100% số xã có điện lưới quốc gia.
Nhiều năm qua, Điện lực đã tích cực, chủ động đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của khách hàng nhằm phục vụ tốt cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Việc phát triển khách hàng mới đã đi vào nề nếp, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, công tác chăm sóc khách hàng, tiếp nhận hồ sơ phát triển khách hàng được nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân.
Ngoài việc phát triển khách hàng, công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn cũng được đẩy mạnh, đến nay số khách hàng dùng điện trực tiếp với Điện lực đã là 66.717 trong đó có 2.453 khách hàng cơ quan và 64.264 khách hàng tư gia; lắp đặt hệ thống tụ bù có tổng dung lượng trên 3.200kVAr để nâng cao chất lượng điện năng; thực hiện tốt việc thay định kỳ công tơ, lắp đặt công tơ điện tử cho các khách hàng có phụ tải, có sản lượng lớn góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện vào các giờ thấp điểm nhằm giảm công suất vào giờ cao điểm; thường xuyên duy trì tốt chế độ kiểm tra khách hàng sử dụng điện, kiểm tra giờ cao điểm, có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh thất thoát điện năng; duy trì tốt công tác giao tiếp với khách hàng tại các chi nhánh và tiếp dân tại trụ sở Điện lực, phát huy có hiệu quả các đường dây điện thoại nóng, kịp thời giải đáp những thắc mắc cũng như các yêu cầu về sử dụng điện của khách hàng; thường xuyên giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy chế, quy định của ngành trong kinh doanh mua bán điện tới toàn thể CB CNV của Điện lực...
Phát triển kinh doanh đa nghề là hướng đi đúng đắn của điện lực, ngoài kinh doanh viễn thông ngành còn phát triển gia công cơ khí, cấu kiện thiết bị điện, xây lắp các công trình điện. Dây chuyền mạ kẽm nhúng nóng tại cụm công nghiệp tập trung Đầm Hồng (thành phố Yên Bái) đã đi vào hoạt động, mạng truyền hình cáp (THC) tại thành phố Yên Bái đã bắt đầu kinh doanh có hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 1.000 khách hàng được lắp đặt, sắp tới Điện lực Yên Bái sẽ đầu tư lắp đặt mạng THC tại các huyện: Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ.
Đảng bộ Điện lực với 135 đảng viên đã thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Điện lực, là hạt nhân lãnh đạo thực hiện mọi chủ trương đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, nội bộ đoàn kết, đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ. Nhiều năm liền, Đảng bộ Điện lực được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Ba mươi năm là chặng đường rất ngắn so với lịch sử phát triển của đất nước, nhưng với Điện lực Yên Bái đó là chặng đường ghi dấu sự trưởng thành đi lên của các thế hệ CB CNV. Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong xu thế hội nhập và phát triển, đội ngũ CB CNV Điện lực Yên Bái luôn trân trọng và kế thừa các thành quả đã đạt được trong suốt 30 năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu theo chương trình ISO 9001 - 2000 là “Phấn đấu thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”, không ngừng phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái và Công ty Điện lực I giao.
Đặng Văn Thanh - Giám đốc Điện lực Yên Bái
Các tin khác
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 81/2009/TT-BTC điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 trong Biểu thuế xuất khẩu.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, nắm bắt nhu cầu và giá thép xây dựng của Việt Nam bắt đầu tăng, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm đối tác Việt Nam để ký hợp đồng bán với khối lượng lớn.
YBĐT - Năm 2008 vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế gặp không ít khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái vẫn tăng khá; đặc biệt công tác thu nhân sách đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Pháp lệnh và về trước thời gian quy định. Có được kết quả ấy phải kể đến những đóng góp to lớn của Công ty Cổ phần Thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam, suốt mấy chục năm qua đã sản xuất ra hàng tỷ kWh điện, góp phần xây dựng công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ngày 27/4, tại cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ, ấp Bình Tiền, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời đầu tiên tại Việt Nam sẽ được khánh thành.