Chương trình 135 giai đoạn II Mù Cang Chải: Góp phần giảm gần 20% hộ nghèo
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong 2 năm 2007 và 2008, huyện Mù Cang Chải đã được đầu tư tổng kinh phí trên 5,7 tỷ đồng qua Chương trình 135 giai đoạn II (trong đó năm 2007 được đầu tư 3,1 tỷ và năm 2008 trên 2,6 tỷ).
Bằng nguồn vốn được đầu tư, huyện đã hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm 274 triệu đồng để mở 115 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.650 lượt nông dân tham gia và mở 80 lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và lâm sinh; hỗ trợ 844 triệu đồng để xây dựng 18 mô hình sản xuất, trong đó có 11 mô hình nông - lâm nghiệp; thâm canh rau, ngô vụ thu đông, mô hình nấm sò trên rơm, trồng tre Bát Độ, lúa Séng Cù và 6 mô hình chăn nuôi như chăn nuôi dê bán chăn thả, chăn nuôi gà đen thả vườn, chăn nuôi bò bán chăn thả; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất cho các hộ nghèo trị giá 1,7 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ giống lúa Nhị Ưu 838, giống đậu tương, giống rau bắp cải, giống chè Shan giâm cành...; hỗ trợ 10 con trâu giống, 68 con bò và hỗ trợ vật tư sản xuất như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nilon. Cùng với đó, huyện còn được hỗ trợ 2,7 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị máy móc công cụ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, trong đó có 38 máy cày có thùng, 71 máy thái cỏ, 1 bộ máy chế biến gỗ rừng trồng, 28 máy xay xát, 33 máy đập lúa, 169 máy tuốt đạp chân, 31 bộ máy cày cầm tay, 35 bộ máy gặt cầm tay, 289 máy tẽ ngô quay tay, 199 bình phun thuốc sâu...
Qua 2 năm triển khai Chương trình 135 giai đoạn II, đối với huyện Mù Cang Chải bước đầu đã có những thay đổi trong việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 72,7% cuối năm 2006 xuống còn 54,21% trong năm 2008. Tuy nhiên, với địa bàn vùng cao, trên 90% là dân tộc Mông, trình độ dân trí hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu nên đã gây khó khăn lớn cho việc chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là trong việc sử dụng, vận hành và bảo dưỡng máy móc. Hạn chế lớn nữa là do địa hình đồi núi nên máy móc đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương mới chỉ phục vụ được nơi có địa hình bằng phẳng, chưa đi sâu đến các thôn, bản. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân vẫn còn nặng tư tưởng ỷ lại, ngại lao động nên cũng gây khó khăn cho việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi.
Xác định Chương trình 135 là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, do đó huyện Mù Cang Chải đã có những giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn II trong những năm tới. Đó là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách, Chương trình 135 để các xã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và đồng tình ủng hộ.
Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành cho cán bộ, công chức đảm nhiệm từ cấp cơ sở để phát huy tối đa hiệu quả của các chương trình dự án. Chủ động từ các khâu xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện, bình xét đối tượng tham gia đến việc tham gia giám sát các hoạt động đầu tư hỗ trợ vào địa bàn. Phát huy tối đa hiệu quả của máy móc, giúp người dân giảm bớt sức lao động thủ công, nâng cao hiệu suất, chất lượng công việc.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi có hiệu quả, đồng thời vận động nhân dân mở rộng quy mô các mô hình đã thực hiện như: mô hình bảo quản chế biến thức ăn cho gia súc trên diện rộng, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ trong mùa đông cho đàn gia súc. Mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, vận hành và bảo dưỡng máy móc tới các xã để người dân sử dụng và bảo quản có hiệu quả hơn các hạng mục được hỗ trợ. Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các hạng mục công trình, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất đến khâu chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn II trong thời gian tới, huyện chỉ đạo các xã cần xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; tuyên truyền thế nào để người dân vùng cao hiểu được từ nguồn vốn được hỗ trợ của Nhà nước, hộ nghèo trong huyện sẽ được tiếp cận với cách làm mới vừa giảm đáng kể sức lao động thủ công, vừa tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn.
Thanh Xuân
Các tin khác
YBĐT - Thời gian gần đây, giá thịt lợn hơi tụt thê thảm, do những thông tin ban đầu về dịch cúm A/H1N1 đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới. Sức mua ở các chợ đều giảm, tư thương ép giá khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn đứng ngồi không yên.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa chấp nhận phương án tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối. Theo đó, mỗi lít xăng, dầu sẽ tăng thêm 500 đồng/lít kể từ 0h ngày 8/5/2009.
YBĐT - Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Viễn Sơn (huyện Văn Yên) luôn nêu cao tinh thần thi đua trên mọi lĩnh vực, phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để luôn xứng đáng với phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” – những người đã từng tham gia chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, nay trở về đời thường các CCB lại đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
YBĐT - Nằm bên quốc lộ 32, thông thương với nhiều xã của Văn Chấn cũng như tỉnh Phú Thọ. Mới đến, ít ai nghĩ Minh An là xã đặc biệt khó khăn, bởi nó hội đủ những tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội. Đất đai rộng, khí hậu ôn hoà thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Minh An lại được hưởng lợi từ các chương trình, dự án nên cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Vậy mà, Minh An vẫn là một xã chậm phát triển của Văn Chấn (Yên Bái).