Bàn giao lưới điện nông thôn về ngành điện để tăng hiệu quả quản lý

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo công bằng cho người sử dụng điện ở nông thôn, Công ty Điện lực I đã có Văn bản số 1267/CV-PC1-P2 đề nghị UBND tỉnh Yên Bái cho phép bàn giao lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái về cho ngành điện quản lý vận hành nhằm khắc phục những tồn tại trong việc cung cấp và sử dụng điện quốc gia tại khu vực nông thôn.

Công nhân Điện lực Yên Bái sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện tại địa phận Mị, Văn Chấn.
Công nhân Điện lực Yên Bái sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện tại địa phận Mị, Văn Chấn.

Đến cuối năm 1998, điện lưới quốc gia đã kéo đến 9/9 huyện, thị, thành phố với 146/159 xã và gần 100 nghìn hộ dân được dùng điện (riêng khu vực nông thôn là 53 nghìn hộ). Tuy nhiên, hệ thống điện nông thôn được xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: vốn ngân sách, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và nhất là vốn do nhân dân tự đóng góp xây dựng.

Các công trình điện do Nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế đầu tư thì chất lượng đảm bảo. Còn các công trình do dân đóng góp xây dựng thì chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu vì cột không đủ tiêu chuẩn, làm bằng mọi vật liệu có thể, trong đó có cả tre, gỗ, cau, cọ... dây dẫn có tiết diện nhỏ và chắp vá, nhiều chủng loại; hòm công tơ làm bằng gỗ, thùng đựng nước, bình phun thuốc trừ sâu hỏng... trong khi đó, bán kính cấp điện thường rất dài và tốc độ tăng trưởng phụ tải lớn (khoảng 15 đến 17%)...

Tất cả những yếu tố trên đã dẫn tới tình trạng mất an toàn về điện; điện áp cuối đường dây rất thấp; tỷ lệ tổn thất cao, khoảng 20 đến 35%, cá biệt có trạm biến áp lên đến 50% như ở Khánh Hoà (huyện Lục Yên). Chất lượng và độ an toàn kém như vậy mà người dân lại phải trả giá rất cao cho mỗi kWh (bình quân từ 700 đến 800 đồng/kWh, nhiều nơi người dân phải đến gần 2000 đồng cho mỗi kWh như ở bản Dạ, xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn).

Với sản lượng điện bình quân như hiện nay, khi ngành điện bán trực tiếp, giá mỗi KWh sẽ giảm 108,2 đồng, bình quân mỗi hộ giảm chi phí mua điện mỗi tháng là 5.588,4 đồng. Nhà nước sẽ tiết kiệm được 447.034 kWh điện mỗi tháng, do giảm được tổn thất và tăng thu cho ngân sách 36 triệu đồng/tháng, người nông dân không phải đóng góp bất cứ một khoản chi phí nào khác.

Vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo công bằng cho người sử dụng điện ở nông thôn, Công ty Điện lực I đã có Văn bản số 1267/CV-PC1-P2 đề nghị UBND tỉnh Yên Bái cho phép bàn giao lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh về cho ngành điện quản lý vận hành nhằm khắc phục những tồn tại trong việc cung cấp và sử dụng điện quốc gia tại khu vực nông thôn.

Chấp thuận Nội dung công văn 2167, ngày 25/5/2008 UBND tỉnh đã ra Văn bản chỉ đạo số 911, giao cho Điện lực Yên Bái xây dựng đề án tiếp nhận toàn bộ lưới điện nông thôn tỉnh Yên Bái. Bản đề án do ngành điện xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt, theo đó Điện lực Yên Bái sẽ tiếp nhận toàn bộ lưới điện nông thôn để quản lý, vận hành trực tiếp. Sau khi tiếp nhận, Điện lực Yên Bái sẽ đầu tư sửa chưa ban đầu, thay thế công tơ đo đếm và tiến hành đầu tư nâng cấp sửa chữa hệ thống lưới điện theo kế hoạch, đảm bảo tỷ lệ tổn thất điện năng từ 8 đến 10%.

Khi ngành điện tiếp nhận lưới điện thì hộ dân ký kết hợp đồng với ngành điện và chỉ phải trả giá mua là 550 đồng/kWh đầu tiên (giá thời điểm xây dựng đề án) và tính giá điện “bậc thang” như các hộ dân ở thành phố. Như vậy là người dân nông thôn đã dễ dàng nhận ra ngay cái lợi khi mua điện thẳng của ngành điện, không qua HTX, tổ dịch vụ hay công ty TNHH như: hưởng giá điện thấp nhất (do bình quân hộ nông dân sử dụng dưới 100 kWh/tháng), không phải tính thêm tiền hao tổn đường dây (trước đây tổn thất trên lưới bao nhiêu người dân phải chịu bấy nhiêu) và hơn nữa là chất lượng điện sẽ tốt hơn, an toàn hơn khi ngành điện đầu tư sửa chữa và nâng cấp.

Một vấn đề đặt ra là tài sản gồm đường dây và đồng hộ đo điện được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là do dân nghèo đóng góp sẽ được xử lý thế nào? Lực lượng công nhân, xã viên các công ty, các HTX dịch vụ điện sẽ được giải quyết công việc ra sao? Đem câu hỏi này trao đổi với ông Vũ Duy Khương – Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Yên Bái, chúng tôi đã được giải thích: “Ngay trong đề án tiếp nhận lưới điện nông thôn, ngành điện đã khẳng định: đối với lưới điện do ngân sách Nhà nước đầu tư sẽ bàn giao trên nguyên tắc tăng giảm vốn của bên giao và bên nhận. Đối với lưới điện nông thôn được đầu tư bằng nguồn vốn vay (Dự án Năng lượng nông thôn 2 RE II), bàn giao toàn bộ công trình sau đầu tư, Công ty Điện lực I và Điện lực Yên Bái có trách nhiệm trả toàn bộ vốn vay của dự án. Đối với lưới điện nông thôn do dân góp vốn đầu tư sẽ bàn giao nguyên trạng tài sản, không hoàn trả vốn. Khi ngành điện đầu tư cải tạo sẽ hoàn trả lại toàn bộ vật tư và phụ kiện không sử dụng cho dân”.

Ông Khương giải thích thêm: “Chúng tôi hiểu tâm trạng của dân khi tiền mình góp vào, công trình của mình mà bỗng nhiên giao cho ngành điện. Nhưng bà con cần phải hiểu rằng, liền một lúc ngành điện không thể cải tạo toàn bộ lưới tuyến để trả lại vật tư, phụ kiện cho bà con được; thêm nữa, phần lớn vật tư, phụ kiện bà con đã mua, đã dùng chất lượng đã rất kém. Cây tre, cây cọ, mẩu gỗ, dây dẫn bằng đồng, bằng nhôm lung tung như thế cũng chẳng thể hạch toán được bằng nào, ngành điện có lấy về cũng chẳng biết để làm gì! Bà con hãy yên tâm, những nơi đường điện cũ nát như vậy, sẽ được ngành điện ưu tiên đầu tư cải tạo trước, toàn bộ vật tư sẽ được trao trả đầy đủ”.

 Phải chăng khi lưới điện nông thôn được bàn giao về ngành điện thì sứ mệnh lịch sử của các HTX dịch vụ điện ở các địa phương sẽ chấm dứt? Câu trả lời là không! vì ngành điện sẽ phối hợp chuyển đổi mô hình quản lý từ HTX dịch vụ điện năng sang mô hình đại lý bán lẻ điện nông thôn. Hiểu một cách đơn giản là, trước đây các tổ chức này mua điện của Nhà nước giá thấp, đem bán cho dân giá cao để lấy lãi, nay họ làm dịch vụ cho ngành điện với các phần việc trong hợp đồng như ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, sửa chữa nhỏ, phát dọn lưới tuyến, bảo vệ hành lang điện...

Ngành điện cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ cho công nhân các đại lý và trả lương cho họ theo quy định nền lương cơ bản của Nhà nước nên thu nhập và đời sống của họ sẽ ổn định hơn.

Với sự quan tâm của các cấp, cách ngành, đặc biệt là Ban chỉ đạo Bàn giao lưới điện nông thôn tỉnh Yên Bái, việc bàn giao và tiếp nhận lưới điện đang được tổ chức khẩn trương và đến nay đã có trên 50% số xã đã được tiếp nhận và bàn giao.

 Ý KIẾN TỪ CƠ SỞ

Ông Đào Duy Vượng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái:

 
Việc bàn giao lưới đ
iện đã khiến khoảng 40% số HTX trong tỉnh gặp khó khăn, trong đó khoảng 10% có nguy cơ giải thể. Đứng trước tình cảnh này, Liên minh HTX vẫn tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức bàn giao lưới điện theo đúng tinh thần chỉ đạo vì mục tiêu chung. Về phần mình Liên minh HTX, đã chỉ đạo các HTX tiến hành ký hợp đồng làm đại lý với ngành điện; tổ chức lại lao động và mạnh dạn chuyển hướng sản xuất kinh doanh, tìm ngành nghề mới gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình. Liên minh sẽ giúp các HTX về vay vốn, tìm kiếm thị trường... Rất mừng là một số HTX đã tìm được hướng đi mới.

Bà Phạm Thị Huê - xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái):

Chỉ cách nhau có con sông Hồng mà bên Hồng Hà (tức phường Hồng Hà - TP Yên Bái) điện khoẻ; giá điện thấp, bên Hợp Minh chúng tôi thì hoàn toàn ngược lại, thật là bất công! Người dùng điện, nhất là nông dân chúng tôi quan tâm trước hết là điện phải mạnh, giá phải hạ, ít nhất là như mọi nơi, thế mới gọi là công bằng xã hội. Còn chưa kể đến chuyện công tơ hỏng họ cũng bắt nộp tiền đi mua; hao tổn đường đây bao nhiêu mình cũng chịu mà nào mình có biết là hỏng hay không, hao tổn biết bao nhiêu. Giờ thì ngành điện lo hết!

Ông Hán Đình Đông - Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh (Trấn Yên):

Hợp tác xã Dịch vụ điện năng của chúng tôi được tổ chức quản lý và vận hành tốt, vì vậy mặc dù số hộ sử dụng điện trong xã ít, sản lượng điện thấp nhưng chúng tôi vẫn nuôi được 5 công nhân vận hành và đóng bảo hiểm xã hội cho họ. Chúng tôi ủng hộ chủ trương bàn giao lưới điện của xã về ngành điện vì mục tiêu phát triển và vì lợi ích chính đáng của người dân, nhưng cũng rất lo ngại cho sự tồn tại của HTX. Đành rằng, ngành điện tiếp tục ký hợp đồng với chúng tôi cũng như ký hợp đồng lại đội ngũ công nhân vận hành nhưng chuyển từ mô hình dịch vụ điện sang đại lý điện, công việc chỉ là ghi chỉ số công tơ và thu tiền hàng tháng, với thu nhập ít ỏi thì nuôi sao được anh em và duy trì đóng bảo hiểm xã hội. Tất nhiên, việc ít đi, trách nhiệm ít đi thì tiền phải ít đi nhưng phong trào HTX chắc chắn sẽ đi xuống, có thể còn là giải thể nữa! Chúng tôi cũng rất lúng túng không biết phải chuyển đổi ngành nghề gì ở một mảnh đất còn nghèo và ít tiềm năng, lợi thế này.

Lê Phiên

Các tin khác

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến nay, các doanh nghiệp trong cả nước đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn bốn triệu tấn, xuất khẩu được 2,5 triệu tấn, kim ngạch đạt gần một tỷ USD, với giá trung bình 407 USD/tấn.

Vụ xuân vừa qua, Yên Bái gieo cấy tăng 500ha so với vụ xuân năm 2008.

YBĐT - Vụ mùa 2009, toàn tỉnh Yên Bái phấn đấu đưa vào gieo cấy trên 19.437 ha lúa ruộng, năng suất đạt trên 46 tạ/ha, sản lượng 90.000 tấn. Đồng thời, đưa vào sản xuất 4.320 ha lúa nương, 5.500 ha ngô hè thu...

YBĐT - Ngày 14 và 15/5, tại tỉnh Yên Bái, Cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (PCLB) tổ chức Hội nghị tập huấn công tác PCLB cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Công nhân Điện lực Yên Bái sửa chữa, bảo vệ an toàn lưới điện phục vụ nhân dân.

YBĐT - Từ thành phố Yên Bái trung tâm tỉnh lỵ, đến các làng bản vùng sâu vùng xa của các huyện Trạm Tấu , Mù Cang Chải... đồng bào các dân tộc đang được dùng nguồn năng lượng từ hệ thống điện lưới quốc gia. Các khu công nghiệp trong tỉnh đều đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và đó chính là những thành quả có phần đóng góp quan trọng của Điện lực Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục