Minh An: Không thể mãi cam chịu đói nghèo
- Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm bên quốc lộ 32, thông thương với nhiều xã của Văn Chấn cũng như tỉnh Phú Thọ. Mới đến, ít ai nghĩ Minh An là xã đặc biệt khó khăn, bởi nó hội đủ những tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội. Đất đai rộng, khí hậu ôn hoà thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Minh An lại được hưởng lợi từ các chương trình, dự án nên cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Vậy mà, Minh An vẫn là một xã chậm phát triển của Văn Chấn (Yên Bái).
Với sự đầu tư của Nhà nước, đường giao thông ở Minh An đang được kiên cố.
|
Theo thống kê vào cuối năm 2008, với 872 hộ dân, 3416 nhân khẩu thì có tới 587 hộ, 2314 khẩu (chiếm tỷ lệ 67,31%) số hộ thuộc diện hộ nghèo. Tỷ lệ đói nghèo này cao ngang bằng một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu.
Lý giải về nguyên nhân trên, Chủ tịch UBND xã - Phùng Xuân Phúc bộc bạch rằng, cùng nguyên nhân đặc thù của một xã thuộc diện 135, trong xã chưa có mô hình kinh tế hiệu quả để bà con học tập... thì nguyên nhân chính là do trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, nếp làm ăn cũ đã ăn sâu vào trong tư tưởng của họ. Hơn thế, sự trông chờ, ỷ lại vào nhà nước trong mỗi người dân quá cao nên những tiềm năng vẫn chưa được khai thác triệt để, để đem lại cuộc ấm no cho bà con!
Tìm hiểu được biết, dù diện tích đất ruộng không nhiều, (trên 38 ha), nhưng thế mạnh của Minh An chính là cây chè, cây ăn quả và rừng. Đến nay toàn xã có 191 ha chè và 122 ha cây ăn quả. Tuy nhiên, với 8 thôn bản thì có tới 6 thôn bản người Dao, vì vậy phần lớn diện tích chè ở Minh An là loại chè giống cũ, năng suất thấp, người dân chỉ chăm sóc khi giá cả lên, năm mất giá lại bỏ không chăm sóc. Dù một số hộ đã đưa giống chè mới vào trồng nhưng việc cải tạo và trồng mới cũng diễn ra chậm.
Năm 2007, trồng được 12,4 ha, năm 2008 là 5 ha, chủ yếu là giống chè Bát Tiên, LDP1. Đối 122 ha cây ăn quả, với sản lượng bình quân khoảng 700 tấn/ năm, nhưng do chủ yếu sản phẩm là cam sành, cam sen, quýt... nên giá trị kinh tế không cao. Hơn thế, hiện nay nhiều diện tích cây ăn quả lại đang bị bệnh vàng lá phải huỷ bỏ.
Việc cải tạo, đưa giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam đường canh đã được thực hiện, nhưng cũng như cây chè, việc cải tạo diễn ra chậm, manh mún ở một số hộ. Thế mạnh nữa của Minh An đó là rừng, nhưng trước đây do tập quán cũ, người dân chỉ biết khai thác, việc trồng rừng kinh tế mới chỉ diễn ra trong vài năm gần đây nên đồi rừng chưa đem lại thu nhập cho người dân.
Cùng với trồng trọt, thế mạnh về chăn nuôi cũng chưa được khai thác, mặc dù xã có đàn trâu 348 con, đàn bò 312 con, lợn 960 con. Trong năm 2008, đàn gia súc có tăng, nhưng nguyên nhân của việc tăng đó là do xã có dự án phát triển đàn gia súc mà không xuất phát từ nội lực của người dân. Do đó, chăn nuôi ở Minh An mới chỉ dừng lại ở việc phục vụ sinh hoạt, chưa xứng với tiềm năng của địa phương, chưa trở thành hàng hoá.
Để dân thoát đói nghèo, Minh An ra khỏi xã đặc biệt khó khăn vẫn là một vấn đề đặt ra bức thiết với Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Có lẽ, vấn đề mấu chốt đó là cần thay đổi tư duy, khắc phục tư tưởng, cách nghĩ, cách làm lạc hậu, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và người dân. Mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ xã Minh An cần có suy nghĩ, có hành động để xây dựng Đảng bộ, chính quyền xã luôn trong sạch vững mạnh.
Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên là những người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế với các mô hình mới để nhân dân học tập, làm theo. Để thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất, xã cần chỉ đạo mạnh đội ngũ cán bộ khuyến nông, các ban, ngành, đoàn thể trong xã, thôn tăng cường xuống cơ sở để vận động, hướng dẫn tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân. Trong đó, chú trọng đến áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, chè, cây ăn quả, chăn nuôi; hướng dẫn nông dân ủ phân chuồng, phân xanh thay thế phân hoá học; vận động bà con làm chuồng nuôi nhốt gia súc để lấy phân, sử dụng vôi khử chua phèn; tập trung chăm sóc diện tích chè, cây ăn quả đảm bảo năng suất.
Mạnh dạn trong việc cải tạo diện tích chè, cây ăn quả giống cũ, bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Huy động các nguồn vốn đầu tư con giống để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là đại gia súc để chăn nuôi trở thành hàng hoá. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng để người dân đầu tư trồng rừng kinh tế, phủ xanh đất trống đồi trọc; làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, kiên quyết ngăn chặn việc khai thác vận chuyển buôn bán lâm sản trái phép, xâm canh vào rừng đầu nguồn...
Thay đổi cách nghĩ, cách làm, không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều, nhưng phải thực sự nỗ lực thay đổi thì cuộc sống của người dân ở Minh An mới bứt phá lên được.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tư hướng dần về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.
YBĐT - Ngày 6/5, Uỷ ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tổ chức lễ khởi công xây dựng đường Phạm Quang Thẩm, thuộc phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, con đường mang tên một chiến sỹ du kích anh hùng năm xưa đã tham gia chiến dịch giải phóng thị xã Nghĩa Lộ.
YBĐT - Huyện Văn Chấn (Yên Bái) có diện tích chè lớn nhất trong tỉnh với 4.270 ha, trong đó có 4.000 ha chè kinh doanh. Hàng năm, doanh thu từ chè đạt từ 150 đến 170 tỷ đồng, nộp ngân sách 9 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành chè chiếm tới 80% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn huyện. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây việc chế biến tiêu thụ chè ở Văn Chấn đã gặp không ít khó khăn, gây ảnh hưởng lớn đến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.