Lâm Giang không còn độc canh cây lúa
- Cập nhật: Thứ ba, 26/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Phát huy nội lực, phân vùng phát triển kinh tế theo điều kiện đất đai và trình độ dân trí, phá vỡ thế độc canh cây lúa, tạo ra sản phẩm hàng hoá trong sản xuất nông-lâm nghiệp… Cách làm ấy, hướng đi ấy đã đưa xã Lâm Giang, huyện Văn Yên từ một xã nghèo trở thành điển hình trong xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giầu ở vùng cao Yên Bái.
Chỉ cách đây vài năm về trước, cuộc sống của 1.179 hộ dân các dân tộc xã Lâm Giang cũng nghèo khó như bao vùng quê miền núi khác. Cán bộ nghèo, đảng viên cũng nghèo, nhân dân lại càng nghèo đói, cứ vào tháng ba ngày tám là cả thôn, cả bản lại kéo nhau lên rừng mong kiếm được cái ăn cho qua ngày.
Không cam chịu nghèo đói mãi, đảng bộ và nhân dân Lâm Giang phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy tiềm năng sẵn có, vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế gia đình. Căn cứ vào đất đai, lao động, điều kiện kinh tế, điều kiện tự nhiên của mỗi thôn, bản để từ đó phân chia thành vùng phát triển kinh tế tập trung.
Đối với thôn 1 và 2 là vùng có nhiều ruộng, đất mầu thì tập trung thâm canh, tăng năng suất lúa, cây mầu và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đối với thôn 3, 4, 5, 6 và 13 ruộng có ít tập trung phát triển cây mía, ngô, đỗ tương, sắn. Vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc tập trung trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc. Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân toàn xã phát triển thương mại - dịch vụ từ trung tâm xã đến các thôn bản. Bên cạnh việc phân vùng phát triển kinh tế, Đảng bộ xã đã xây dựng thành Nghị quyết chuyên đề và các văn bản hướng dẫn cụ thể. Đồng thời quán triệt trong cán bộ, đảng viên, phải là những người đi đầu và cùng tập thể lãnh đạo, Đảng bộ, chi bộ lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Đối với 130 ha cây lúa, nhân dân đưa các giống lúa lai, lúa thuần năng suất cao vào gieo cấy, áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất; tận dụng đất mầu trồng cây ngô phục vụ cho chăn nuôi, cây sắn, mía cho chế biến công nghiệp. Năng suất cây trồng ngày một tăng lên, nếu như trước đây năng suất lúa chỉ đạt 70 tạ/ha, thì hết năm 2008 đã đạt 105 tạ/ha, một con nhiều vùng thâm canh lúa cũng phải ước ao. Diện tích cây mầu, cây công nghiệp cũng mỗi năm mỗi tăng, đến nay đã ổn định 250 ha ngô, 400 ha sắn và 300 ha mía.
Những năm trước bà con trồng mía, cứ đến vụ thu hoạch là lại chạy đôn, chạy đáo lo tiêu thụ và luôn bị tư thương ép giá dẫn đến hiệu quả thấp. Trước những khó khăn đó, xã đã phối hợp với ngành ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tạo điều kiện cho dân vay vốn mua máy ép mía đường tại địa phương. Thế là nhà nhà mua máy ép mía làm đường mật bán, đến nay toàn xã có gần 100 máy ép mía. Vào mùa thu hoạch mía, đi dọc các con đường làng đâu đâu cũng thấy nhộn nhịp, mùi mật thơm lan tỏa cả làng quê. Vừa sản xuất, vừa chế biến không chỉ làm tăng giá trị cây trồng mà còn góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm cho người dân.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh trong các gia đình, nuôi lợn đã trở thành một nghề đối với không ít hộ dân và rất hiệu quả, bình quân mỗi năm thu từ bán trâu, bò, lợn cũng đem về xã trên 3 tỷ đồng, một con số không nhỏ ở xã vùng cao.
Có lợi thế là nhiều diện tích rừng, đất rừng xã đã vận động nhân dân trồng và bảo vệ rừng, biến rừng thành một nguồn thu. Từ những người dân chỉ biết chặt phá rừng là chính, thế mà nay nhân dân đã trồng 360 ha rừng kinh tế, nhận bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh gần 5 ngàn ha. Tuy chưa phải đã đến chu kỳ thu hoạch diện tích rừng trồng, nhưng mỗi năm bà con cũng thu trên 1,3 tỷ đồng từ rừng.
Năm 2008 tổng giá trị thu nhập toàn xã đã đạt trên 68 tỷ đồng ( nông lâm nghiệp 60%, dịch vụ, thương mại 9,7%, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp 30,3%); không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm còn chưa đầy 8% theo tiêu chí mới; 80% số hộ có ti vi, 95% số hộ có xe máy, 80% số hộ có nhà lợp ngói, nhà xây; thu nhập bình quân đầu người đạt 8.700 ngàn đồng/người/năm.
Thanh Phúc
Các tin khác
Ngày 25/5, Tổng công ty thép Việt Nam tăng giá bán thép tại khu vực phía Nam lên thêm 350.000 đồng/tấn đối với thép cuộn, 150.000 đồng/tấn đối với thép cây.
YBĐT - Xã An Thịnh (huyện Văn Yên - Yên Bái) hiện đang triển khai mô hình nuôi giun quế là mô hình đơn giản, vốn ít nhưng hiệu quả kinh tế cao và nông dân ai cũng làm được. Thế nhưng đáng tiếc là mô hình này chưa được người dân biết đến nhiều.
YBĐT - Bản Công là xã luôn có nguy cơ cháy rừng cao của huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng cuối tháng 3/2009, đã xảy ra 1 vụ cháy làm thiệt hại 3 ha rừng sản xuất. Nguyên nhân là do người dân đốt nương gây cháy rừng. Hiện Trạm Tấu vẫn chưa tìm ra “thuốc” đặc trị để hạn chế cháy rừng.
Tin từ các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối ngày 25.5 cho biết, các DN này đã có văn bản gửi tới liên bộ Tài chính - Công Thương đề nghị tăng giá bán lẻ đối với các mặt hàng xăng và dầu. Mức tăng được đề xuất là 500 đồng/lít.