Khởi sắc kinh tế ở Đông An

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm trước đây, do dân trí không đồng đều, diện tích đất nông nghiệp ít, phân tán nên nhân dân xã Đông An (Văn Yên - Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế.

Chăn nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Đông An.
Chăn nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Đông An.

Để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân, chính quyền xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây con giống mới vào sản xuất, tích cực chỉ đạo bà con trồng rừng, thâm canh sắn bền vững trên đồi đất dốc, xây dựng các mô hình trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư...

Ông Trần Hiệp Sỹ - Chủ tịch UBND xã Đông An cho biết: "Trước đây bà con Đông An do thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất và kiến thức khoa học kỹ thuật nên năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ khi được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, được các cấp lãnh đạo, các kênh ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… đời sống của bà con trong xã đã được cải thiện rất nhiều.

Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo tại Đông An luôn ở mức cao so với các xã khác trong huyện thì đến hết năm 2008, tỷ lệ đó còn trên 9%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 6,7 triệu đồng/ người/ năm. Đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi thường xuyên vận động bà con nhân dân trong xã đóng góp ngày công vệ sinh đồng ruộng và giúp đỡ các loại cây con giống để các hộ phát triển sản xuất".

Một trong những biện pháp thiết thực tạo ra bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế tại Đông An đó là cấp ủy, chính quyền tổ chức các đợt khảo sát thực tế các mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả kinh tế cao, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, gieo trồng... Những năm trước, do độc canh giống lúa thuần địa phương nên năng suất lúa tại Đông An thường đạt rất thấp, từ khi áp dụng giống lúa mới có ưu thế về thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và hạn chế sâu bệnh như: Nhị Ưu 838, Nhị Ưu 63 hay Chiêm Hương vào sản xuất, năng suất lúa đã được nâng lên rõ nét (đạt trên 11 tấn/ha/năm). Sản lượng ngô cũng nhờ đó được duy trì bình quân hàng năm đạt trên 1900 tấn, sắn củ tươi đạt 13.000 tấn và hàng trăm tấn rau củ quả các loại.

Trong 3 tháng đầu năm 2009, ngoài việc tập trung hướng dẫn nhân dân gieo cấy 124 ha lúa vụ mùa, 90 ha ngô, 350 ha sắn, 150 ha rừng, 50 ha rau đậu đỗ các loại đúng thời vụ và thực hiện thâm canh sắn bền vững, tích cực phòng trừ sâu bệnh cho hoa mầu, gia súc, gia cầm, Đảng bộ, chính quyền xã còn chủ động phối hợp với các kênh ngân hàng, quỹ tín dụng đóng trên địa bàn, triển khai lập hồ sơ cho 170  hộ gia đình trong xã vay trên 2,5 tỷ đồng cải tạo đồng ruộng, đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại.

Thông qua các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn cách thức sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, rất nhiều hộ gia đình tại Đông An đã hoàn trả nợ ngân hàng và có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Là một trong những điển hình trong việc phát triển kinh tế trang trại gia đình tại Đông An, ông Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Khe Quyền cho biết: “Được chính quyền xã tạo điều kiện cho đi tham quan mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc tại An Bình và Đại Phác, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp.

Sau gần 1 năm chăn nuôi theo đúng quy trình, đàn lợn của gia đình phát triển tốt, tăng cân nhanh, không mắc các dịch bệnh và giá bán luôn cao hơn từ 2 đến 3 giá so với mặt bằng chung trong xã. Nếu tiếp tục chăm sóc tốt và tình hình giá cả không có nhiều biến động chắc chỉ trong vòng 4 – 5 năm nữa là gia đình tôi sẽ hoàn trả được số vốn đã vay”.

Tuy nhiên, cùng những kết quả đã đạt được thì hiện nay Đông An vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế. Sự xuống cấp của hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đường liên thôn, liên bản cũng là một cản trở không nhỏ đến quá trình vận chuyển các loại nông, lâm sản... Thêm vào đó, do trình độ dân trí chưa đồng đều nên nhiều hộ gia đình chưa chủ động phát triển sản xuất mà có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Để giải quyết các khó khăn trên và tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng bộ, chính quyền xã xác định sẽ tiếp tục đầu tư thâm canh tăng vụ, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại cây con giống mới vào sản xuất; phối hợp với các ngành đoàn thể huy động sự đóng góp của nhân dân sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường liên thôn. Phối hợp với các kênh ngân hàng tạo điều kiện cho bà con trong xã vay thêm 5 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại... Phấn đầu đến hết năm 2009, nâng mức thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7,5 %...

Đức Thành

Các tin khác

YBĐT - Ngân hàng NN &PTNT thành phố Yên Bái đã cho 30 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vay trên 73,5 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131/T.Tg của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là 76,3 triệu đồng. Nguồn vốn trên, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bổ sung vốn lưu động, đầu tư kinh doanh thương mại dịch vụ, sản xuất chế biến nông - lâm sản.

YBĐT - Đầu năm 2009, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) xảy ra dịch tụ huyết trùng trên đàn gia súc làm chết 27 con trâu, bò của 2 xã là Bản Mù, Làng Nhì. Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, huyện Trạm Tấu đã phối hợp với chính quyền địa phương dập dịch triệt để, đến nay không xảy ra dịch mới. Tuy nhiên, số trâu bò bị chết là do nguyên nhân không được tiêm phòng vì thiếu vắc xin.

Theo dự kiến của Tổng cục Thuế, đến hết tháng 5-2009, có khoảng hơn 300 đơn vị chi trả thu nhập sẽ hoàn thành việc gửi dữ liệu đăng ký thuế cho cơ quan Thuế. Cuối năm 2009, Tổng cục Thuế sẽ cơ bản hoàn thành việc cấp mã số thuế cho khoảng hơn 10 triệu người lao động.

Cầu treo Vân Hội (Trấn Yên) được đầu tư từ nguồn vốn 135 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ.

YBĐT - Ngày 28/4, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức tổng kết thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006- 2008) và đánh giá thực hiện Chương trình 135 năm 2009.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục