Về nơi chiến trường xưa

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vượt cầu Mậu A bắc qua sông Hồng, con đường trải nhựa đưa ta đến với cánh đồng Đại Phú An mầu mỡ. Mùa này lúa đang phơi màu, khắp nơi ngan ngát mùi thơm đặc trưng của giống chiêm hương đặc sản. Ít ai ngờ rằng cách đây 60 năm, trên vùng đất này từng diễn ra trận công đồn lịch sử đánh tan cứ điểm Đại Bục, Đại Phác mở màn cho chiến dịch Sông Thao năm 1949.

Cùng chúng tôi đi thăm lại chiến trường xưa, Bí thư Đảng uỷ xã Đại Phác - Hoàng Đình Tống say xưa kể: “Đồn Đại Bục, Đại Phác đều nằm trên đồi cao, dưới cánh đồng kia là sân bay dã chiến của quân Pháp. Lực lượng ta nhanh chóng, bí mật tiếp cận các vị trí quanh cứ điểm, hoả lực pháo được đặt ở gò Chùa và gò Thiên phối hợp cùng bộ binh. Giặc chống trả quyết liệt nhưng chưa đầy một giờ đồng hồ đều bị quân ta tiêu diệt”. Thời gian qua đi, đồn giặc bây giờ chỉ còn dấu tích. Các chiến sĩ là người địa phương tham gia trận đánh người mất, người còn, song chiến công thì vẫn được nhân dân truyền tụng để mà tự hào. Vì thành tích to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến mà Đại Phác đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Rồi cũng chính nơi đây trở thành điểm đầu tiên của huyện Văn Yên ra mắt xã văn hoá.

 

Đến Đại Phác hôm nay không khỏi ngỡ ngàng trước bộ mặt của vùng quê đổi mới. Nhiều ngôi nhà xây xen lẫn với những mái nhà sàn ẩn hiện giữa vạt đồi xanh ngút ngát. Ngay từ năm 1992, điện lưới quốc gia đã được kéo về địa phương và bây giờ, 100% số hộ được sử dụng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đồng bào các dân tộc trong xã luôn luôn đoàn kết một lòng, tự nguyện hiến hàng chục ngàn mét vuông đất thổ cư để mở rộng 14 tuyến đường giao thông liên thôn; đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng gần ngàn khối cát sỏi, mấy trăm ngày công xây dựng 1km đường bê tông nơi trung tâm xã. Và con đường trục, trong kế hoạch cũng sẽ được trải nhựa với sự đầu tư của Nhà nước.

 

Vốn là địa phương thuần nông, Đảng bộ xã sớm vận dụng nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn để tạo sức bật cho đồng đất nơi này. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 12%, cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng chuyển đổi hợp lý. Với diện tích 129ha cấy lúa nước hai vụ, từ vài năm nay Đại Phác có kế hoạch chuyển dần sang cấy giống lúa thuần chiêm hương để nâng cao thu nhập và xây dựng thương hiệu gạo đặc sản của địa phương.

 

Nhiều biện pháp được tiến hành đồng bộ như: thực hiện Dự án kỹ thuật phục tráng giống tại thôn Ba Luồng với 2,5 ha; thực hiện chương trình kỹ thuật SRI áp dụng các biện pháp thâm canh với tổng diện tích 10 ha; thực hiện thử nghiệm công nghệ phân dúi với 130 hộ tham gia.. và cơ cấu hiện nay 60% giống lúa thuần, 40% giống lúa lai. Cây ngô trên đất soi bãi cũng được trồng 3 vụ với diện tích 126 ha cùng hàng trăm ha ngô đông trên đất lúa. Chính vì vậy tổng sản lượng lúa, ngô hàng năm của Đại Phác đạt khoảng 2.500 tấn và bình quân thu nhập đạt 60 triệu đồng/1 ha đất canh tác.

 

Giống như nhiều địa phương của huyện Văn Yên, trên đồng đất Đại Phú An diện tích đồng cỏ ít nên việc chăn nuôi đại gia súc không phải là thế mạnh. Xã đã tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm và tập trung phát triển đàn lợn. Đàn gia cầm có ngót hai vạn con cùng trên 5.000 đầu lợn. Bước đầu xã đã xây dựng được mô hình trang trại với qui mô 100 lợn thịt và 20 lợn nái. Một số hộ như: ông Nguyễn Văn Tích ở thôn Ba Luồng, ông Hoàng Đức Hồng ở thôn Tân An, ông Đỗ Đức Tình ở thôn Tân Thành... do biết cách tổ chức sản xuất mà sớm trở thành những nông dân giàu có. Bây giờ, bình quân thu nhập đầu người đạt 8 triệu đồng/năm nhưng tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới vẫn ở mức cao 15,94%.  Đây cũng là vấn đề bức xúc để xã tiếp tục có kế hoạch giải quyết lao động, tạo việc làm; chuyển  đổi cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh sản xuất tạo nền tảng cho quá trình xây dựng nông thôn phát triển bền vững.

 

Anh Nguyễn Đức Tâm - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã vui mừng báo tin: “Từ khi ra mắt xã văn hoá, phong trào hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh, 10/10 thôn đều có nhà văn hoá cùng 1 nhà sàn văn hoá dân tộc Tày tại trung tâm xã. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân luôn được quan tâm và thực hiện tốt, duy trì đạt bình quân điểm chuẩn quốc gia về y tế hằng năm là 93/100 điểm. Đại Phác cũng đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm học 2008 – 2009, có 8 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học và hàng chục em theo học cao đẳng nghề.

 

Nguyện vọng của nhân dân địa phương muốn Nhà nước tôn tạo lại cụm di tích và công nhận di tích lịch sử để phục vụ khách thăm quan và giáo dục truyền thống cho thế  hệ trẻ”. Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Sông Thao, không chỉ tên các trận đánh đồn Đại Bục, Đại Phác, đồn Gióm được nhắc đến mà các địa phương: Đại Phác, An Bình, Đông An cũng ghi một ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi người về địa phương phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm, nay năng động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới đẹp giàu.

 

Thế Quynh

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Dù chỉ tăng 2.000 đồng/chỉ trong sáng ngày 18/5 nhưng từng đó cũng đủ để giá vàng trong nước đạt mức cao nhất từ trước đến nay: 2,015 triệu đồng/chỉ.

Việc kiểm kê sẽ thực hiện trên phạm vi toàn quốc, nhằm xác định rõ quỹ đất đang sử dụng cũng như diện tích đất chưa được khai thác hiệu quả để có biện pháp khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị, từ ngày 1/1/2010, cả nước sẽ tiến hành kiểm kê đất đai và phải hoàn thành trước ngày 31/10/2010.

Việt Nam có diện tích đất lâm nghiệp bình quân theo đầu người rất thấp: 0,22 ha/ người, so với thế giới chỉ bằng 23%. Nếu chỉ tính diện tích đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh thì con số này còn thấp hơn nhiều.

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch cuối tuần (kết thúc vào rạng sáng ngày 16.5, giờ Việt Nam) khiến cho giá vàng giao dịch ở thị trường trong nước nhảy vọt tạo nên mức kỷ lục mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục